Thứ năm, 12/7/2018, 23h46

Gameshow ẩm thực “phủ” sóng truyền hình

Chưa bao giờ, các chương trình gameshow, truyền hình thực tế về ẩm thực  lại tràn lan như hiện nay. Một số chương trình ẩm thực lớn, nhỏ trở thành tâm điểm chú ý của nhiều người.

Gameshow ẩm thực Cuộc chiến mỹ vị. Ảnh: S.V

Đa dạng

Bên cạnh các chương trình giải trí tìm kiếm tài năng trong lĩnh vực âm nhạc, sân khấu hài hay người mẫu, các chương trình về ẩm thực đã mang đến làn gió mới cho khán giả. Sau cơn “bội thực” của các chương trình giải trí khác, gameshow ẩm thực cho khán giả chứng kiến cuộc đua thú vị giữa các đầu bếp, được chiêm ngưỡng những món ăn sáng tạo và đặc sắc.

Nhiều năm qua, các chương trình khoa giáo, dạy nấu ăn như: Bữa cơm gia đình, Món ngon mỗi ngày, Bảy phút cho buổi sáng… vốn đã có lượng khán giả nhất định, đặc biệt là các bà nội trợ. Trong xu thế phát triển của truyền hình thực tế, gameshow, các nhà sản xuất nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khán giả nên đã “trình làng” hàng loạt các chương trình về ẩm thực như: Khi chàng vào bếp, Khẩu vị ngôi sao, Đấu trường ẩm thực, Mỹ nhân vào bếp, Thiên đường ẩm thực, Vua đầu bếp, Vua đầu bếp nhí, Cuộc chiến mỹ vị, Chuẩn cơm mẹ nấu… Trong đó, Masterchef Vietnam và Thiên đường ẩm thực là hai gameshow truyền hình được nhiều “tín đồ” ẩm thực và khán giả cả nước đón nhận nồng nhiệt.

Cũng chính từ các sân chơi này, những người yêu thích ẩm thực đã có cơ hội thử sức, nuôi dưỡng ước mơ trở thành đầu bếp chuyên nghiệp. Một số chương trình được mua bản quyền từ nước ngoài và sức hút từ bản gốc đã khiến nhiều khán giả trông đợi và hào hứng theo dõi. Bên cạnh đó, các cuộc tranh tài giữa các thí sinh  luôn kèm theo giải thưởng hấp dẫn nên làm khán giả Việt hào hứng. Trên kênh Youtube của các chương trình này, lượng khán giả theo dõi, xem lại cũng tăng một lượng đáng kể. Điều này đủ cho thấy sức hút của các chương trình về ẩm thực hiện nay.

Xin đừng chỉ có bề nổi

Những phản hồi tích cực từ phía khán giả Việt Nam qua các chương trình về ẩm thực như: Masterchef Vietnam, Thiên đường ẩm thực, Chiếc thìa vàng, Chuẩn cơm mẹ nấu, Bếp cười cùng sao, Cuộc chiến mỹ vị… là tín hiệu đáng mừng. Sự nỗ lực, cải tiến chương trình từ phía nhà sản xuất đã ghi dấu trong lòng khán giả giữa cơn bão hòa các chương trình truyền hình thực tế, gameshow hiện nay. Có thể thấy dù gameshow hài, ca hát xuất hiện ồ ạt trên màn ảnh nhỏ thời gian qua, các chương trình ẩm thực vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả.

Văn hóa ẩm thực là một trong những chìa khóa quảng bá văn hóa quốc gia hiệu quả. Các chương trình truyền hình thực tế, gameshow về ẩm thực trên sóng truyền hình hiện nay là một điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, đừng để các chương trình này chỉ có bề nổi khi vẫn còn bỏ ngỏ vì sự thiếu tập trung, thiếu một chiều sâu văn hóa.

Bằng kinh nghiệm nấu nướng và khả năng sáng tạo, trong khoảng thời gian ngắn nhất, người chơi phải làm ra những món ăn ngon miệng và đẹp mắt từ những nguyên liệu có sẵn đó. Không chỉ dừng lại ở sân chơi ẩm thực, một số chương trình còn đem đến sự mới lạ bằng những màn hài hước qua việc khai thác tiếng cười nhiều hơn. Tuy nhiên, một số chương trình lại thiếu sự tiết chế trong chi tiết gây cười. Về lâu dài, sự hài hước quá đà sẽ dễ dẫn các chương trình về ẩm thực lặp lại “vết xe đổ” của không ít chương trình khác.

Trong format của một số chương trình ẩm thực trên thế giới, nhiều thử thách đã tạo ra những màn đấu “nghẹt thở”, căng thẳng, kể cả những cuộc tranh cãi nảy lửa nhưng vẫn tạo được sự thoải mái, thu hút cho người xem. Chính vì vậy, nhiều khán giả Việt khi đã xem qua các chương trình ẩm thực của nước ngoài đã bày tỏ nỗi thất vọng khi chương trình được nhà sản xuất Việt mua lại bản quyền nhưng chưa khai thác được kịch tính trong cuộc tranh tài giữa các thí sinh tham gia.

Không thể phủ nhận các chương trình ẩm thực ngày càng phong phú và đặc sắc, khai thác tối đa tài năng của các đầu bếp. Bên cạnh đó, kinh nghiệm và sự linh hoạt cũng như cách nhận xét của các giám khảo đều tạo được những khoảnh khắc ý nghĩa và đáng nhớ. Cũng để thêm sức hút, một số chương trình ẩm thực hiện nay hầu như không thể thiếu sự xuất hiện của nghệ sĩ. Có nghệ sĩ thật sự trở thành điểm nhấn, nét duyên cho chương trình. Bên cạnh đó, cũng có nghệ sĩ sa đà trong cách thể hiện nên tạo sự kém duyên trong mắt khán giả. Sự đa dạng là có thật nhưng bên cạnh đó cũng có không ít sự đơn điệu.

Văn hóa ẩm thực là một trong những chìa khóa quảng bá văn hóa quốc gia hiệu quả. Các chương trình truyền hình thực tế, gameshow về ẩm thực trên sóng truyền hình hiện nay là một điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, đừng để các chương trình này chỉ có bề nổi khi vẫn còn bỏ ngỏ vì sự thiếu tập trung, thiếu một chiều sâu văn hóa.

Yên Hà