Thứ năm, 10/3/2011, 15h03

Giá dịch vụ lại “nhảy múa”

Giá cả ở hàng loạt quán ăn uống, dịch vụ làm đẹp, vận chuyển hàng hóa... thi nhau “nhảy múa” với lý do: tác động của việc tăng giá xăng dầu, giá USD và lãi suất ngân hàng. Trong khi đó, nhiều chủ nhà hàng khẳng định mức tăng giá của nhiều mặt hàng khá bất hợp lý so với nguyên liệu đầu vào.

Nhiều loại nước uống đã được thay giá mới (ảnh chụp tại chợ Bến Thành ngày 9/3)  Ảnh: T.T.D.
Khảo sát tại TP.HCM cho thấy hầu hết các mặt hàng ăn uống đều đã tăng giá. Ngay từ ổ bánh mì ăn sáng, trái dừa uống giải khát... cũng tăng giá và giảm trọng lượng.
4.000 đồng/ly trà đá
Bán hàng không niêm yết giá sẽ bị xử phạt
Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, hoạt động kiểm tra các loại dịch vụ trông giữ xe, thu đổi ngoại tệ, dịch vụ ăn uống vẫn được thực hiện thường xuyên, tập trung vào vấn đề niêm yết giá. Bởi theo quy định, các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Cơ sở nào không thực hiện sẽ bị lập biên bản và xử phạt hành chính. Trường hợp có niêm yết giá nhưng ở mức quá cao sẽ bị xử phạt vì vi phạm thu quá giá. Mới đây nhất, ngày 7-3, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra và xử phạt điểm trông giữ xe tại cao ốc Centrepoint (106 Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận) do niêm yết giá trông giữ tới 10.000 đồng/chiếc.
Anh Nguyễn Nhật Trường, làm việc tại một lò bánh mì trên đường Phan Văn Hớn, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM, cho biết do giá bán sỉ bánh mì thấp nhất là 1.500 đồng/ổ và cao nhất là 5.000 đồng/ổ nên thời điểm này không thể điều chỉnh giá cao hơn nữa.
Đối phó với nguyên liệu đầu vào hiện khoảng 16.000 đồng/kg bột mì (nguyên liệu chính), chưa kể đường, sữa, bơ... đều tăng giá, cơ sở này phải điều chỉnh trọng lượng bánh, giảm bớt nguyên liệu. Cụ thể, loại bánh mì đang bán lẻ trên thị trường giá 2.000 đồng/ổ, trọng lượng từ 100g bột giảm còn 70g bột/ổ.
Loại bánh trọng lượng 250g bột/ổ giảm còn 200g bột. “Chiếc bánh nhẹ, nhỏ hơn và ruột rỗng đi trông thấy. Nhưng không còn cách nào khác, chúng tôi đã phải thông báo cho khách hàng về việc bớt trọng lượng lần này. Lợi nhuận hiện nay từ 500-700 đồng/ổ” - anh Trường cho biết.
Tại các cửa hàng ăn uống ở TP.HCM, giá cả cũng có những “bước nhảy” đột biến. Anh Long, làm việc tại đường Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, cho biết một tiệm ăn trong một hẻm nằm trên đường Cao Thắng vừa tăng giá chóng mặt.
Trước tết giá một tô cháo nghêu tại đây là 35.000 đồng nhưng hiện nay đã lên đến 50.000 đồng (tăng 43%). “Giá tăng nhưng lượng lại giảm. Tô cháo hiện nay chỉ có vài con nghêu”, anh Long cho biết. Tương tự, muốn ăn món nghêu tại tiệm ăn MT trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.Phú Nhuận giữ nguyên giá cũ, thực khách phải chấp nhận lượng nghêu ít đi khi chuyển từ thố sang tô nhỏ.
Tiệm này vừa niêm yết giá tất cả các món sang cuốn thực đơn mới. Trong đó, nhiều món ăn tăng giá 5.000-10.000 đồng/món, tăng 10-20% so với giá cũ. Nguyên nhân, theo các nhân viên trong tiệm, do giá nguyên liệu tăng mạnh.
Bùi Kim Thu, sinh viên năm cuối khoa luật dân sự ĐH Luật TP.HCM, cho biết quán ăn Thu thường xuyên ghé tới là HC trên đường Cây Trâm, P.9, Q.Gò Vấp. Vì đã thuộc giá trên thực đơn và các món tại đây, tối 27-2 Thu cùng hai người bạn tới và gọi món lẩu bò.
