Thứ hai, 28/11/2016, 09h35

Fidel Castro - Huyền thoại xuyên thế kỷ

Lãnh tụ huyền thoại của cách mạng Cuba Fidel Castro đã đi về thế giới bên kia ở tuổi 90 song ông cũng đã để lại trần thế một di sản đồ sộ về những cống hiến trong suốt những năm tháng đấu tranh và lãnh đạo hòn đảo Cuba tươi đẹp, về những lý tưởng cách mạng kiên trung, tinh thần quốc tế có một không hai.

Sinh ngày 13/8/1926, trong một gia đình giàu có tại thị trấn nhỏ Biran, nhưng chàng thanh niên Fidel lại quyết định đi theo con đường vô sản để tìm lại công bằng cho nhân dân lao động.
Tiến sĩ thần học, thầy dòng Frei Betto, người Brazil kể lại, có lần Fidel nói rằng dường như con số 26 có một cái gì đó bí ẩn trong cuộc đời ông… Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên: 26 là con số gấp đôi của 13. Năm ông 26 tuổi (1952) thì Fulgencio Batista làm đảo chính tiếm quyền, và ngày 26/7/1953, Fidel lãnh đạo cuộc tiến công trại lính Moncada ở Santiago de Cuba nhằm lật đổ chế độ độc tài Batista. Phong trào cách mạng do Fidel khởi xướng sau đó mang tên 26/7.

Fidel Castro (cầm micro) phát biểu trước người dân Havana ngày 8/1/1959 với một chú bồ câu đậu trên vai. Ngày 1/1/1959, quân khởi nghĩa do ông lãnh đạo đã tiến vào thủ đô, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời.

Nhưng có lẽ, con số 26 có vẻ bí ẩn kia không phải là yếu tố góp phần tạo nên tầm vóc của một “huyền thoại xuyên thế kỷ”, “một con người với năng lực tư duy siêu việt mà sản phẩm luôn luôn chỉ có thể là những ý tưởng phi thường”, “một trong những nhân vật lịch sử vĩ đại nhất của nửa cuối thế kỷ XX và những năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba”.
Tên tuổi của Fidel Castro gắn liền với vận mệnh quốc gia và cuộc sống của toàn thể nhân dân Cuba kể từ khi ông khởi binh tấn công pháo đài Moncada. Tuy sau trận đánh này, Fidel và nhiều nghĩa quân bị chính quyền độc tài Batista bắt giữ, đưa ra xét xử, nhưng Fidel đã tự bào chữa cho mình một cách hùng hồn bằng bài biện hộ làm chấn động chính quyền phản động mang tên “Lịch sử sẽ phán quyết tôi vô tội”.
Cuộc tiến công trại lính Moncada tuy thất bại nhưng là cuộc đấu tranh vũ trang đầu tiên của cách mạng Cuba và làm Fidel nhận thức một chân lý đúng đắn sau này được chứng minh là: “Kẻ thù sợ nhất nhân dân khi họ cầm vũ khí đấu tranh; đấu tranh vũ trang phải đi đầu”. 
Ngày 1/1/1959, chế độ độc tài Batista sụp đổ, quân khởi nghĩa do Fidel lãnh đạo tiến vào thủ đô La Habana, chính quyền lâm thời được thành lập. Sự kiện này đã mở ra một kỉ nguyên mới cho nhân dân Cuba, kỉ nguyên làm chủ vận mệnh của chính mình.

Lãnh tụ Fidel Castro đánh trái bóng khai mạc giải Vô địch bóng chày nghiệp dư tại Havana năm 1963. Ảnh: Prensa Latina

