Thứ sáu, 8/1/2010, 14h01

Chào cờ đầu tuần

Trong tháng 10-2009, Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản chỉ đạo trưởng phòng GD-ĐT các quận huyện, hiệu trưởng các trường trực thuộc chấn chỉnh nề nếp chào cờ đầu tuần và nâng cao hiệu quả giờ sinh hoạt dưới cờ sáng thứ hai hàng tuần. Theo đó, toàn thể CB, GV, CNV và học sinh các trường học đều phải dự chào cờ đầu tuần, phải hát Quốc ca nghiêm túc, không sử dụng băng đĩa nhạc có lời hát sẵn. Giờ sinh hoạt dưới cờ phải thực sinh động, phong phú, ấn tượng, thu hút học sinh tham gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi để HS bước vào tuần mới thoải mái; tuyệt đối tránh biến tiết sinh hoạt dưới cờ thành giờ phê bình, khiển trách, kỉ luật học sinh gây tâm lí nặng nề không đáng có cho HS. Không chỉ triển khai bằng văn bản, trong các phiên giao ban định kì với trưởng phòng GD-ĐT, hiệu trưởng và trợ lí thanh niên các trường THPT lãnh đạo sở đều nhấn mạnh nội dung này. Sau đó, ban giám đốc sở phân công lãnh đạo và các thành viên trong ban chỉ đạo đến các trường kiểm tra thực tế việc thực hiện, cùng trao đổi góp ý để thực sự hiệu quả trong việc chào cờ và sinh hoạt dưới cờ đầu tuần. Đó là việc làm rất cần thiết và thực sự nghiêm túc của sở GD-ĐT nhằm chấn chỉnh việc chào cờ và sinh hoạt dưới cờ. Làm quyết liệt để có không khí chào cờ trang nghiêm, có giờ sinh hoạt đầu tiên của tuần mới trẻ trung, sôi động, hào hứng, mang tính giáo dục cao, tạo tâm lí phấn khởi bước vào tuần mới học tập và làm việc hiệu quả!
Sau hơn một tháng triển khai, kết quả bước đầu khả quan. Nhiều đơn vị trường học đã chấn chỉnh được nề nếp chào cờ, cả thầy lẫn trò đều hát Quốc ca. Việc chuẩn bị cả nội dung lẫn hình thức cho một tiết sinh hoạt dưới cờ được các trường đầu tư và tạo hứng thú cho HS khi tham dự buổi sinh hoạt bổ ích. Đó là tín hiệu vui cần tiếp tục phát huy.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Đó là tình trạng chưa thực sự nghiêm túc trong lúc chào cờ vẫn diễn ra. Đó là việc ngay một số thầy cô giáo cũng “trốn” chào cờ. Đó là việc hát Quốc ca chưa đều, rất nhiều trường HS hát nhưng giáo viên không hát cùng các em. Có đơn vị cử các lớp thay phiên nhau hát (mỗi tuần một lớp hoặc một khối lớp hát), số còn lại chỉ nghe. Vẫn còn trường hợp dùng băng đĩa phát bài Quốc ca khi chào cờ… Còn nhiều trường vẫn chưa có chuyển biến trong việc chuẩn bị nội dung, hình thức hấp dẫn cho giờ sinh hoạt dưới cờ; tổ chức sơ sài, đơn điệu, không tạo không khí thi đua, cởi mở, sôi nổi của HS… Những tồn tại ấy hoàn toàn nằm trong tầm tay khắc phục của chúng ta. Ở đây cần khẳng định vai trò, nhận thức của hiệu trưởng trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện rất quan trọng. Vai trò của Đội TNTP Hồ Chí Minh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc tham mưu, đề xuất các nội dung, phương thức sinh hoạt dưới cờ không thể thiếu….
Việc chào cờ đầu tuần vô cùng thiêng liêng đối với mỗi người dân nước Việt! Do vậy, việc chấn chỉnh nề nếp chào cờ là việc rất quan trọng nhằm hun đúc tinh thần dân tộc, lòng yêu nước ở mỗi người, nhất là môi trường học đường. Việc xây dựng các chuyên đề sinh hoạt dưới cờ hoặc các cuộc thi, các diễn đàn thu hút đông đảo HS tham gia sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mỗi HS, thông qua hoạt động, được giáo dục kĩ năng sống, các em sẽ trưởng thành nhanh chóng.
Chủ trương đúng đắn ấy của Sở GD-ĐT cần được các trường thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm và hiệu quả. Làm tốt điều này, nhà trường đã góp phần rất tốt vào việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc trong cả giáo viên và HS. Một việc nhỏ nhưng ý nghĩa giáo dục lớn rất cần lãnh đạo các phòng giáo dục và hiệu trưởng các trường quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Thanh Liêm