Thứ bảy, 12/12/2009, 11h12

Quy định mới về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông: Giáo viên càng nhọc nhằn hơn

Một giáo viên tiểu học trung bình mỗi ngày phải chấm 120-200 bài (kiểm tra giấy hoặc chấm tập vở học sinh). Công việc này mất 3-4 giờ và đa số giáo viên sử dụng giờ nghỉ trưa, ra chơi ở trường và buổi tối ở nhà để chấm bài.
Tuy nhiên, theo thông tư quy định chế độ làm việc của giáo viên (GV) phổ thông do Bộ GD-ĐT mới ban hành (có hiệu lực từ ngày 6-12), chấm bài không được quy đổi ra tiết dạy nên GV không được hưởng tiền làm việc thêm giờ.
Một giáo viên THCS chấm bài kiểm tra môn địa lý vào giờ nghỉ. Theo quy định mới, giáo viên không được trả thù lao cho công việc này - Ảnh: Như Hùng
Quá nhiều hoạt động ngoài lớp học
Hiện nay, GV bậc THPT phải đảm nhiệm ít nhất 17 tiết/tuần. Với GV tiểu học, con số này là 23 tiết/tuần. Những môn thiếu GV thì số tiết trên mỗi GV càng tăng. Song công việc của họ không chỉ dừng ở những số tiết dạy được lượng định như trên. Ngoài giờ lên lớp, GV phải tham gia nhiều hoạt động giáo dục khác do trường đề xướng, chấm bài, lên điểm, soạn giáo án, dự giờ, đầu tư đổi mới phương pháp, phụ đạo HS yếu kém, ôn thi cho HS cuối cấp, tham gia coi thi, chấm thi trong các kỳ thi lớn... GV hầu như không có ngày nghỉ. Ở một số trường, ngày nghỉ (chủ nhật) được tận dụng để họp tổ chuyên môn, họp hội đồng nhà trường.
Tổng phụ trách cũng kiêm nhiệm
Theo thông tư, định mức giảng dạy của hiệu trưởng là 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng là 4 tiết/tuần, giáo viên làm tổng phụ trách dạy 2 tiết/tuần hoặc 1/2, 1/3 định mức giảng dạy, tùy từng trường.
Thế nhưng không chỉ riêng việc chấm bài, theo quy định mới, những hoạt động ngoài giờ lên lớp khác của GV đều không được quy đổi thành tiết dạy dù nó chiếm bao nhiêu thời gian. Cô Đ.T., GV Trường tiểu học X (Hóc Môn, TP.HCM), cho biết: “Theo quy định, mỗi ngày GV phải chấm khoảng 1/2 số bài của một lớp, nhưng hầu như GV đều phải chấm 100% số bài để nắm chắc lực học của HS”.
Cô T. mô tả: “Một GV lớp 3 phụ trách 40 HS, hằng ngày phải chấm tập HS gồm: tập toán, tập chính tả, luyện từ và câu, tập làm văn, bình quân 120 quyển/ngày. GV tranh thủ thời gian nghỉ trưa để chấm (từ 11g30-13g15), chưa kể giờ ăn phải chia cơm cho HS vì trường thiếu bảo mẫu... rồi cho HS đi ngủ”. Một GV khác tâm tư: “GV dạy lớp 4, 5 thì bài nhiều đến mức phải mang về nhà, nhất là môn tập làm văn chấm mất rất nhiều thời gian. Đó là chưa kể những việc khác như: giáo án, sổ sách các loại, họp hội, dự giờ đồng nghiệp...”.
Hiệu trưởng cũng gồng gánh
Theo nhiều GV, với khối lượng công việc như hiện tại, từ năm 2006 đến nay họ chỉ được nghỉ 1/2 số thời gian nghỉ hè. Tại Hà Nội, nhiều hiệu trưởng khẳng định GV được nghỉ nhiều nhất một tháng hè. Những GV tham gia dạy lớp cuối cấp, tập huấn GV, cán bộ quản lý có khi chỉ được nghỉ hè 10-15 ngày. “Như vậy là vi phạm Luật lao động nhưng không biết làm sao, vì công việc đòi hỏi phải huy động GV”- một hiệu trưởng tâm sự.
Ở những trường thiếu GV, các thành viên ban giám hiệu thỉnh thoảng phải đứng lớp là chuyện thường. Nhưng tại nhiều trường công việc quản lý quá nặng nề do HS đông, đặc thù địa bàn... nên hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải nhờ GV dạy giùm tiết của mình để lo những công việc khác. Hiệu trưởng một trường phổ thông ở Hà Nội nói: “Nhiều khi đang dạy thì có một đoàn khách đến trường phải tiếp hoặc phòng, sở triệu tập họp đột xuất, phải bỏ lớp. Có khi phải vừa cho HS làm bài kiểm tra vừa tiếp khách. Nếu cứng nhắc thực hiện đúng quy định thì hiệu trưởng trở nên ôm đồm, trong khi HS phải học giờ của hiệu trưởng sẽ rất khổ”.
Ông Nguyễn Tiến Hùng - hiệu trưởng Trường Phan Đình Phùng (Hà Nội) - cho rằng: “Hiệu trưởng, hiệu phó không nhất thiết phải đứng lớp trực tiếp mới có thể bám sát được hoạt động dạy học. Trên thực tế có rất nhiều cách để sâu sát và chỉ đạo kịp thời về chuyên môn đối với GV”. Thầy Nguyễn Hữu Chiệu, hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Hà Nội), cho rằng: “Nhiều người làm công tác quản lý nhưng vẫn là các thầy cô giáo dạy giỏi, không dạy sẽ phí”. Do đó, không nên quy định bắt buộc mà nên tùy theo điều kiện của từng trường và khả năng đảm đương công việc của mỗi hiệu trưởng.
VĨNH HÀ - LƯU TRANG/TTO