Thứ tư, 26/9/2012, 14h09

Các nhà thơ những năm đầu Nam bộ kháng chiến

(Tiếp theo và hết)
Cuộc sống ở Nam bộ những ngày đầu kháng chiến dù là đồng bằng hay đất Mũi, miền Đông, miền Tây hay vùng địch chiếm đều có chung trong thơ một ánh sáng, một sắc cờ, một bông hoa, một tiếng chim rừng tươi trẻ đầy sức sống.
Bảo Định Giang - da diết tiếng thơ lục bát vùng Đồng Tháp

Nhà thơ Bảo Định Giang. Ảnh: I.T

Nếu thơ của Huỳnh Văn Nghệ đóng góp rất lớn trong tiếng thơ của vùng chiến khu Đ vào những năm đầu kháng chiến thì ở vùng đất Đồng Tháp - một trong những căn cứ chống Pháp gian khổ, oanh liệt - nhà thơ Bảo Định Giang cũng cho ra đời những tác phẩm khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, lòng căm thù giặc, từ đó thúc giục lòng người kháng chiến.
Vào những năm đầu 1947, 1948 nhiều anh bộ đội ở Đồng Tháp làm thơ chuyền tay nhau ra các vùng lân cận. Thơ của các anh nói về gian khổ, nói về cái “xứ lạ” làm người đọc hình dung về Đồng Tháp “Trên trời muỗi kêu như sáo thổi/ Dưới nước đỉa lội như bánh canh”. Thơ của Bảo Định Giang ngay từ ngày đầu là cái tình chân thành, là tiếng hát dân gian hồn hậu. Bài ca dao anh làm từ Đồng Tháp đã thành câu ca cả nước. Nhiều nơi hát, hò, đố thể theo bài ca dao để đến với niềm tin, niềm kính yêu lãnh tụ “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.
Bài ca dao trên phải chăng là bước đầu thí nghiệm cách chọn hướng đi cho thơ về nội dung và tính chất dân gian, về điệu thơ, câu thơ, hình ảnh thơ của Bảo Định Giang. Và nói thêm, với Bảo Định Giang, bài ca dao trên cùng những bài thơ khác làm trong thời gian này là cả một sự chuẩn bị và quyết định con đường làm thơ của mình để phục vụ kháng chiến, phục vụ cách mạng. Con đường làm thơ của anh luôn luôn lấy tình cảm của người kháng chiến để đón nhận sự kiện, những diễn biến của đời sống làm đề tài và nội dung cho thơ. Hướng đi của thơ Bảo Định Giang bao giờ cũng từ hồn thơ của mình bắt rễ vào dân tộc và hình thức phong phú dân gian. Chính vì vậy mà thơ lục bát của Bảo Định Giang trong những năm 1946, 1947 có một sắc thái không lẫn với thơ những người khác được vì thơ lục bát của anh không mô phỏng, không bắt chước, không rập khuôn những cái cũ, anh thoát ra một cách có ý thức. Bài thơ Tình Đồng Tháp nhiều đoạn, nhiều câu mặc dù mang phong vị, không khí của ca dao nhưng anh không có cái tình chung chung, không gò bó trong những cách đối ý, đối lời mà chỉ từ thực tế đời sống, thực tế cảm xúc để làm nên cái riêng của Bảo Định Giang “Rau dưa, rau muống nở hoa/ Lòng người cũng nở chim ca đầu cành/ Hây hây nắng xế dịu lành/ Bờ tràm rũ bóng bên kênh so hàng/ Tình thương đất nước mênh mang/ Hồn vui như nắng trải vàng ruộng xanh”.
Dù nói đến gian khổ hay niềm vui, niềm tin, lục bát trong thơ Bảo Định Giang vẫn là tình cảm một người con Đồng Tháp, và mỗi đường nét, mỗi phong vị đều hết sức chân thật, đậm đà tình tứ “Nước phèn trong vắt thủy tinh/ Bưng sâu thấy đáy tâm tình dân quê/ Gái trai cất giọng trưa hè/ Tình xa trăng gió nghiêng về nước non”.
Và nhiều bài thơ khác của anh sử dụng nhiều cách nói dân gian nhưng cái hiện thực vẫn là thịt da xương máu, và cái lãng mạn vẫn là hồn thơ bay bổng nhịp nhàng. Người đọc yêu mến thơ Bảo Định Giang cũng từ “khởi điểm” lục bát kháng chiến giống như Tế Hanh trong bài thơ Người đàn bà Ninh Thuận, Lương An trong bài thơ Cô lái đò, Chế Lan Viên trong bài thơ Bữa cơm thường trong bản nhỏ và hàng loạt bài thơ: Bầm, Phá đường của Tố Hữu những năm 1947, 1948…
Nói như Hoài Thanh trong cuốn Nói chuyện thơ kháng chiến, vị trí thể thơ dân tộc nói chung, thể thơ lục bát nói riêng mang ấn tượng đẹp đẽ của bạn đọc về một Bảo Định Giang cũng như các nhà thơ khác vào những năm đầu kháng chiến. Thơ kháng chiến gồm đủ mọi thể, nhưng địa vị chính vẫn là địa vị các thể thơ của đại chúng. Các thể thơ này đang trải qua một cuộc biến chuyển tiêu biểu cho cuộc biến chuyển lớn trong tâm lý đại chúng Việt Nam. Nhưng biến chuyển mà vẫn giống xưa bởi vì nó đi sâu vào đời sống, vào tâm hồn đại chúng, không là một trò vay mượn nhất thời. Đó cũng là trường hợp tôi muốn nói đến thơ của Bảo Định Giang đang ở thời kỳ khởi điểm và đánh dấu sự đi lên của anh sau này.
Xuân Miễn - nhà thơ vùng ven Sài Gòn với đề tài đa dạng

