Thứ hai, 22/10/2012, 08h10

Nhà bán trú dân nuôi cho học sinh miền núi: Bao giờ cung “đuổi” kịp cầu?

Các em học sinh trong căn phòng bán trú do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị xây tặng

Khi những cơn gió Lào mang theo cái nắng nóng rát mặt thưa dần nhường chỗ cho những trận mưa rừng ào ạt, hàng trăm em học sinh ở các bản làng xa xôi thuộc hai huyện Đakrông và Hướng Hóa (Quảng Trị) lại mang hành trang lên vai tập trung về điểm trường chính để bắt đầu một năm học mới. Hành trình đến trường mỗi ngày của các em phải vượt hàng chục cây số đường rừng…
Đã có nhiều sự nỗ lực, hỗ trợ từ chính quyền, ngành giáo dục… nhưng do nhu cầu ở bán trú của học sinh quá lớn nên có nhiều nơi, một mái nhà bán trú dân nuôi để giúp các em đỡ nhọc nhằn vẫn còn là giấc mơ…
1. Nhằm hướng tới mục tiêu xã hội hóa giáo dục, xóa điểm “trắng” về giáo dục tại các xã miền núi khó khăn; để hạn chế thời gian đi lại cũng như tránh sự nguy hiểm cho các học sinh ở xa khi phải cuốc bộ hàng chục cây số đường rừng rậm rạp, suối đèo trơn trượt, ngành giáo dục cùng các ban ngành chức năng đã nỗ lực đóng góp, kêu gọi hỗ trợ để xây nhà bán trú dân nuôi cho học sinh. Thống kê cho biết, hiện có 8 lớp bán trú dân nuôi ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa với khoảng hơn 300 học sinh. Sau một thời gian dài, mô hình bán trú dân nuôi đã khẳng định được hiệu quả và sự cần thiết trong quá trình dạy - học của các trường, góp phần tăng tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp, đồng thời hạn chế tối đa số lượng học sinh bỏ học. Góp phần thay đổi nhận thức của phụ huynh trong việc cho con em đến trường học tập. Tuy nhiên trên thực tế, nhu cầu của học sinh vượt quá xa số nhà bán trú hiện có. Nhiều học sinh ham học, vượt qua mọi khó khăn, cơm đùm gạo bới về các nhà dân xung quanh khu vực trường học xin ở nhờ hoặc thuê nhà để ở. Thậm chí có nhiều nơi, học sinh dựng lều ngay vách núi, bên bờ suối để theo học. Bên cạnh đó, phần lớn các nhà bán trú đều thiếu thốn, chật hẹp, không đảm bảo vệ sinh, được làm bằng gỗ tạm, thiếu an toàn đặc biệt trong những mùa mưa lũ.
2. Ngược đường 9, vượt cầu treo Đakrông với con đường ngoằn ngoèo uốn lượn rồi mất hút sau làn mây trắng bồng bềnh, chúng tôi có mặt tại khu nhà bán trú dân nuôi của Trường THCS Pa Nang (Đakrông) khi trời ngả về chiều. Đón chúng tôi ngay cổng trường, thầy Hoàng Văn Luận, Hiệu trưởng nhà trường, hồ hởi nói: “Ở cái xứ đèo heo hút gió này, có khách đến là quý lắm. Học sinh trong trường nhờ đó cũng có dịp giao lưu, nghe thêm được nhiều câu chuyện dưới miền xuôi để phấn đấu học tập”. Thầy Luận cho biết, toàn trường có gần 200 học sinh, chia làm 7 lớp. Học sinh ở đây 100% là dân tộc Vân Kiều. Do địa hình trắc trở nên phần đông trong số học sinh này đều đến từ các bản làng xa xôi, hẻo lánh, đường sá đi lại cực kỳ khó khăn, chủ yếu là cuốc bộ và vượt suối. Để giúp các em có chỗ an cư, tháng 3-2011, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ xây dựng dãy nhà bán trú kiên cố với 3 phòng, trong đó có 2 phòng ở cho học sinh. Số phòng này chỉ đủ phục vụ cho 49 học sinh ở bán trú có nhà cách xa trường hơn 20 cây số trở lên. Sự hỗ trợ kịp thời này đã giải quyết phần nào nhu cầu của các em. Tuy nhiên, vẫn còn một lượng lớn học sinh khác ở xa trường ngày ngày phải lội suối, vượt núi hàng chục cây số để đến trường. Bên cạnh đó, khoảng hơn 50 học sinh vẫn phải ở nhờ nhà dân cạnh trường để có thể theo đuổi giấc mơ ươm chữ.
