Thứ hai, 21/12/2009, 16h12

Nghề… thổi kèn đám tang

Ảnh: I.T

Có lẽ, chưa bao giờ nghề thổi kèn đám ma đã trở nên thịnh hành trong các tang lễ như hiện nay.
Kiếm tiền trên nỗi buồn của người khác
Một ngày của anh Hưng, “lính ruột” đội kèn Nghĩa Bình được bắt đầu như bao ngày khác. 3 giờ sáng, giữa lúc mọi người còn bình yên trong giấc ngủ, anh thức dậy chuẩn bị “đồ nghề” cho một ngày làm việc mới. Tất tật mọi thứ anh đều cố gắng làm thật nhẹ nhàng để không ảnh hưởng tới giấc ngủ những người trong gia đình. Ngày hôm nay, đội kèn của anh phải tới lễ động quan và hạ huyệt cho một tang chủ ở Q.5, xong việc lại chạy qua đám ma ở đường 3/2 (Q.10), chiều lại qua mấy đám ở Q.1, Tân Bình, Q.3. “Ngày nào cũng vậy, làm quần quật từ sáng sớm tới đêm khuya. Cái nghề này thời gian ăn, ngủ, nghỉ, làm việc bất thường lắm. Sáng ra khỏi nhà chưa ai dậy, tối về nhà chẳng còn ai thức là chuyện bình thường. Ở trong môi trường khói nhang nghi ngút suốt ngày nên vợ con tôi vẫn thường chọc là “người cõi trên””, anh Hưng chia sẻ.
Đội kèn của Nghĩa Bình có khoảng 50 người, phần lớn đều đến từ nhiều địa phương khác nhau. Kẻ Bắc, người Nam, họ tập hợp nhau lập thành đội kèn và cùng nhau tồn tại. 15 năm trôi qua, từ một nhóm nhỏ chỉ có 7-8 người, họ dẫn dắt người quen, họ hàng vào nhóm thành một “tiểu đoàn” hùng hậu. Phần lớn những người trong đội đều không được học qua trường lớp, bài bản (vì không có trường dạy thổi kèn đám ma). Thành thử, một người biết rồi chỉ cho nhiều người. Nhạc cụ sử dụng hằng ngày phần lớn đều là hàng “second hand” trôi nổi trên thị trường “Chịu khó cũ một tí, nhưng dùng tốt hơn, lại đỡ tốn kém. Ngay đến bản thân tôi theo nghiệp từ ngày đầu cũng chưa sắm cho mình một cây đàn nào tử tế”, nhạc trưởng đội kèn Nghĩa Bình chia sẻ.
Người ta gọi đội kèn đám ma là đội nhạc hiếu, phường bát âm, nhạc kèn đưa đám. Trong tang lễ, có ba nghi thức không thể thiếu đội quân thổi kèn: tẩm liệm, động quan và hạ huyệt. Nhưng tùy theo yêu cầu gia chủ, đội quân này có thể “hoạt động ngoài giờ” vào những lúc khách tới phúng viếng. Số lượng người tham gia cũng tùy theo đó mà thay đổi. Trung bình, mỗi đám cần khoảng 10 người nhưng cũng có khi lên tới gần 30 người theo mức độ “linh đình” mà gia chủ muốn. Đêm trước khi hạ huyệt, có khi đội kèn phải thổi thâu đêm. Mệt phờ người nhưng sáng ra vẫn phải gắng sức để phục vụ gia chủ cho tới khi “mồ yên mả đẹp”. Những bài nhạc tấu lên trong lúc “diễn xuất” cũng tùy theo gia cảnh của tang lễ, gia đình theo đạo Phật thì nhạc phải khác gia đình theo đạo Thiên Chúa Giáo. “Cẩn thận vậy thôi, chứ vào đó người ta yêu cầu bài gì thì mình phải tấu bài đó. Có những lần, chúng tôi buộc phải tấu những bài chẳng hợp chút nào với cảnh chết chóc tang thương vì lý do: nhạc đám ma nghe… buồn ngủ quá. Thành thử, anh em trong nghề thường nói vui với nhau rằng nghề của mình là nghề mua vui cho gia chủ, cho khách viếng và cho cả… người chết”, anh Hòa, người cùng đội với anh Hưng chia sẻ.