Nhà thơ Xuân Miễn. Ảnh: I.T

Bắt đầu từ năm 1945, Xuân Miễn đã có mặt trong cuộc chiến đấu của những ngày Sài Gòn tháng tám và thơ anh đi sát cuộc chiến đấu ở nhiều đề tài mà cuộc sống thử lửa đặt ra.
Nếu ở Huỳnh Văn Nghệ, Bảo Định Giang, vùng đất thơ của chiến khu Đ, miền Đồng Tháp quen thuộc một cách đậm đặc thì ở nhà thơ Xuân Miễn những tên đất Bến Cát, Tây Ninh, Thủ Biên, Củ Chi, An Phú Đông, Cao Lãnh được nhắc đến với những nét bắt gặp cảm xúc khêu gợi, cô đọng, tinh tế. Ngay từ những bài thơ miêu tả đầu tiên của Xuân Miễn đã đưa thơ đi sát và trực tiếp phản ánh sinh hoạt của nhân dân trong khung cảnh bình thường dung dị “Ruộng bỏ không cày lau lách mọc/ Đường mòn cỏ lấp vắng người đi/ Cầu nghiêng ván đổ trên sông quạnh/ Quạ đói kêu buồn rỉa tử thi”.
Bài thơ Gió nội thở dài viết ở An Phú Đông năm 1945, Xuân Miễn miêu tả bằng những nét rất thực, rất sống và gợi cảnh xóm làng dưới nanh vuốt giặc Pháp mà người đọc như sờ vào đó thấy cộm lên nhức nhối ở đầu ngón tay “Nhà cửa ra tro vườn cháy rụi/ Chồng già giặc bắt chửa tha về/ Dâu ông lớn hiếp, trai du kích/ Lưu động phương nào chẳng nhắn nhe”.
Từ trong cảnh khổ nhục đó sức mạnh âm ỉ của lòng căm thù giặc đưa đến những hành động chiến đấu dữ dội không có con đường nào khác. Điểm thành công của nhà thơ Xuân Miễn vào những năm đầu kháng chiến là đã phát hiện được cái nét thầm kín vững chãi ở những câu thơ chắc nịch, vừa có cảnh vừa có sự việc, ngắn gọn từ những lời thơ cô đúc rất mới mà nếu tìm trong thơ Đường luật trước đây, trong thơ mới thì không thể nào có được “Một tối hành quân qua xóm nhỏ/ Mẹ già lách cửa níu bàn tay/ Con ơi giặc ác hơn lang sói/ Mẹ chỉ con đi diệt bót này”.
Đó cũng là lý do vì sao những năm 1947, 1948, 1950 trong các cuộc liên hoan dưới ánh sáng lửa trại, các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân du kích đều đem những bài thơ của Xuân Miễn để ngâm hoặc làm một màn hoạt cảnh ngắn.
Bên cạnh dùng thơ để ghi lại những sự việc, cảm xúc về những vùng đất đi qua, tác giả còn đưa thơ vào nhiều đề tài một cách kịp thời để phản ánh sao cho nhạy bén, sao cho ấm nóng từ chuyện người lính đi lạc đường, những đặc công phá kho bom Phú Thọ đến chuyện hạt lúa nông trường, trận đánh Trảng Bom, tiếng hát trong nhà tù… Tất cả đều là thơ đối với anh. Nhiều bài thơ đều bắt nguồn từ những sự việc thực, con người thực. Những cái thực ấy nhà thơ không bao giờ coi đó là nguyên mẫu để rồi biến bài thơ thành sự sao chép, mô phỏng mà chỉ coi đó là những dữ kiện của đời sống kháng chiến, còn cái chính cái cốt lõi của thơ là tư tưởng, tâm hồn, thế giới riêng của nhà thơ ở trong đó. Đó mới là cái giá trị, cái đích thực của thơ Xuân Miễn. Nhờ quan niệm đúng đắn này mà thơ Xuân Miễn dù viết về cái mất mát, đau đớn nhưng vẫn không mất điềm tĩnh, tự tin - và cái vui phơi phới, cái tình cảm tự nhiên trong thơ sáng một màu bình dị…
67 năm - một chặng đường thơ, một giai đoạn thơ đa dạng, phong phú, nhiều lớp, nhiều tầng, bề dày tuy có mỏng ở từng lúc, từng thời kỳ nhưng người đọc vẫn không quên những bài thơ, khuôn mặt, tác giả trong giai đoạn đầu kháng chiến vì nó đã thành ký ức, kỷ niệm của một thuở uống ngọt giọt suối trong và ngẩng nhìn một khoảng trời xanh biếc. Mặc dù cho đến nay các anh đã đóng góp nhiều thành tựu, nhiều cái mới lớn lao cho một nền thơ có vóc dáng, có tiềm tàng, có tầm cỡ - nhưng cái bắt đầu sự làm nên của các anh đều từ một chiến khu Đ, một miền Đồng Tháp, những mảnh đất vùng ven, căn cứ giàu chất liệu cuộc sống, giàu sự tích anh hùng, phải chăng để làm nên một nền thơ - bắt đầu từ những ngày đầu ấy!
Trúc Chi