Thầy Luận tâm tư: “Nằm ở khu vực xa trung tâm huyện, đời sống bà con còn quá nghèo, nhận thức về việc học cho con cái còn quá thấp nên công tác dạy học của nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây học sinh ở xa, các em phải dựng lều ở tạm, đến mùa mưa tội lắm. Tuy nhiên, do phòng bán trú còn quá khiêm tốn so với số lượng học sinh, không đáp ứng đủ nhu cầu nên nhiều em hàng ngày vẫn phải vượt hàng chục cây số để đi học hoặc ở nhờ nhà người dân. Hiện tại, trường đang đề xuất chuyển đổi thành trường bán trú, hy vọng được cấp trên hỗ trợ để các em có điều kiện yên tâm học hành, hạn chế tối đa tỉ lệ bỏ học hoặc không tới trường”.
3. Cách Trường THCS Pa Nang tầm 30 cây số, nằm trên trục đường Hồ Chí Minh nhánh Tây này, Trường Tiểu học và THCS Húc Nghì (xã Húc Nghì) có 2 phòng bán trú được làm bằng gỗ tạm, mỗi phòng có diện tích khoảng 15m2 nhưng có tới 16 em ăn uống, sinh hoạt và học tập. Ánh sáng từ chiếc bóng điện 25w hắt ra đỏ rực, chỉ đủ chiếu sáng một vùng nhỏ tầm một em ngồi học bài, còn lại các góc khác trong căn phòng đều tối om. Em Hồ Thị Mến, học sinh lớp 9, có thâm niên ở nhà bán trú gần 3 năm, cho biết: “Nhà em ở bản Cợp, cách trường khoảng 16 cây số đường rừng. Thấy em đi bộ vất vả quá, hôm nào tới lớp áo quần cũng ướt sũng nên năm trước các thầy cô tạo điều kiện cho em ở bán trú tại trường, mỗi tháng mới về thăm nhà và xin gạo một lần”.
Rất nhiều học sinh ở các xã Hướng Lập, Hướng Việt… thuộc huyện miền núi Hướng Hóa cũng có hoàn cảnh tương tự. Giữa tiết trời mưa lất phất, cái rét của chốn thâm sơn cùng cốc như cắt vào da thịt, từ tinh mơ, nhiều em tay cầm cặp sách, vai gùi gạo, khoai sắn từ nhà tới trường. Thông thường trong ngày, ngoài buổi học chính và một vài buổi phụ đạo, các em thường tập trung chia nhau đi hái rau rừng, bắt cá, ốc dưới lòng suối cạn để cải thiện bữa ăn.
Thầy Hoàng Đức Thắm, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị trăn trở: “Mô hình bán trú dân nuôi đã góp phần giảm bớt được khó khăn cho các em trong việc tới trường. Nhưng trên thực tế, số trường có nhà bán trú dân nuôi ở các huyện miền núi còn quá ít, nhu cầu của học sinh vẫn còn lớn. Trong khi đó nguồn kinh phí của ngành lại hạn hẹp”.
Rời chốn thâm sơn cùng cốc khi cơn mưa rừng ào ạt đổ, ngoái nhìn những mái nhà bán trú trầm mình trong mưa, chúng tôi không khỏi e ngại cho các em trước một mùa đông khắc nghiệt đang đến gần.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Sau một thời gian dài, mô hình bán trú dân nuôi đã khẳng định được hiệu quả và sự cần thiết trong quá trình dạy và học của các trường, góp phần tăng tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp, đồng thời hạn chế tối đa số lượng học sinh bỏ học.