Thứ tư, 9/1/2013, 14h01

Gánh chè trên vai mẹ

Chị Tư năm nay tuổi đã 40, chồng chị mất cách đây 2 năm vì bệnh gan. Sau ngày chồng mất, chị phải đi bán chè để có tiền nuôi con. Chị có hai đứa con, cô con gái lớn đã học lớp 12 còn cậu con trai út thì học lớp 8. Dù cuộc sống thiếu trước, hụt sau nhưng chị vẫn quyết tâm nuôi các con ăn học thành tài.
Dù mẹ làm việc vất vả nhưng cô con gái lại thích đua đòi. Điều đáng trách nữa là em che giấu không muốn cho bạn bè biết mẹ của mình làm nghề buôn gánh, bán bưng. Có một lần chị Tư gánh chè bán ngang trường, Thảo - con gái lớn của chị - thấy mẹ vẫn làm mặt lạ không dám gọi trước mặt bạn bè. Chợt chị Tư nghe Thảo nói với bạn: “Dì đó bán chè ở xóm tao. Dì quen tao nên hồi nãy nhìn và định gọi tao đó”. Đi học về nhà, Thảo nói với mẹ: “Má à! Từ nay má đừng bán chè đi ngang trường con nữa nghen. Con sợ bạn biết má bán chè thì kỳ lắm vì bạn của con toàn là con nhà giàu”. Chị Tư nói: “Má hiểu rồi, xã hội ngày nay nhiều người xem lớp vỏ giàu sang là quan trọng, là giá trị của con người. Được rồi, nếu con sợ bạn biết thì từ nay má sẽ bán chè vào buổi tối, còn ban ngày má làm việc khác kiếm tiền”.
Thế là đêm đêm, tiếng rao trầm buồn, uất nghẹn của chị Tư lại cất lên. Do làm việc quá sức nên chị lâm bệnh và cuộc sống gia đình càng khốn khó hơn. Hậu quả của những đêm bán chè vất vả làm cho chị nhiễm lạnh bị bệnh viêm phổi. Căn bệnh chị Tư vướng phải có nguyên nhân từ sự bất hiếu của con. Lẽ ra con gái của chị phải thấy hãnh diện với bạn bè vì có người mẹ đã hy sinh cả cuộc đời cho mình ăn học, đằng này em lại lấy làm xấu hổ dù công việc bán chè không có gì đáng hổ thẹn cả…
Thật đáng mừng là sau ngày ấy thì con gái chị đã nhận ra lỗi và có hiếu với mẹ. Em chăm học và học giỏi. Chị Tư vẫn bán chè nhưng tiếng rao của chị đã tươi vui hơn chứ không còn uất nghẹn như ngày xưa nữa.
Mẹ hiền là báu vật thiêng liêng nhất trên đời mà ta cần kính trọng, nâng niu bởi vì mất mẹ thì ta không thể tìm được người mẹ thứ hai nào thay thế được. Mong sao những người còn trên đời hãy luôn hiếu thảo với mẹ để không bao giờ ân hận vì mình đã làm mẹ buồn lòng.
Nguyễn  Thanh  Dũng
(GV Trường THCS Phước Lý, huyện Cần Giuộc, Long An)