Thứ hai, 23/11/2009, 15h11

Gặp gỡ những người sát cánh cùng Báo Giáo Dục TP.HCM

Báo Giáo Dục TP.HCM đã bước sang tuổi 16. Cái tuổi chưa thật sự lớn đối với quá trình hình thành và phát triển sự nghiệp báo chí song nó đã khẳng định được một bước tiến vững chắc. Có được thành quả như hôm nay, ngoài sự nỗ lực vươn lên của tập thể CB-PV-CNV còn có một đội ngũ cộng tác viên, bạn đọc luôn sát cánh với tờ báo.
GS. Trần Thanh Đạm: Cần nêu nhiều gương điển hình

GS. Trần Thanh Đạm

Tôi đã tham gia cộng tác với Báo Giáo Dục TP.HCM từ những ngày đầu còn là Tạp chí Giáo dục và Sáng tạo. Trước đây, những bài báo chỉ mang tính chất chuyên môn, nghiên cứu, sau này phát triển theo hướng phổ thông hơn, nội dung, hình thức báo cũng có đổi mới, thích ứng với hoàn cảnh hiện nay. Tôi cũng thường xuyên theo dõi, dư luận đánh giá tốt về nội dung, từng bước tiến của tờ báo. Tôi kỳ vọng tờ báo sẽ trở thành người bạn thân thiết cùng giáo viên, phụ huynh và báo đã làm được điều này.
Trong những đợt thi cử, ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn, báo cũng đáp ứng được yêu cầu định hướng dư luận. Với lực lượng nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất còn hạn chế như hiện nay mà báo trụ được ngoài thị trường là điều không đơn giản.
Báo đã bước sang tuổi 16, Ban biên tập cần có kế hoạch phát triển cho những năm tới. Sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp lớn, thực hiện vai trò này cũng hết sức nặng nề. Những năm qua, báo thực hiện nhiệm vụ hết sức khó khăn, xứng đáng với tên gọi và vị trí của báo.
Sứ mệnh của những tờ báo là chống tiêu cực, tuy nhiên báo chí cũng có một số hạn chế, chạy theo chiều hướng chung của báo chí hiện nay làm cho mặt báo trở nên u ám. Trong khi đó mặt tích cực không được nhắc đến nhiều. Một bộ phận thầy cô giáo dù đời sống có khá lên nhưng vẫn còn không ít khó khăn. Báo Giáo Dục TP.HCM cần tăng cường thông tin biểu dương, cổ vũ hơn nữa về thành tích của các trường, tấm gương về thầy trò, cha mẹ, những cá nhân, đơn vị thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài.
Để phát triển hơn nữa, ngay từ bây giờ Ban biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM cần có kế hoạch huy động lực lượng cộng tác viên là các nhà giáo lão thành, đương chức, nhà trí thức thuộc các ngành nghề có tâm huyết với giáo dục.
Nhà giáo, nhà báo Phan Thanh Quang: Món ăn tinh thần của những ai quan tâm đến giáo dục

Nhà giáo, nhà báo Phan Thanh Quang

Tôi được hân hạnh tham gia viết bài cho Báo Giáo Dục TP.HCM từ 15 năm trước, lúc báo còn là tờ nguyệt san Giáo dục và Sáng tạo. Vốn có thói quen cắt giữ lại bài viết ở các báo, đến nay, ngồi tẩn mẩn đếm lại thấy số bài viết cho ngành giáo dục đã lên đến 200 bài, trong đó gần 2/3 là viết cho Báo Giáo Dục TP.HCM. Tôi xem các bài báo cũ này là kỷ niệm đẹp trong đời làm công tác giáo dục và viết báo của mình.
Từ một tờ nguyệt san có nội dung khiêm tốn, phát hành gần như trong nội bộ ngành, đến nay đã thành tờ báo cách nhật với nội dung sâu sắc, thực tế, bao quát mọi hoạt động của ngành giáo dục. Tờ báo trở thành một kênh thông tin không thể thiếu, một món ăn tinh thần của những ai quan tâm đến giáo dục.
Nên chăng báo mở thêm chuyên mục “Chúng em có ý kiến” hoặc “Ý kiến học sinh” và “Ý kiến phụ huynh” nhằm phản ánh tâm tư nguyện vọng, những đề nghị của học sinh và cha mẹ các em về mọi mặt của ngành giáo dục. Chắc chắn đây sẽ là một kênh thông tin rất sinh động và có ích, giúp ngành giáo dục hiểu biết sâu sát hơn, thực chất hơn đối tượng mà mình phục vụ. Ngoài ra nên mở những cuộc tranh luận trên báo về các vấn đề giáo dục đang có nhiều ý kiến chưa thống nhất, để xã hội rộng đường suy nghĩ.
TS. Trần Thị Diễm Thúy, ĐH Quốc gia TP.HCM: Những người thầy không trực tiếp đứng lớp

