Thứ hai, 15/11/2010, 14h11

Già nửa số GS, PGS Việt Nam đều đã nghỉ hưu

Theo GS Đỗ Trần Cát, Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước thì đội ngũ GS hiện nay của Việt Nam đang phải đối mặt với hai nỗi lo ngại lớn. Đó là: 1. Tỷ lệ GS, PGS nhiều tuổi quá lớn. 2. GS, PGS đang làm việc chỉ đạt non nửa so với tổng số người được công nhận.

 
Thống kê mới nhất của Hội đồng chức danh GS nhà nước tính đến tháng 11/2006 cho thấy, 80 % GS, PGS Việt Nam có độ tuổi trung bình trên 60.
 
 
Số GS có độ tuổi trẻ hơn chủ yếu là những người mới được công nhận từ năm 2000 đến nay, trong đó, GS có tuổi thấp nhất là 45 (sinh năm 1961).
 
 
Đối với đội ngũ PGS, độ tuổi được “trẻ hoá” hơn khi 70% có độ tuổi dưới 60. PGS độ tuổi thấp nhất là 35 (sinh năm 1971).
 
 
Từ năm 1981 tới năm 2006, sau 15 đợt công nhận, cả nước hiện có 7.192 GS và PGS (trong đó, GS: 1.217: PGS: 5.975).
 
 
Ngoài hai trở ngại lớn trên thì một vấn đề nổi cộm khác đối với đội ngũ GS, PSG đã hàng chục năm nay chính là vấn đề thu nhập. Theo tổng kết của Hội đồng công nhận chức danh Giáo sư nhà nước, mỗi GS có tổng thu nhập chưa đến 3 triệu đồng/ tháng, họ phải làm việc trong điều kiện rất khó khăn, nhất là những người không có chức vụ quản lý.
 
 
Một trong những giải pháp để tăng thu nhập cho các GS, PGS là nên có quy định thang lương riêng cho GS, PGS, tách khỏi thang lương giảng viên cao cấp và thang lương giảng viên chính thì đề xuất này đã được đưa ra từ 3 năm nay nhưng vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng.
 
Năm 2010, tất cả GS đều sẽ về hưu! 
Chỉ trong vòng 1, 2 năm tới và nhiều lắm là 5 năm, đội ngũ GS Việt Nam sẽ về hưu hết! GS. Đỗ Trần Cát, tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã cho biết như vậy. Cũng theo GS Cát, nếu làm chặt quá các tiêu chuẩn về việc phong tặng chức danh GS, PGS thì việc bổ sung số lượng GS là một việc rất nan giải khi số sinh viên đang phát triển một cách quá nhanh và số lượng trường ĐH cũng đang mở ra quá nhiều.
Theo thống kê, đến tháng 11/2006, cả nước hiện có 1.217 GS, 5.975 PGS. Tuy nhiên, quá nửa số đó đã nghỉ hưu. Chỉ có khoảng 20% GS dưới 60 tuổi.
Chính vì thế, trong quy định mới về bổ nhiệm chức danh GS và PGS dự kiến sẽ có kèm trong đó một số sửa đổi làm “mềm” hơn vấn đề bổ nhiệm như đối với PGS, sẽ bỏ tiêu chuẩn “tham gia đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở”. Về tiêu chuẩn ngoại ngữ thì việc xét công nhận GS, PGS có thể tiến tới một thứ tiếng là tiếng Anh. Yêu cầu về tiếng Anh không phải để đánh giá trình độ ngoại ngữ của GS, PGS, mà đưa vào với mục đích yêu cầu nhiệm vụ của GS, PGS phải có căn bản như vậy.
GS, PGS hoặc là thành thạo tiếng Anh, hoặc là thành thạo 1 trong 5 thứ tiếng mà quốc tế công nhận (Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc và Tây Ban Nha). Nếu thành thạo được 1 trong 5 thứ tiếng không phải là tiếng Anh, phải thêm một yêu cầu nữa là tối thiểu phải giao tiếp được bằng tiếng Anh.
Trong thời gian qua, quy trình phong tặng GS, PGS của Việt Nam diễn ra quá “nhiêu khê và máy móc” như nhận xét của hầu hết những người đã từng qua quy trình này để đến được chức danh GS. Nhiều vấn đề chưa được thống nhất và khó khăn trong việc đánh giá như thế nào là đạt yêu cầu, đánh giá các quyển sách, đánh giá “chất” của nhà giáo... Việc đánh giá nặng về định lượng, tính điểm theo cách cộng trừ nhân chia rồi đưa ra một con số. Kết quả đánh giá cuối cùng lại là qua lá phiếu của các ủy viên hội đồng và căn cứ theo con số được tính toán đó.
Cùng đó, việc công nhận chức danh GS, PGS lại không gắn với trường ĐH hoặc cơ sở giáo dục ĐH nên dẫn đến tình trạng “hữu danh vô thực”. Từ năm 2007, Thủ trưởng của các cơ sở giáo dục ĐH sẽ phải căn cứ vào tình hình cụ thể của mình để bổ nhiệm những người đã đạt tiêu chuẩn do Hội đồng CDGSNN xem xét. Như vậy, chức danh GS, PGS sẽ gắn với những cơ sở giáo dục ĐH, chứ không có GS, PGS chung chung trong toàn quốc. Ông Cát đã cho biết thêm như vậy.
 
 Minh Hạnh / Dan tri