Thứ hai, 16/11/2009, 14h11

Gãy xương - chuyện lớn đối với trẻ nhỏ

Học sinh Trường THCS Ngô Tất Tố (Q.Phú Nhuận) học cách băng bó khi bị tai nạn gãy xương

Trung bình mỗi năm Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 1.200-1.300 trường hợp bị gãy xương. Tương tự, tại BV Nhi đồng 2, mỗi ngày cũng tiếp nhận từ 2-3 ca. Nguyên nhân hầu hết do tai nạn sinh hoạt trên 80%, tai nạn giao thông hơn 10%...
Sốc vì bị gãy xương
Đó là trường hợp bệnh nhi Ng.Th.Th.H - 14 tuổi, ở Bình Thuận. Bệnh nhi được BV Đa khoa Bình Thuận chuyển gấp lên BV Nhi đồng 1 do tai nạn giao thông, với chẩn đoán ban đầu là đa chấn thương trong đó có gãy xương đùi bên phải và gãy xương chậu. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốc nặng với biểu hiện là lừ đừ, khát nước, da xanh, không có mạch và huyết áp. Ngay lập tức H. được các bác sĩ cấp cứu truyền dịch, truyền máu và dùng thuốc giảm đau. Sau hơn một giờ hồi sức, nạn nhân đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Và phải mất hơn 2 tuần điều trị và hồi phục, bệnh nhân mới được xuất viện…
“Đây là một trong rất nhiều trường hợp gãy xương được ghi nhận tại BV Nhi đồng 1. Mỗi năm tại BV tiếp nhận trên 2.000 ca chấn thương, trong đó 60% là bị gãy xương mà đa số là gãy xương chi trên. Hầu hết trong số đó là các bé trai và lứa tuổi từ 6-10 chiếm nhiều nhất”, bác sĩ Lã Thanh Nga - BV Nhi đồng 1 cho biết.
Trường hợp thứ 2 là bé Tr.H.Nh. - 6 tuổi ở Thủ Đức. Nh. phải nhập viện BV Nhi đồng 2 do gãy tay trái. Chị Lan - mẹ của bệnh nhi cho biết: “Đi học ở trường, Nh. được các bạn dạy cho cách gấp máy bay. Khi về nhà, cháu lấy giấy ra gấp và phi ở trong phòng, chẳng may chiếc máy bay giấy bay lên nóc tủ, cháu kê ghế leo lên lấy. Lúc đang rướn người lên để lấy thì cái ghế bị nghiêng và đổ xuống, theo phản xạ, cháu lấy tay chống xuống đất, hậu quả là gãy tay”.
Ngoài ra, các BV cũng ghi nhận nhiều trường hợp học sinh, chủ yếu là học sinh tiểu học đùa giỡn ở khu vực cầu thang rồi té gãy tay, gãy chân. Còn với học sinh ở bậc THCS, thường bị tai nạn gãy xương trong lúc chơi thể thao, nhất là đá banh.
Gãy xương - một tai nạn nguy hiểm
Theo bác sĩ Thanh Nga cho biết: “Xương gãy có ảnh hưởng đến chi và toàn thân gây ra các biến chứng. Nếu nặng, trẻ có thể bị sốc chấn thương, tắc mạch máu do tủy xương. Đối với vùng chi bị gãy có thể xảy ra tình trạng chèn ép khoang, tổn thương mạch máu, thần kinh, hoặc vi trùng có thể xâm nhập qua vị trí tổn thương gây nhiễm trùng”.
Tai nạn gãy xương có thể gây ra sốc. Sốc trong gãy xương xảy ra do bệnh nhi bị chảy quá nhiều máu, hoặc có thể do đau khi xương gãy không được cố định, cố định không đúng. Cụ thể như trường hợp của bệnh nhi Ng.Th.Th.H nói trên gãy xương đã có biến chứng sốc, nguyên nhân là do mất máu và đau. Sau khi được cấp cứu kịp thời của các bác sĩ BV Nhi đồng 1, em đã được cứu sống. Ngược lại nếu chậm trễ rất dễ dẫn đến nguy cơ tử vong.
Ở lứa tuổi từ 5-15, trẻ rất hiếu động - thích chạy nhảy, leo trèo, đùa giỡn vì vậy cũng rất dễ xảy ra các tai nạn, nhẹ thì bị trầy xước, nặng thì gãy xương. Để hạn chế những tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào với trẻ, các bậc phụ huynh nên lưu ý đến con em mình. Nên giáo dục trẻ không xô đẩy bạn, không leo trèo cây. Nhắc nhở trẻ phải cẩn thận khi đi vào những nơi dễ té ngã như cầu thang, nhà tắm - nhà vệ sinh trơn trợt…
Ở trường học cũng vậy, giờ ra chơi, nhà trường nên bố trí người trực ở những khu vực học sinh vui chơi để nhắc nhở các em không chạy nhảy, rượt đuổi nhau, khi lên cầu thang, không chen lấn, xô đẩy…
 
Thông tin từ Chương trình phòng chống tai nạn thương tích quốc gia cho thấy, ngã là tai nạn đứng hàng đầu đối với trẻ dưới 15 tuổi. Ngã có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ bị nạn: Nhẹ thì trật khớp, nặng thì gãy xương, chấn thương ngực, chấn thương bụng và nguy hiểm nhất là chấn thương sọ não hoặc chấn thương nhiều cơ quan có thể dẫn đến tử vong.
 
Bảo Thoa