Thứ bảy, 18/4/2009, 09h04

Sáng tạo thú vị tuổi học trò

Sau thời gian khá trầm lắng, sân chơi khoa học dành cho học trò đã trở lại với một cuộc thi sôi động và hấp dẫn.

 

Đội tuyển Trường Colette với máy bơm sử dụng năng lượng nước - Ảnh Q.Linh

Cuộc thi “Hành tinh xanh” yêu cầu sáng tạo với hai nội dung “hệ thống lọc nước nhiễm sắt” và “máy bơm sử dụng năng lượng nước”, nhưng những sản phẩm cho thấy sức sáng tạo học trò rất phong phú và thú vị...

 

Hội thi “Hành tinh xanh” lần 2 dành cho học sinh THCS ở TP.HCM với 24 đội tuyển xuất sắc nhất đại diện các quận huyện tham dự. Ngoài lý thuyết, trên 100 máy bơm sử dụng năng lượng nước và hệ thống lọc nước nhiễm sắt dự thi mô hình. Cuộc thi do Nhà Thiếu nhi và Hội đồng Đội TP.HCM tổ chức với chủ đề “Tìm hiểu môi trường quanh ta”.

Năng lượng nước được tạo ra nhờ vòi phun, mô phỏng dòng chảy các con suối. Chiếc máy bơm “made in... học trò” đặt cách vòi phun nước tối thiểu 10cm; chuyển động với những cánh quạt thiết kế xoay quanh trục. Nước được hút lên qua các vòi hứng và đưa vào dụng cụ lấy nước bởi một ống dẫn.Hải Vy (lớp 9 Trường THCS Bình Thọ, Q.Thủ Đức) cho biết: “Cả nhóm lên mạng tìm tòi các kiểu mô hình của máy bơm sử dụng năng lượng dòng nước rồi so sánh và cuối cùng chọn cách làm này”. Đó là chiếc máy bơm của nhóm học trò Trường THCS Bình Thọ (Q.Thủ Đức, TP.HCM).

Trên sàn đấu mô hình “hệ thống lọc nước nhiễm sắt”, các anh tài tuổi học trò cũng tỏ ra không kém cạnh. Mọi chất liệu đều được tận dụng để thiết kế: bình nước đã qua sử dụng, kính, ống nhựa và cả ống tre, tạo ra mô hình dự thi khá đa dạng, với nội dung phổ biến được áp dụng là kiến thức về bình thông nhau. “Nước sẽ được dẫn vào bình, lần lượt qua các hệ thống lọc với những chất liệu khác nhau chứa trong các bình thông nhau để loại bỏ tạp chất trước khi cho ra nước sạch thành phẩm” - Tuệ Mẫn (lớp 9 Trường THCS Lạc Hồng, Q.10) thuyết minh khá trôi chảy về mô hình của đội.

Sáng tạo hàng “độc” kiểu học trò!

Trong phần thi thiết kế máy bơm nước, phần lớn các đội đều sử dụng chân máy thì việc một vài đội thay bằng phao nổi đã làm ban tổ chức khá bất ngờ, dù đôi lúc máy không chìm xuống nước do tính toán chưa đúng sức nặng của phao. Nhiều đội thiết kế phần cánh quạt dạng gấp khúc, lượn sóng mà theo TS Đinh Sơn Thạch (ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) - giám khảo hội thi, thiết kế như vậy làm lượng nước hút lên nhanh và nhiều hơn. 

Tuy vậy, vẫn còn một vài mô hình mà chính các thí sinh thừa nhận hoàn thành được là nhờ… thầy cô thiết kế, học trò chỉ làm phần phụ. Điều này cũng được một thành viên ban tổ chức xác nhận qua việc kiểm tra thực tế một vài nơi. Chị Kim Định, phó giám đốc Nhà Thiếu nhi TP.HCM, cho biết: “Hội thi không chỉ giúp các bạn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, mong muốn lớn nhất của ban tổ chức chính là tạo ra sân chơi giúp các bạn ứng dụng ngay những kiến thức được học vào thực tế dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Có vậy mới nhớ lâu và hiểu rõ những gì đã học”.

Trưởng ban giám khảo, TS Chế Đình Lý (viện phó Viện Tài nguyên - môi trường TP.HCM) tỏ ra rất thú vị với hai máy bơm nước của đội tuyển Trường THCS Trường Sơn (Q.Gò Vấp) và Trường THCS Colette (Q.3) không chỉ vì thiết kế đẹp mà bởi khả năng vận dụng kiến thức khá tốt của các bạn. Điều này khẳng định nếu có sân chơi thật sự, hoàn toàn không sợ thiếu những sáng tạo vốn có của học trò đầy chất lãng mạn và bay bổng!

QUỐC LINH (TTO)