Thứ năm, 21/11/2013, 11h11

Giúp nông dân làm giàu

Chị Đặng Thị Nha (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn cho nông dân trồng rau sạch theo mô hình VietGAP
Diện tích đất nông nghiệp TP.HCM tuy không nhiều nhưng những người nông dân chân lấm tay bùn các quận ven, huyện ngoại thành đã thu được hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ áp dụng các mô hình mới trong trồng trọt và chăn nuôi. Để làm được điều này không thể không kể đến sự góp sức của những người “thầy” đã không quản nắng mưa thường xuyên xuống… ruộng cùng nông dân.
Ra “mặt trận” cùng nhà nông
Khoảng chục năm về trước, bà con nông dân các xã nghèo ở TP.HCM chăn nuôi bò sữa thường theo kinh nghiệm bản thân hay học hỏi hàng xóm láng giềng. Thiếu kỹ thuật chăn nuôi nên bò sữa thường xuyên xảy ra dịch bệnh, chất lượng sữa chưa đạt yêu cầu của doanh nghiệp và họ dường như thất bại hoàn toàn. Đó còn chưa kể công lao động vất vả, chân tay chai sần vì hàng ngày phải vắt sữa bò, cắt cỏ, làm vệ sinh chuồng trại…. nên có giai đoạn họ chỉ muốn bỏ chăn nuôi để trở về với trồng lúa, trồng khoai. Vậy nhưng, kể từ khi có các thầy, cô là cán bộ của Trung tâm Khuyến nông thành phố (TTKNTP) xuống tận nơi hướng dẫn tận tình, cầm tay chỉ việc, đưa những kỹ thuật mới vào áp dụng chăn nuôi thì đời sống của các hộ nông dân nuôi bò sữa mang một màu sắc mới.
Những năm gần đây, TTKNTP tổ chức các buổi tập huấn cho nông dân. Thông thường tổ chức khoảng 10 lớp/năm, sau khi học xong thì sẽ cấp giấy chứng nhận cho họ. Chị Nguyễn Thị Liễu Kiều (Phó phòng kỹ thuật, phụ trách mảng chăn nuôi, TTKNTP) cho biết: “Nông dân có người tiếp thu nhanh nhưng cũng có người tiếp thu chậm do ở lứa tuổi, trình độ khác nhau, người mới vào nghề, người lại có kinh nghiệm lâu năm... Tuy nhiên, chúng tôi không thể xếp lớp, phân loại như học sinh mà phải truyền tải tất cả kiến thức mình nắm được cho họ bởi đó toàn là những kiến thức mới mà mỗi nông dân cần nắm bắt”.
Với những thắc mắc tỉ mỉ của nông dân, nếu không thường xuyên đi thực tế, bám sát với nông dân cách chăm sóc bò sữa thì giáo viên khó giải đáp được. Vì vậy, chị Kiều thường xuyên vượt hàng chục cây số đến với các hộ nông dân tận huyện Củ Chi hay quận 12 để xem tình hình chăm sóc như thế nào. “Hướng dẫn cho nông dân chăm sóc bò sữa mà không ở thực địa là không thể được mà phải bám vào nông dân như các “chiến sĩ” khi ra “mặt trận”.
ThS. Đặng Thị Nha (Phó phòng kỹ thuật, phụ trách mảng trồng trọt, TTKNTP) cũng là một “chiến sĩ” cùng nông dân trên “mặt trận” làm giàu. Hiện ở TP.HCM, hai mô hình trồng trọt đang rất phát triển là trồng rau sạch VietGAP và trồng lan. Mới đầu tập huấn, chị Nha đã gặp rất nhiều khó khăn từ phía nông dân. Họ vốn là những người đã quen với cách thâm canh cổ truyền nên khi tiếp nhận cái mới, đặc biệt là việc ghi chép từng quy trình thì họ rất khó chịu. “Làm theo mô hình này, nông dân phải ghi chép cụ thể nguồn gốc giống rau, cách bón phân, tưới nước vào thời gian nào phù hợp nhất, bón phân như thế nào… Tuy nhiên, nhiều nông dân không có thói quen ghi chép, một số bác lớn tuổi ghi rất chậm nên thường bỏ qua công đoạn này. Khi trực tiếp làm, họ thường xuyên ghi thiếu các công đoạn trồng rau, chúng tôi xuống lại nhắc nhở, rồi lại hướng dẫn tiếp. Nhìn chung, phải nhắc nhở thường xuyên, ngoài cán bộ ở TTKNTP, mỗi quận huyện chúng tôi còn đặt các trạm riêng để theo sát thì nông dân mới chịu làm theo”, chị Nha nhớ lại.
Ngược với nông dân trồng rau, những người trồng lan lại có niềm đam mê học hỏi làm chị Nha cũng bất ngờ. Chị Nha nói: “Họ chú ý học hỏi, ghi chép cẩn thận nhưng khi đưa áp dụng vào thực tế, lan thường mắc các bệnh như nấm đốm vàng, thối đen… Vì vậy, khi hướng dẫn họ cách chăm sóc, chúng tôi không thể ngồi một chỗ mà thường xuống thực địa để tìm ra những nguyên nhân dẫn đến các bệnh này, từ đó cảnh báo cho các hộ khác cách phòng ngừa. Đặc biệt, các cán bộ kỹ thuật ở quận huyện thì cứ hễ nghe nông dân báo lan mắc bệnh gì là phải có mặt tức thời để giúp họ khắc phục sự cố…”.
Sau lớp học, nhà cao tầng mọc lên

