Thứ sáu, 17/6/2011, 10h06

Kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925/21-6-2011): Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: “Tôi từng là học sinh cá biệt”

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là cây bút phóng sự với nhiều đề tài phản ánh rõ nét hiện thực xã hội qua giọng văn dí dỏm, giản dị, dễ gần như chính con người anh vậy. Hiện anh đang giữ chức Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, Tổng biên tập Tạp chí Nghề Báo
Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân dành cho Giáo Dục TP.HCM buổi trò chuyện thú vị về cuộc đời mình. Đó là những mẩu chuyện mà lâu nay không phải ai cũng biết.
PV: Thưa anh, những ngày cắp sách đến trường là quãng đời đẹp nhất. Thời đi học của anh như thế nào?
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Tôi bắt đầu học lớp 1 tại Hà Nội. Tôi không nhớ mình đã bắt đầu biết chữ như thế nào, chắc cũng khá sớm, nhưng hồi tôi tập viết thì tôi nhớ khá rõ. Chú ruột tôi, lúc đó là một bác sĩ quân y, thường bắt tôi tập chép chữ từ cuốn Nhật ký trong tù. Viết chữ xấu là chú tôi đánh đòn. Nhờ thế mà sau này tôi khá thuộc thơ của Bác và chữ tôi hơi bị… đẹp. Làm toán tôi không làm đúng câu nào nhưng vẫn được 2 điểm nhờ… chữ đẹp. Nói chung tôi không mấy tự hào về tuổi học trò của mình. Vì năm nào tôi cũng phải thi lại môn toán và Nga văn. Tôi vẫn tốt nghiệp lớp 10 nhờ có môn văn kéo lại.
Thiên hạ đồn rằng, thời đi học anh là một học sinh cá biệt, có đúng thế?
- Tôi đã nói rồi, tuổi học trò của tôi chưa bao giờ được giấy khen cả, mà lại bị coi là cá biệt. Suốt ngày tôi đá bóng, đánh bóng bàn, đá cầu, chơi bi, đánh lộn và lang thang khắp phố phường Hà Nội. Nhưng tôi lại được ba mẹ cho tham gia đủ thứ, nào là bóng bàn ở CLB Thiếu nhi Hà Nội, học múa ở Nhà Nghệ thuật quần chúng, nào là học vẽ ở Trường Năng khiếu nghệ thuật Hà Nội… Đến năm lớp 10 tôi mới được vào Đoàn. Mãi sau này khi tôi trở thành nhà báo, đi phỏng vấn một ông chủ doanh nghiệp, ông này vẫn nhớ ra hồi nhỏ tôi đá bóng làm bể kính cửa nhà ông ấy.
Anh viết khá nhiều sách các thể loại và có tác phẩm viết từ thời sinh viên báo chí. Anh có thể chia sẻ về cuốn sách đầu tay của mình?
- Tôi học không giỏi nhưng trong lĩnh vực văn hóa xã hội thì tạm ổn, chính vì thế con đường học vấn của tôi gặp nhiều may mắn. Năm 1980 tôi tốt nghiệp Khoa Văn, Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM, được ra Hà Nội học tiếp Đại học Báo chí. Năm 1981 tôi viết cuốn sách về nghệ sĩ Đặng Thái Sơn vừa đoạt giải nhất cuộc thi Sopanh ở Ba Lan. Đó cũng là một sự “liều mạng”, thật sự tôi có biết gì về piano đâu, nhưng vì có thời gian học Trường Nghệ thuật Hà Nội, sống cùng dân piano nên “nhiễm” chút máu nghệ thuật, cứ thế viết, phỏng vấn, lục tìm tư liệu. Trong ba bản thảo có hai bản thảo của hai nhà báo tên tuổi. Cuối cùng NXB Kim Đồng chọn bản thảo của tôi, một học viên lớp báo chí, kẻ mất 21 đêm chong đèn trùm chăn viết lên những cuốn tập kê trên một cái va li trong ký túc xá. Sau đó ít lâu, tôi được biết một cuốn sách lớp 5 có trích đoạn trong cuốn Đặng Thái Sơn của tôi ở… phần đọc thêm. Tôi khoái quá, từ chỗ là học sinh cá biệt mà bây giờ có hẳn một đoạn văn trong sách giáo khoa thì còn gì bằng. Tôi và một thằng bạn học lớp xuất bản mò đến tận NXB hỏi xem khoản nhuận bút thế nào. Một anh chàng biên tập rất ư là khả kính lịch sự nói với chúng tôi rằng: “Đăng cho là may rồi, nhuận bút gì?”.