Ngay sau cách mạng Cuba thành công, các thế lực thù địch đã tiến hành nhiều âm mưu, thủ đoạn hòng bóp chết cuộc cách mạng non trẻ. Nhưng không hề nao núng, Fidel đã tích cực triển khai những hoạt động ngoại giao cấp cao, trở thành một trong những nguyên thủ quốc gia được chú ý nhất trên vũ đài chính trị quốc tế nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Cuba và phản đối chính sách cấm vận của Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba do Chủ tịch Fidel Castro đứng đầu, đất nước Cuba đã có những thay đổi sâu sắc chưa từng có trong lịch sử với những thành tựu được cả thế giới thừa nhận, đặc biệt là trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và thể thao. Ngày 18/2/2008, sau 49 năm lãnh đạo Cuba, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã chính thức tuyên bố rút lui vào hậu trường. Trong những năm gần đây, mặc dù đã tuổi cao, không còn tham gia vào các hoạt động chính trị, song lãnh tụ Fidel Castro vẫn làm việc không ngơi nghỉ, tiếp tục đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng đất nước bằng những nghiên cứu, những bài viết phản ánh sắc sảo trên các phương tiện truyền thông Cuba.
Tầm cao trí tuệ
Fidel kể lại rằng, ngay từ thuở nhỏ ông đã tự tìm lấy cho mình một cách học riêng, không giống bất cứ ai, không theo những quy phạm thông thường. Ông không đến lớp nghe bài giảng, chỉ đọc sách và tự học, ông thường miệt mài đọc sách đến 2-3 giờ sáng, có khi suốt đêm và tự học lấy tất cả các môn có trong chương trình. Ở trường đại học, ông ghi danh theo học liền một lúc 50 môn khác nhau của 3 ngành: Luật đại cương, Luật ngoại giao và Khoa học xã hội.
Cứ đến kỳ thi của từng môn thì ông tập trung học và lần lượt thi đỗ tất cả các môn đó. Các bạn cùng học, ai có điều gì cần hỏi, Fidel nói ngay: vấn đề ấy nên tìm sách này, sách kia, đọc ở chương nào, từ trang mấy đến trang mấy… Sau này, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông cũng không từ bỏ ham mê đọc sách.
Nhà văn Gabriel Garcia Marquez, người đoạt giải thưởng Nobel Văn học 1982, kể lại: Fidel đọc bất cứ tờ giấy có chữ nào rơi vào tay ông, đọc tất cả các loại sách, tất cả các tài liệu, văn kiện cần thiết cho công việc. Ông không có thói quen để các trợ lý đọc cho nghe các tin tức hàng ngày. Mỗi buổi sáng trên bàn của ông thường được để sẵn từng chồng các loại bản tin, trong đó có đánh dấu những vấn đề quan trọng cần lưu ý, và ông tự mình nghiên cứu tất cả các tài liệu đó. 
Vì vậy mà tất cả những ai đã từng có dịp nói chuyện với ông, đặc biệt là các nhà báo, nhà văn nổi tiếng đã từng phỏng vấn ông hàng mấy chục tiếng đồng hồ như Gianni Mina (người Italy), Tomas Borge (Nicaragua), Frei Betto (Brazil) và Ignacio Ramonet đều xác nhận rằng Fidel có thể thảo luận về mọi lĩnh vực từ lịch sử, chính trị, xã hội học, triết học, tôn giáo, luật pháp, kinh tế… cho đến những đề tài đòi hỏi chuyên môn sâu như y học, công nghệ sinh học hay phân tích về những biến động của thị trường chứng khoán trên thế giới!.
Với vốn kiến thức uyên bác như vậy, Fidel lúc nào cũng nhìn vấn đề ở tầm chiến lược, ở phạm vi toàn cầu, trong mối tương quan giữa lợi ích quốc gia và chính trị quốc tế, đồng thời ông cũng là người luôn nắm chắc thực tiễn, tính toán và phân tích sắc bén mọi dữ kiện để quyết đoán nhanh những vấn đề cụ thể...
Nghị lực phi thường
Fidel là người bản tính năng động từ thuở thiếu thời, khi vào bậc trung học và lúc ở trường đại học, chàng thanh niên sinh ra ở miền quê Biran thuộc tỉnh Oriente (nay là tỉnh Holguin, miền Đông Cuba) không bao giờ chịu nghỉ ngơi một cách thụ động. Vào những kỳ nghỉ hè hay những đợt dã ngoại, Fidel bao giờ cũng dẫn đầu các cuộc leo núi, thám hiểm các hang động hoặc tổ chức các cuộc thi đấu thể thao giữa các nhóm sinh viên.
Fidel ham thích bóng rổ, bóng chày, chơi cả bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn và cờ vua. Đặc biệt, ông còn luyện tập cả môn lặn săn cá dưới đáy biển. Sau này khi bận nhiều công việc quốc gia đại sự, ông vẫn không bỏ các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe. Hồi năm 2000, trong dịp Tổng thống Venezuela Hugo Chavez thăm La Habana, ông đứng ra tổ chức một trận đấu bóng chày giữa một bên là các quan chức Chính phủ Cuba do ông chỉ huy và bên kia là các vị khách do Tổng thống Hugo Chavez làm đội trưởng.
Trong rất nhiều năm khi còn khỏe mạnh và đang tại vị, Fidel luôn duy trì thời gian biểu làm việc cả 7 ngày trong tuần. Buổi sáng ông thức dậy và “điểm tâm” bằng những chồng tin tức từ nhiều nguồn: bản tin của các hãng thông tấn quốc tế, báo cáo từ các đại sứ quán Cuba ở nước ngoài, thông tin từ các bộ, ban, ngành, các địa phương trong nước, các “cơ quan nghiên cứu đặc biệt”… Sau đó bắt đầu các hoạt động liên tục: ra các quyết định, hội họp, gặp gỡ, làm việc với các cơ quan, đoàn thể, đi thăm các cơ sở, tiếp khách quốc tế cho đến tận đêm khuya, có khi tới 3 - 4 giờ sáng.
Fidel là vậy, con người ấy sinh ra là để làm việc không ngơi nghỉ, làm việc suốt đời “chừng nào trí tuệ còn minh mẫn”, vì như ông tự nhận là “định mệnh đã đặt tôi vào hoàn cảnh sinh ra không phải để nghỉ ngơi lúc cuối đời”.
Tiến Minh/ Tin tức