Thứ sáu, 22/1/2010, 08h01

Căn tin trường học: Không phải “đứa con rơi”!

Căn tin Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm được coi là căn tin mẫu

Sáng 21-1, tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), Sở GD-ĐT và Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức tập huấn “Xây dựng căn tin trường học đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), văn minh, thân thiện”.
Quản lý căn tin còn lỏng lẻo
Ông Lê Ngọc Điệp – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT kể lại: “Tôi đã từng đến rất nhiều trường và nhận thấy không ít nơi thiếu quan tâm đến căn tin. Có những trường cơ sở rất khang trang, hiện đại nhưng căn tin lại là một nơi lụp xụp, tạm bợ. Và ở những căn tin này, học sinh ăn uống xong thì vứt rác bừa bãi rất mất vệ sinh, mất mỹ quan môi trường học đường…”.
Không chỉ dừng lại ở đó, “Qua những đợt kiểm tra, chúng tôi phát hiện nhiều căn tin bán hàng không rõ nguồn gốc, hàng ngoại (chủ yếu là hàng Trung Quốc) không có nhãn phụ. Nguyên nhân là do những mặt hàng này rẻ (500 – 1.000 đồng/món), phù hợp với túi tiền ít ỏi của các em học sinh. Mặt khác, những sản phẩm được bày bán ở căn tin trường học thường màu mè rất bắt mắt học sinh. Những phẩm màu đó không gây ngộ độc cấp tính nhưng về lâu về dài có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe học sinh”, ông Huỳnh Lê Thái Hòa – Trưởng phòng ATVSTP Sở Y tế TP cho biết.
Với một bức tranh quá xấu về căn tin, đã có những lúc ngành giáo dục và ngành y tế cấm không cho các trường mở căn tin. Tuy nhiên, nhu cầu ăn uống của học sinh là có thật. Nếu cấm căn tin trường học thì hàng rong ngoài cổng trường sẽ bùng phát. Lúc đó sức khỏe học sinh càng bị đe dọa. Vì vậy, căn tin trường học đã được hoạt động trở lại nhưng chịu sự quản lý chặt hơn.
Sở GD-ĐT đã ra “tối hậu thư”, đến tháng 8-2009 những căn tin chưa có giấy chứng nhận ATVSTP đều phải đóng cửa. Giấy thì vẫn có giấy nhưng bán hàng không nhãn mác vẫn cứ bán. Một cán bộ y tế ở Q.6 cho biết, đã từng chứng kiến nhân viên của một căn tin trường học đổ mấy bịch kẹo, bánh không nhãn mác vào xô nước để phi tang khi đoàn y tế xuống kiểm tra.
Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do nhà trường quản lý căn tin chưa được chặt chẽ. Sau khi nhà trường tổ chức đấu thầu (chỉ dành cho người bên ngoài), ai trúng thầu thì người đó làm chủ căn tin. Căn tin tròn hay méo, ngắn hay dài là do thiết kế của chủ căn tin. Và căn tin bán xoài, ổi hay cóc, me nhà trường cũng khó mà kiểm soát được. Thậm chí, có trường coi căn tin như một “đứa con rơi”, không thèm ngó ngàng tới…
Quản lý căn tin như bán trú

Lâu nay người ta xây dựng trường chỉ nhằm một mục đích duy nhất là dạy chữ. Do đó, họ cứ chăm chăm xây cho cái phòng học thật đẹp, với bàn ghế, ánh sáng đúng chuẩn. Còn những nhu cầu khác như ăn uống, vệ sinh thì ít được quan tâm. Từ đó mới xuất hiện trong những ngôi trường khang trang, hiện đại lại có một cái nhà vệ sinh ọp ẹp, có một cái căn tin lụp xụp.
Với chương trình giáo dục mới hiện nay, trường học không chỉ dạy chữ mà còn phải dạy cách làm người cho học sinh. “Năm học này, ngành giáo dục đã đưa tiêu chí xây dựng căn tin không chỉ ATVSTP mà còn phải văn minh và thân thiện. Ở nơi đó, học sinh biết sếp hàng chờ tới lượt, biết giúp đỡ nhường nhịn các em ở lớp dưới. Khi vào đời, các em sẽ biết áp dụng những cách ứng xử này trong cuộc sống”, ông Lê Ngọc Điệp nói.
Theo đó, Sở GD-ĐT và Sở Y tế đã hỗ trợ Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) 25 triệu đồng để xây dựng căn tin mẫu. Căn tin Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm được chia làm nhiều khu – khu bán đồ văn phòng phẩm, bánh kẹo; khu bán nước uống; khu bán đồ ăn… Đặc biệt, “Giờ ra chơi, bảo mẫu sẽ hướng dẫn học sinh xếp hàng khi mua đồ ở căn tin. Giáo viên nhắc nhở học sinh biết tự dọn dẹp, bỏ chén muỗng đúng nơi quy định sau khi ăn xong. Nhà trường tổ chức bán phiếu, tránh cho học sinh phải xài tiền. Không chỉ có vậy, buổi sáng, nhà trường cho căn tin sử dụng nhà ăn và bàn ghế để phục vụ nhu cầu ăn sáng của học sinh, phụ huynh và cả giáo viên nữa. Tóm lại, chúng tôi không giao khoán tất cả cho chủ căn tin”, bà Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm nói.
Để có một căn tin đúng chuẩn, vừa đảm bảo ATVSTP vừa văn minh – thân thiện, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP cho rằng: “Một – hai năm đầu, nhà trường nên “chịu thiệt” để chủ căn tin có kinh phí xây dựng căn tin đẹp, khang trang. Chủ căn tin không chỉ đáp ứng các yêu cầu của bên ngành y tế mà còn phải là người có văn hóa. Nên kết hợp giữa bán trú và căn tin, phải quản lý căn tin như quản lý bán trú. Và hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng về hoạt động của căn tin chứ không phải là chủ căn tin…”.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bác sĩ Nguyễn Sĩ Hào – Trưởng khoa ATVSTP Trung tâm Y tế dự phòng TP cho biết: “Xây dựng một căn tin rất khó, khó như xây dựng một bếp ăn tập thể. Nếu căn tin bán đồ ăn sáng như bún, phở, cháo… thì bắt buộc phải xây dựng bếp một chiều. Thực phẩm mua về phải có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. 100% nhân viên phục vụ căn tin phải được tập huấn ATVSTP và có giấy khám sức khỏe định kỳ. Các trường cũng cần lưu ý, mỗi khi thay đổi chủ căn tin bắt buộc phải xin cấp giấy chứng nhận ATVSTP mới”…