Con đường đến với nghề báo của anh thế nào?
- Con đường đến với báo chí của tôi được coi là thuận lợi. Tôi lớn lên trong một gia đình nhà báo, trong một khu tập thể toàn nhà báo, đi sơ tán cùng con em các nhà báo. Tôi học văn, rồi học báo chí. Tôi bắt đầu kiếm được tiền nhuận bút từ nhỏ. Nhưng đồng nhuận bút đầu tiên lại là từ một bức tranh được đăng trên Báo Văn Nghệ Trung ương. Rồi tôi được nhận vào làm việc tại Báo Tuổi Trẻ, sau đó là Báo Lao Động… Cho đến bây giờ làm TBT Tạp chí Nghề Báo và đi dạy môn phóng sự báo chí ở Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM. Nói chung đó là một quãng đời thuận lợi cho nghề báo. Tôi chỉ sống bằng cây bút mà thôi. Bỏ cây bút ra là tôi… thất nghiệp.
Gia đình tôi tính cho tới thời điểm sau này có tới 9 người đã và đang làm báo. Đó là ba mẹ tôi, gia đình anh tôi (5 người làm báo ở Bà Rịa - Vũng Tàu) và gia đình tôi (vợ tôi từng làm ở Báo Bảo Hiểm Xã Hội). Tôi thấy đó cũng là một điều thú vị. Từng đó người làm báo trong một gia đình thì chắc là cũng hiếm. Mọi người thông cảm cho nhau và hiểu về công việc của nhau rất nhiều. Ít nhất là tôi cũng có cái để khoe rằng gia đình tôi có ba thế hệ làm báo và rất yêu nghề báo.
Anh thường chọc cười người khác bằng ngòi bút và khiến người ta khóc cũng bằng ngòi bút. Vế đầu thì đúng, còn vế sau thì sao?
- Tính cách tôi từ nhỏ hiếu động, ham đọc ham học nhưng cũng ham vui. Tôi học xong hai cái đại học vẫn bị coi là cá biệt. Khi tôi tốt nghiệp báo chí, họ còn chả muốn chứng giấy tờ cho tôi đi dự trại sáng tác của NXB Kim Đồng, và cũng chả chịu chứng giấy tờ cho tôi… lấy vợ nữa. Thế rồi lớp phân công tôi thay mặt học viên viết một bài chia tay cuối khóa học. Khi tôi đọc xong thấy các vị ấy cảm động ra mặt, bọn con gái thì suýt khóc. Thế rồi họ bảo tôi đưa tất tần tật giấy tờ đây, ký hết. Từ đó tôi nghiệm ra rằng hình như mình có chút năng khiếu viết cho người ta khóc hoặc người ta cười, như diễn văn và… điếu văn chẳng hạn.
Thời đi học anh là học sinh cá biệt, còn bây giờ thì sao, thưa anh?
- Sau này đi dạy hay đi trao đổi về nghề báo với sinh viên báo chí, họ cũng hay hỏi tôi rằng có phải những người viết phóng sự thường phải có cá tính không? Nếu như hồi nhỏ tôi là một học sinh ngoan ngoãn, tròn vo, gương mẫu thì liệu tôi có thể viết được phóng sự như thế không? Tôi không biết nói thế nào, nhưng tôi nghĩ cá biệt chỉ là một tính cách tạm thời lúc nào đó, ở đâu đó, còn trong công việc, khi mình có chút năng khiếu và đã hết lòng vì nó, thì mình sẽ thành công. Cho đến sau này tôi vẫn hơi tiếc sao hồi nhỏ mình không học giỏi hơn một chút để có thể làm báo tốt hơn, nhất là môn ngoại ngữ, để khỏi rơi vào cái cảnh gặp người nước ngoài cứ phải nói chuyện bằng… tay.
Xin cảm ơn anh!
Trần Trọng Tri (thực hiện)