Thứ tư, 9/7/2008, 16h56

Gia đình là điểm tựa của trẻ

Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về nạn mua bán con người - đặc biệt là phụ nữ và trẻ em thì “tuyển dụng, vận chuyển, chuyển nhượng, cho ẩn náu hoặc nhận người, bằng cách đe dọa hay dùng vũ lực hoặc các hình thức ép buộc khác, bằng cách bắt cóc, gian lận, lừa gạt, lạm dụng quyền lực hay lạm dụng các trường hợp dễ bị xâm hại, hoặc bằng cách cho hay nhận tiền công, tiền lời để đạt được sự đồng ý của người đang kiểm soát một người khác, vì mục đích khai thác bóc lột” đều được xem là tội ác.

Vấn nạn mua bán lao động, bóc lột trẻ em bằng cách bắt đi bán vé số, xin ăn, làm thuê,.. hoặc mua bán con nuôi trong xã hội ta, đặc biệt là tại các thành phố lớn như TP.HCM đang là vấn nạn đáng báo động. Cùng với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội hóa ngày một tăng thì khoảng cách giàu - nghèo càng mở rộng biên độ. Thái độ sống hưởng thụ, những vấn nạn gia đình (tan vỡ trong hôn nhân), tình trạng thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, phân biệt về giới, quá trình đô thị hóa kéo theo nạn di cư,… là những nguyên nhân sâu xa gây tác động trực tiếp và tạo nên tình trạng trên.

Theo thống kê từ Tổ chức châu Á chống lại nạn mua bán trẻ em (gọi tắt: Asia ACTs) thì hàng năm châu Á có hàng trăm ngàn trẻ em bị mua bán, bóc lột trở thành nô lệ. Việt Nam là nước nổi bật về vấn nạn này ở khía cạnh lạm dụng sức lao động mà nguyên nhân chính là do đời sống kinh tế khó khăn, thiếu thông tin ở những vùng miền nông thôn xa. Trong một diễn đàn nói về phòng chống buôn bán trẻ em và bảo vệ trẻ em tháng 8 năm ngoái, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh: “Việt Nam kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với loại hình tệ nạn này…”, theo đó, các chương trình hành động vì trẻ em cũng được Chính phủ ban hành và chỉ thị về tăng cường hoạt động từ 2007 đến năm 2010. Sau một năm thực hiện, chương trình đã ít nhiều đem lại hiệu quả thiết thực. Trong báo cáo sơ bộ về chương trình hành động này vào cuối tháng 6 vừa qua, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em TP.HCM nhìn nhận, để chương trình đạt được hiệu quả cao, cần có sự chung tay chung sức của toàn xã hội, đặc biệt là vai trò của các cấp chính quyền địa phương các nơi trong việc đẩy lùi tình trạng bỏ học, di cư đến những thành phố lớn. Hơn nữa, bên cạnh các nỗ lực của các cấp, các ban ngành liên quan thì việc hành động vì tương lai con em là trách nhiệm chung của mọi người, mọi nhà. Trên hết, vai trò giáo dục gia đình là quan trọng hàng đầu. Không gì an toàn và hiệu quả hơn việc gia đình làm vòng tay yêu thương, che chở cho các em tránh xa những tác động tiêu cực ngoài xã hội - nơi các em có được sự bảo vệ toàn diện và vun đắp ước mơ trở thành những người lớn của xã hội tương lai.

Cổ Thạch