Thứ hai, 10/8/2009, 09h08

Năm học 2009-2010: Nâng chất lượng giáo dục ngang tầm khu vực và quốc tế

Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân trao cờ thi đua xuất sắc cho Phòng GD-ĐT quận 5

Sáng 7- 8, tại Hội trường Thống Nhất, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2008-2009 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2009-2010. Theo đó, trọng tâm của năm học mới là nâng chất lượng giáo dục của thành phố ngang tầm với các nước trong khu vực và quốc tế…
Tạo mọi điều kiện cho học sinh tự học
Tại hội nghị, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Huỳnh Công Minh nhấn mạnh: “Năm học 2009-2010 là năm cuối của kế hoạch 5 năm 2006-2010. Chủ đề năm học được Bộ GD-ĐT phát động là: “Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, TP.HCM tiếp tục thực hiện chủ đề: “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Vì vậy, trong năm học mới ngành GD-ĐT TP phải phấn đấu thực hiện trong từng ngành học, cấp học ở mỗi quận, huyện phải xây dựng được ít nhất 1 đơn vị trường học đạt chuẩn của khu vực và quốc tế”…
Vậy làm sao để xây dựng được những trường học có chất lượng ngang tầm với các nước trong khu vực cũng như quốc tế? Phải chăng cứ thuê mấy ông thầy tóc vàng, mắt xanh về dạy là thành trường quốc tế…
Trước những băn khoăn của các đại biểu, Giám đốc Huỳnh Công Minh khẳng định: “Trường học đạt chuẩn khu vực và quốc tế không phải là có thầy giáo nước ngoài dạy mà là giảm sĩ số học sinh/lớp, tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày. Trường học thì phải có sân chơi, có nơi hoạt động thể dục thể thao, có sân khấu để học sinh sinh hoạt văn nghệ. Đặc biệt, nhà trường phải trang bị đầy đủ các trang thiết bị để học sinh có thể tự học, tự thực hành”.
Trên thực tế, ở thành phố không phải là không có những ngôi trường như vậy. Ngay trung tâm thành phố là Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) sĩ số chỉ có 35 em/lớp, 100% học sinh học 2 buổi/ngày, trong trường có phòng nhạc, phòng máy tính. Học sinh thường xuyên được học với cây cỏ, chim thú tại Thảo cầm viên, rừng ngập mặn Cần Giờ. Rồi Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) có cơ sở vật chất hoành tráng hơn bất kỳ trường quốc tế nào đang hoạt động tại Việt Nam. Ở ngoại thành cũng có Trường Tiểu học An Phú (huyện Củ Chi), ở nơi đó việc học hành trở thành niềm vui thích của tất cả các em học sinh. Ở bậc mầm non thì có Trường 19-5, Mầm non Thành phố, Bé Ngoan, Bến Thành (Q.1), Hương Sen (Phú Nhuận), Bông Sen 2 (Củ Chi)… Nhiều tỉnh, thành tới tham quan “nhìn mà thèm”, thậm chí cả các đoàn nước ngoài cũng phải trầm trồ khen ngợi.
Theo đó mục tiêu mỗi quận, huyện phải xây dựng 2 - 3 trường học đạt chuẩn khu vực và quốc tế không phải là khó. Song, “Tiến độ xây dựng trường lớp ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Đề nghị thành phố và các quận, huyện có quyết sách đặc biệt đối với vấn đề này”, TS. Huỳnh Công Minh kiến nghị.
TP.HCM có nhiều đóng góp cho GD nước nhà
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nói: “Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi nhiệt liệt biểu dương những thành tích của ngành GD-ĐT đạt được trong năm học 2008-2009. Ngành đã xuất sắc dẫn đầu 10/14 chỉ tiêu trong lĩnh vực thi đua của Bộ GD-ĐT về giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học, GDTX… Tôi tâm đắc và biểu dương tinh thần học tập, nghiên cứu và sáng tạo cùng sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ quản lý và các thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người. Tinh thần đó sẽ tiếp tục được nhân rộng cho các năm học tiếp theo”.
Chỉ đạo ngành GD-ĐT thành phố trong thời gian tới, Chủ tịch Lê Hoàng Quân nói tiếp: “Tôi đề nghị ngành GD-ĐT lưu ý bốn nhiệm vụ trọng tâm sau đây: thứ nhất là tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; củng cố và nâng cao năng lực bộ máy quản lý giáo dục từ thành phố đến quận- huyện và các cơ sở giáo dục; phải tạo sự chuyển biến thật sự trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên và trong mỗi học sinh về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, cần - kiệm - liêm - chính - chí công vô tư; kiên quyết nói không với tiêu cực trong thi cử. Thứ hai là đẩy mạnh nội dung, chương trình và đổi mới phương pháp giáo dục; tích cực đẩy mạnh giáo dục toàn diện, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu. Thứ ba là tiếp tục duy trì thật tốt kết quả phổ cập giáo dục; hạn chế tình trạng lưu ban, bỏ học nhất là đối với các vùng sâu vùng xa. Cuối cùng là đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng xã hội học tập hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động các trung tâm GDTX và các trung tâm học tập cộng đồng…”.
Về phía Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận ghi nhận: “Ngành GD-ĐT TP.HCM rất sáng tạo, nhiều sáng kiến và kinh nghiệm của ngành GD-ĐT TP.HCM đã được bộ nhân rộng đến nhiều địa phương. Chất lượng đào tạo của giáo dục TP.HCM và một vài địa phương làm cho mặt bằng chung giáo dục của cả nước được ổn định, được nhân lên. Giáo dục thành phố đã có những đóng góp to lớn, bền bỉ và có hiệu quả cho giáo dục nước nhà. Trong năm học tới, thành phố quan tâm đến khu vực các trường có yếu tố nước ngoài, phải tổ chức quản lý chặt để tránh những điều không mong muốn có thể xảy ra…”.
H.Triều - T.Quang