TS. Trần Thị Diễm Thúy

Tôi rất mừng vì ngành giáo dục TP.HCM có một tờ báo ngành tốt như thế. Nhìn lại quá trình phát triển của báo, những gì mà báo đạt được là rất đáng tự hào, tự hào cho ngành giáo dục cả nước nói chung và ngành giáo dục TP.HCM nói riêng. Đó là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của những người thầy tuy không trực tiếp đứng lớp nhưng cống hiến của họ mang tính đặc thù. Trong bối cảnh ngành giáo dục còn lắm gian truân, việc ra đời và phát triển một tờ báo ngành như Báo Giáo Dục TP.HCM là rất cần thiết. Nó đáp ứng kịp thời những nhu cầu bức thiết, là tiếng nói động viên giáo viên, là tiếng lòng và là những mảnh đời, những tâm tư, nguyện vọng của thầy cô giáo.
Để làm được những điều này, đòi hỏi những người thầy trong vai phóng viên. Tôi đã từng chứng kiến một phóng viên vì lẽ công bằng, cứu một cô giáo bị hàm oan, mang lại danh dự chung cho ngành và cho nghề. Không kể đêm ngày, phóng viên đi tìm sự thật bảo vệ bạn đọc để mong sao cho số phận, danh dự một con người không bị cái ác làm hại mà không chịu nhận bất kỳ một khoản thù lao nào.
Thầy Trần Nguyên Nhứt, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lam Sơn, Q.6: Giúp các trường học tập và rút kinh nghiệm về quản lý

Thầy Trần Nguyên Nhứt

15 năm hình thành và phát triển, thời gian chưa phải là quá dài nhưng Báo Giáo Dục TP.HCM có những nỗ lực đáng ghi nhận. Điều đặc biệt quan trọng là báo đã thể hiện được vai trò cầu nối thông tin giữa trường với phụ huynh giúp nhà trường và phụ huynh cảm thông và chia sẻ nhiều hơn trong quá trình giáo dục nhân cách học sinh. Mặt khác, báo còn là kênh thông tin giúp lãnh đạo các trường tiếp nhận kịp thời những chủ trương chính sách lớn của Bộ, Sở, Phòng GD-ĐT từ đầu năm học như: chủ đề năm học, các cuộc vận động lớn của ngành…
Chẳng những thế, qua đổi mới phương pháp dạy học ở các trường, hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, diễn đàn giáo dục, nghị lực sống, giới thiệu các trường đạt thành tích cao trong thành phố…, báo đã nêu được những thành tựu, nỗ lực vượt bậc của cán bộ - giáo viên ngành giáo dục trên cả nước. Từ đó giúp các trường khác trong ngành học tập và rút kinh nghiệm thêm về cách quản lý.
Theo tôi, các chuyên mục của báo cần thể hiện sâu sát, cụ thể và thường xuyên hơn. Cần có những diễn đàn nêu những quan niệm chưa đúng về giáo dục của phụ huynh cũng như mục tiêu giáo dục của Nhà nước để tạo sự đồng thuận cao trong việc dạy và học của nhà trường đối với nhân dân. Thông tin kịp thời, chính xác những trường cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, điều kiện trường lớp chưa đúng chuẩn ở các quận, huyện ngoại thành, có thể ở các tỉnh bạn nhằm giúp lãnh đạo cấp trên kịp thời có giải pháp thích hợp, tạo được bộ mặt ngành giáo dục ngày càng tốt đẹp hơn nữa.
T.Tri - C.Việt (ghi)