Thứ hai, 23/5/2011, 16h05

Tuyển sinh lớp 10: Bí quyết ôn tập môn toán đạt hiệu quả cao

Để ôn tập tốt môn toán, HS phải nắm vững kiến thức ở lớp dưới

Ôn tập môn toán như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới đang là một trong những băn khoăn của các em học sinh (HS) lớp 9. Nhằm giúp các em xác định đúng phương pháp ôn tập, Giáo Dục TP.HCM xin giới thiệu ý kiến hướng dẫn của các giáo viên (GV) có nhiều kinh nghiệm giảng dạy môn toán.
Thầy Nguyễn Thanh Tịnh, GV bộ môn toán, Trường THCS Nguyễn Du, (Q.1): Cẩn thận đọc kỹ đề 
Thông thường, trong đề thi phần đại số chiếm 6,5 điểm và phần hình học chiếm 3,5 điểm, vì thế HS phải phân bố thời gian hợp lý giữa các phần để không bỏ sót phần nào.
Phần đại số, căn cứ vào đề thi của các năm trước (có 3 đến 4 câu) và cấu trúc đề thi của năm nay, GV có thể rút ra các phần trọng tâm để HS ôn tập như biến đổi và rút gọn căn thức, giải phương trình và hệ phương trình, định lý Vi-ét, quan hệ giữa hàm số bậc nhất và hàm số bậc hai… Để làm tốt phần này, các em phải có những kiến thức cơ bản không những ở lớp 9 mà cả kiến thức các lớp dưới, đặc biệt là phần hằng đẳng thức đã học ở lớp 8. Phần giải phương trình bậc 2 thường đưa về hai dạng cơ bản là dạng đầy đủ hoặc khuyết hệ số b hoặc c (hệ số có thể là hữu tỷ hoặc vô tỷ), phương trình trùng phương thường đưa về dạng tính nhẩm, các em giải nhiều bài tập phương trình dạng này thì sẽ giải quyết tốt phần giải các phương trình và hệ phương trình trong đề thi. Phần định lý Vi-ét, HS phải học kỹ lý thuyết và giải các bài tập vì đề thi thường đưa ra một bài tập có chứa tham số để thí sinh biện luận theo tham số, từ đó tìm ra phương trình có nghiệm và tìm mối quan hệ giữa các nghiệm. Trong phần này đề thi có thể ra thêm về nhận biết bất đẳng thức nên các em cũng nên chú ý ôn lại phần bất đẳng thức. Còn ở phần mối quan hệ giữa hàm số bậc nhất và hàm số bậc hai, thí sinh cần biết vẽ đồ thị hàm số bậc nhất và bậc hai, tìm các tọa độ giao điểm, viết một phương trình đường thẳng có quan hệ vuông góc hoặc quan hệ song song với đường thẳng đã cho hoặc đi qua một điểm cho trước và tiếp xúc với parabol đã cho…
Phần hình học, HS cần ôn tập các kiến thức trong SGK, đặc biệt chú ý đến kiến thức về tứ giác nội tiếp và tam giác đồng dạng. Bài hình học thường có từ 3 đến 4 câu. Hai câu đầu thường dễ: Chứng minh tứ giác nội tiếp, tìm tâm đường tròn ngoại tiếp, chứng minh một hệ thức giữa các đoạn thẳng…. Câu tiếp theo là câu khó, HS phải vận dụng kết quả hai câu trên và nhiều kiến thức khác để làm. Câu cuối thường là tính toán hoặc chứng minh 3 điểm thẳng hàng hoặc đồng quy… Các câu này để phân loại thí sinh nên có rất ít thí sinh làm được, nhưng đừng vì thế mà các em bỏ qua. Nếu các em biết được phép tính nào trong bài tập khó này thì vẫn tính phép tính đó, vì thông thường người chấm thấy các em làm được phép tính nào vẫn tính điểm cho phép tính đó. Chẳng hạn, đề yêu cầu làm hết 6 phép tính nhưng các em chỉ làm được 2 phép tính thì người chấm thi vẫn cho điểm các phép tính mà thí sinh đã làm được.