Đến khi tính tiền, cả ba đều bất ngờ vì giá cả tăng vọt từ 85.000 đồng lên 120.000 đồng/lẩu. “Nhân viên cửa hàng giải thích với chúng tôi là do nguyên liệu đầu vào tăng giá. Nhưng thực tế món lẩu chỉ sử dụng một chút rau cải xanh, rau mồng tơi, rau má và khoảng 200g nguyên liệu thịt bò các loại”, Thu cho biết.
Với lý do giá thịt bò tăng, một số tiệm phở đã nâng giá bán từ 35.000 đồng lên 40.000 đồng/tô, tô miến tăng từ 30.000 đồng lên 40.000 đồng (tăng khoảng 33%)... Các tiệm cơm văn phòng, cơm bình dân cũng nâng giá từ 2.000-5.000 đồng/suất ăn tùy loại. Thậm chí, một tiệm ăn trên đường Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận còn bán tới 4.000 đồng/ly trà đá.
Tăng giá bất hợp lý!
Dịch vụ làm đẹp, thiết kế cũng tăng giá
Khảo sát tại một số đơn vị kinh doanh dịch vụ làm đẹp cho thấy dịch vụ này đang định hình mặt bằng giá mới. Theo đó, mức tăng phổ biến khoảng 10-20% so với giá cũ, có nơi tăng gần 40%. Các nhà cung cấp dịch vụ giải thích nguyên nhân do nhiều loại mỹ phẩm nhập khẩu, mặt bằng thuê kinh doanh tăng giá. Giá dịch vụ trông giữ xe tại một số nơi cũng tăng 2.000-3.000 đồng/lượt, đặc biệt ở các quận trung tâm TP.
Chị Trần Thị Hằng, làm việc tại một cơ quan truyền thông trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, cho biết dù không chịu ảnh hưởng bởi bất kỳ yếu tố tăng giá nào nhưng công ty dịch vụ thiết kế nhà vẫn quyết định tăng giá thiết kế từ 80.000 đồng/m2 (giá trước tết) lên 120.000 đồng/m2. “Việc tăng giá này quá vô lý, chỉ là té nước theo mưa thôi”, chị Hằng bức xúc.
Hầu hết các cửa hàng ăn uống đều giải thích nguyên nhân tăng giá là do tác động của nguyên liệu, thực phẩm đầu vào tăng so với tháng 1 năm nay. Tuy nhiên, khảo sát trên thị trường cho thấy dù nhiều loại thực phẩm đã tăng giá nhưng mức độ tăng không tới vài chục phần trăm như một số cửa hàng đang áp dụng.
Cụ thể, giá nghêu loại ngon tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) ngày 7/3 là 33.000 đồng/kg, nghêu thông thường 28.000 đồng/kg, chỉ nhích 3.000-5.000 đồng/kg, sò huyết 50.000 đồng/kg, tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với hai tháng trước. Thịt bò loại ngon tại siêu thị Big C khoảng 169.000 đồng/kg, tăng 10.000-15.000 đồng/kg so với giá thị trường hồi đầu năm nay.
Trước sức ép tăng giá của thực phẩm đầu vào, ông Nguyễn Thế Khôi, chủ nhà hàng Bảo Anh (110 Lý Chính Thắng, P.8, Q.3), cho biết chỉ tăng giá đầu ra khoảng 10% là hợp lý, mức tối đa do cả áp lực giá thuê mặt bằng cũng chỉ tăng khoảng 15%. Do đó, một món ăn tăng thêm 30-40% là không bình thường.
Bà Hồ Thu Nga, quản lý nhà hàng Kẹp (đường Mạc Thị Bưởi, Q.1, TP.HCM), cho biết mặc dù bước sang tháng 3, đa số các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống đều đã tăng giá nhưng để giữ khách, nhà hàng Kẹp đã không tăng giá tất cả các món ăn. “Giá một tô cháo tăng tới 43%, tô miến tăng 33%, món lẩu tăng 41%, ly trà đá tăng 50% thì quá bất hợp lý” - bà Nga khẳng định.
Theo phân tích của bà Nga, giá thực phẩm, nguyên liệu đầu vào chỉ chiếm 30-35% giá thành đầu ra, còn lại là các chi phí nhân sự, hao mòn cơ sở vật chất, mặt bằng... Thực phẩm đầu vào dù có tăng tới 30% cũng chỉ tác động lên giá thành món ăn khoảng 10%. Đáng chú ý, trên thực tế gần như không có loại thực phẩm nào tăng vọt đến mức trên.
Nguồn TTO