Ngoài nỗi vất vả vì thời gian làm việc thất thường, mỗi đội kèn phải liên kết cùng các trại hòm, cơ sở mai táng để có được “mối” làm ăn lâu dài. Việc “ăn chia” cũng tùy thuộc vào quan hệ, thân hay sơ, ngắn hạn hay lâu dài mà tính. “Đất Sài Gòn này có bao nhiêu đâu mà có gần 40 đội kèn. Kiếm đâu ra người chết mà người ta lập đội kèn nhiều thế không biết nữa”, anh Bích, nhạc trưởng đội kèn Nghĩa Bình chia sẻ.
Lắm nỗi xót xa
“Nghĩa tử là nghĩa tận”, ai cũng muốn lo cho người quá cố trong gia đình mình một đám ma thật chu đáo, và để có sự linh đình không thể thiếu sự góp mặt của các đội kèn. Trên thực tế, không ít người có thể “ăn nên làm ra” từ nghề này. Thu nhập tuy không ổn định vì còn tùy thuộc vào “sô” mỗi ngày nhưng họ vẫn dư sức lo cho gia đình một cuộc sống tương đối đầy đủ. Trung bình, sau mỗi đám tang (lo trọn gói), đội nhạc được trả thù lao từ 3-4 triệu đồng. Số tiền đó có thể được tăng lên tùy thuộc vào thời gian đội nhạc bỏ ra và tùy thuộc vào từng hoàn cảnh của tang gia. Có người còn nuôi mấy đứa con ăn học từ những đồng tiền cóp nhặt hằng ngày đó. Nhưng chẳng mấy ai trong số họ tự hào về nghề nghiệp của mình. Cũng là nghệ thuật, đem âm nhạc cống hiến cho mọi người nhưng công việc họ làm không được nhiều người tôn trọng. Lúc cần, tang chủ gọi đội kèn trống. Nhưng khi xong việc thì chẳng ai còn nhớ họ là ai. Ngay bản thân họ cũng ngại mỗi khi nhắc tới nghề nghiệp mình làm. “Chẳng đâu xa, có lần nhóm bạn cũ lâu ngày gặp nhau, ai cũng bô bô kể cho nhau nghe nghề nghiệp của mình. Tới lượt mình, tôi nói không hề giấu giếm. Lũ bạn tôi được bữa cười quá xá. Có đứa còn nói “mai mốt tao chết, mày thổi đám ma cho tao nhé”. Biết đó chỉ là câu nói vui, nhưng sao vẫn thấy buồn cháy lòng”, anh Hưng tâm sự.
Không riêng gì người ngoài, ngay trong gia đình họ cũng không tìm được tiếng nói đồng cảm. “Con gái tôi không dám nói bố nó là người thổi kèn đám ma. Nó ngại mỗi khi đi cùng tôi tới chỗ đông người quen biết. Có lần con gái tôi mang cuốn sổ liên lạc về nhà. Mọi thông tin nó đều điền đầy đủ ngoại trừ nghề nghiệp của bố. Tôi không trách con vì đó không phải lỗi của nó”, anh Hưng nói thêm.
Buồn vì không tìm được sự đồng cảm từ mọi người nên trong những ngày lễ tết, anh em trong đội kèn thường ngồi lại với nhau để chia sẻ chuyện gia đình, chòm xóm. Anh Hưng chua chát: “Nghiệt ngã là vậy nhưng anh em chúng tôi ai cũng yêu nghề, cùng hứa với nhau bám nghề mà sống”. Trên gương mặt sạm đen vì nắng gió, vì thức khuya của những người trong đội kèn, tôi đã đọc được bao nỗi niềm thầm lặng…
Ngọc Anh
“Nhiều lúc, được tang chủ quý mến, biếu cho ít đồ ăn mang về nhưng lấy cũng dở mà không lấy cũng không xong. Không lấy thì khó coi, mà lấy về rồi cũng chẳng dám mang về nhà. Thành thử, mỗi lần như vậy, anh em trong đoàn chúng tôi lại tự “giải quyết” với nhau”. Anh Bích phân trần.