Chị Nguyễn Thị Liễu Kiều đang tập huấn cách nuôi bò sữa cho nông dân ở huyện Củ Chi

Về vùng nông thôn TP.HCM ngày nay, thay vì những căn nhà xập xệ bằng tôn, tre, nứa thì hiện đã có nhiều nhà cao tầng mọc lên, đời sống nông dân được khởi sắc.
Hiện tại TP.HCM có hơn 8.000 hộ dân nuôi bò sữa với hơn 99.000 con. Thu nhập căn cứ vào quy mô đàn bò của từng hộ, có hộ nuôi cả trăm con nên lợi nhuận mỗi năm tính đến hàng tỷ đồng. Anh Phạm Văn Vũ, ngụ tại ấp Xóm Mới, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi nuôi bò sữa từ năm 1997 đến nay, hiện anh có 40 con đang cho sữa, năng suất sữa bình quân là 200kg/ngày. Anh Vũ chia sẻ: “Ngoài dạy chúng tôi cách chăm sóc bò sữa, hỗ trợ vốn để mua máy móc, các cán bộ ở TTKNTP còn hướng dẫn tôi cách trồng giống cỏ Mulato 2 thay cỏ voi. Loại cỏ này chất lượng rất tốt nên chất lượng sữa tốt hơn, bò ăn được hết mà không phải bỏ phần nào… Cứ hai tuần tôi bán được 35 triệu đồng tiền sữa, ngoài ra còn có thêm tiền bán cỏ, phân bò… nên đời sống gia đình tôi đã được cải thiện rất nhiều, hai con ăn học đàng hoàng”.
Còn với việc trồng rau sạch theo mô hình VietGAP, mới đầu chỉ có vài ba hộ tham gia vì ngại ghi chép thì nay TTKNTP đã hướng dẫn hàng trăm hộ. ThS. Nha cho biết: “Sản xuất rau theo mô hình này người trực tiếp tham gia trồng trọt đảm bảo được sức khỏe, môi trường đất không bị ô nhiễm, giá thành tăng cao từ 10 đến 15% so với rau chưa được chứng nhận, lại dễ bán cho người mua, đặc biệt là các siêu thị nên số lượng nông dân tham gia vào trồng rau sạch theo mô hình này ngày một tăng. Tính đến nay có 139 tổ chức, cá nhân sản xuất rau, quả trên địa bàn TP.HCM đã được chứng nhận VietGAP. Anh Trần Ngọc Yên (ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) chia sẻ: “Mới đầu được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn trồng rau theo mô hình này tôi cũng khá nản vì thường quên ghi nguồn gốc xuất xứ giống, quên ghi ngày bón phân, tưới nước. Tuy nhiên, thấy họ nhiệt tình, xuống vườn rau năm lần bảy lượt giúp gia đình trồng rau hiệu quả hơn mà tôi lại ngại khó thì không được. Vì thế, tôi đã cố gắng tiếp thu và ghi chép cẩn thận. Hiện tôi trồng rau theo mô hình này lên đến 1,4ha, mỗi năm lãi được hơn 150 triệu đồng”.
Với mô hình trồng lan, chị Nha đánh giá là loại cây kiểng này đưa lại lợi nhuận cao, có hộ mỗi tháng lợi nhuận lên đến 50 triệu đồng. Chẳng hạn, gia đình ông Nguyễn Văn Nhật, cư ngụ tại ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi trước đây chỉ trồng lúa, trồng hoa màu, thu nhập không đủ sống. Từ năm 2003, ông bắt đầu chuyển sang trồng lan và chỉ mong kiếm đủ ăn. Không ngờ sau chục năm canh tác, hiện vườn lan của ông có hơn 1,5 ha, mỗi tháng ông bán được khoảng 60-70 triệu đồng, trừ các khoản chi phí ông thu lãi trên 50 triệu đồng.
Bài, ảnh: Dương Bình