Nhìn chung, để làm tốt bài thi môn toán trong kỳ thi này, HS phải có kỹ năng tính toán, giải các phương trình cơ bản và kỹ năng chứng minh các tứ giác nội tiếp, tam giác đồng dạng. Khi làm bài thi, các em cần cẩn thận đọc kỹ đề, bởi HS hay đọc nhầm đề dẫn đến giải sai. Chẳng hạn, các em thường nhầm lẫn giữa chứng minh phương trình có nghiệm với tìm điều kiện để phương trình có nghiệm nên thường giải không đúng với yêu cầu của đề thi. Bên cạnh đó, các em không nên bỏ sót các câu hỏi nhỏ trong các bài tập, làm được phần nào thì cứ làm phần đó chứ không nên thấy bài khó mà bỏ qua các bước hay các ý nhỏ, bởi người chấm thi vẫn chấm các ý nhỏ nếu các em làm được.
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Tổ trưởng Tổ toán Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình): Nên chia ra từng chương ôn tập
Để đạt điểm cao môn toán, HS cần ôn tập lại kiến thức trong chương trình, từ cơ bản đến nâng cao, bởi trong cấu trúc đề thi tuyển vào lớp 10 thường có 70% kiểm tra kiến thức cơ bản và 30% kiến thức nâng cao.
Phần đại số, trước hết HS nên ôn tập lại chương 1 và chương 2 với những kiến thức cơ bản về căn thức và đồ thị hàm số. Chương căn thức, HS phải biết chia dạng căn thức và cách rút gọn một căn thức như thế nào. Còn phần đồ thị thì ôn lại những kiến thức cơ bản như xác định hàm số, lập bảng giá trị và vẽ đồ thị. Chương 3 là những kiến thức về hệ phương trình, phần này HS phải nắm được cách giải phương trình, biết biến đổi để tìm hệ phương trình tương đương (thường sử dụng phương pháp cộng hoặc phương pháp thế), tìm nghiệm phương trình. Ở phần này HS nên biết cách kiểm tra trên máy tính, tức là biết nhập dữ liệu để xác định hệ số phương trình vì nếu không nắm được các thao tác thực hiện trên máy tính thì dẫn đến việc xác định hệ số không đúng sẽ giải hệ phương trình sai. Chương 4, các em sẽ quay lại với phần đồ thị hàm số, parabol, phương trình bậc 2 và phương trình quy về bậc 2. Ở chương này HS nên ôn tập lại cách lập bảng giá trị và vẽ parabol. Còn về phương trình, HS phải biết cách giải phương trình bậc 2 qua công thức nghiệm và một số phương trình quy về phương trình bậc 2 (thường là phương trình trùng phương), phần này các em có thể giải bình thường hoặc giải bằng cách đặt ẩn phụ. Chương này có mối liên hệ với chương 2 giữa parabol và đường thẳng, tìm tọa độ giao điểm nên các em cần chú ý để giải các bài tập liên quan.
Phần hình học, HS phải nắm vững lý thuyết để vận dụng kiến thức đã học vào giải bài tập và biết vẽ hình để làm bài. Khi vẽ hình các em phải đọc kỹ đề xem yêu cầu vẽ hình gì, nếu vẽ lệch hình thì có thể sẽ bị sai toàn bài hoặc một số câu nhỏ.
DƯƠNG BÌNH (ghi)
Cần vẽ hình chính xác
HS cần nắm vững kiến thức hình học lớp 8 như định lý Talet, tam giác đồng dạng vì nó là những kiến thức nền của hình học lớp 9. Ở chương trình lớp 9, HS phải ôn tập kỹ các chương về hệ thức lượng trong tam giác vuông, tiếp tuyến đường tròn, các loại góc đường tròn, tứ giác nội tiếp. Phần tính diện tích, các em phải biết cách chia hình lớn thành những hình nhỏ để tính toán. Khi làm bài HS chú ý đọc kỹ đề và vẽ hình chính xác vì nếu vẽ hình không chính xác các em rất dễ mất điểm.
Cô Đỗ Thị Phụng Hoàn
(GV môn toán Trường THCS Trần Văn Ơn)