Thứ năm, 3/8/2017, 10h20

Giai điệu mùa thu 2017: đại tiệc nghệ thuật đỉnh cao đa quốc gia

Hơn 200 nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam trình diễn 12 chương trình nhạc kịch, hòa nhạc thính phòng, giao hưởng và múa đương đại sẽ liên tục thắp sáng khán phòng Nhà hát TP.HCM từ 19 đến 27-8 tại Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu 2017.

Giai điệu mùa thu 2017: đại tiệc nghệ thuật đỉnh cao đa quốc gia

Khán giả mộ điệu của TP.HCM sẽ có cơ hội thưởng thức từ những tài năng trẻ đến những tên tuổi lớn của nghệ thuật hàn lâm trong và ngoài nước tại Giai điệu mùa thu 2017. Trong ảnh: Bùi Công Duy, Lan Anh, Gregory Lee, Cho Hea Ryong, Trần Nhật Minh - Ảnh: GIA TIẾN, HBSO

Trong tương lai, Giai điệu mùa thu chắc chắn phải quy mô hơn, trở thành một liên hoan tầm cỡ quốc gia như Festival Huế chẳng hạn.

Bởi một TP lớn, năng động như TP.HCM phải có một thương hiệu mạnh về nghệ thuật và chúng ta đang có nhiều cơ hội, điều kiện để hiện thực hóa mong muốn này.

Nhạc trưởng Trần Vương Thạch

Đây là lần thứ 11 diễn ra chương trình.

Và đây cũng là năm đầu tiên có thể gọi Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu là một “đại tiệc” nghệ thuật đỉnh cao đa quốc gia.

Ngồn ngộn những tin vui từ buổi họp báo giới thiệu chương trình vào sáng 2-8 đã được nhạc trưởng Trần Vương Thạch - giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO), đơn vị tổ chức chương trình - chia sẻ trước báo giới.

Hai tài năng trẻ Trần Diệu Ân và Trần Diệu Linh sẽ biểu diễn cùng những người bạn đến từ nước Nga trong chương trình Hòa nhạc thính phòng chiều 23-8 trong khuôn khổ Giai điệu mùa thu.

Nhạc kịch Con dơi
 và hơn thế nữa

Một trong những thông tin đầu tiên mà nhạc trưởng Trần Vương Thạch tự hào chia sẻ là Con dơi - vở operetta kinh điển 140 năm tuổi của thành Vienna - sẽ mở màn cho những đêm diễn đầy đam mê của Giai điệu mùa thu 2017 vào 20h ngày 19 và 20-8.

Với sự giúp sức hết mình từ Viện Goethe, trong lần đầu tiên công diễn tại Việt Nam, vở Con dơi được dàn dựng bởi đạo diễn David Hermann, nhạc trưởng Askan Geisler, nhạc trưởng và dàn dựng hợp xướng Trần Nhật Minh và huấn luyện viên thanh nhạc, ngôn ngữ đến từ Đức.

Không chỉ mời các chuyên gia từ Đức sang, để chuẩn bị cho vở nhạc kịch với 100% nghệ sĩ trình diễn là của Việt Nam, thời gian qua HBSO cũng đã đưa hai giọng ca chính là Khánh Ngọc và Đào Mác qua Nhà hát Revier Gelsenkirchen (Đức) để tu nghiệp.

Dẫu vậy, Con dơi không phải là tất cả khi Giai điệu mùa thu năm nay có đến 12 suất diễn (nhiều nhất từ trước đến nay) với đầy đủ các thể loại trình diễn của nghệ thuật hàn lâm.

Trong đó phải kể đến Hòa nhạc guitar cổ điển lần đầu được giới thiệu tại liên hoan do nhóm Saigon Guitar Quartet cùng các nghệ sĩ khách mời Võ Thụy Ngọc Tuyền (soprano), Pongpat Pongpradit (Thái Lan - guitar) và Anton Isselhardt (Đức - flute) trình diễn vào 17h ngày 25-8.

Cũng không thể không nhắc đến hai đêm diễn hạng nhất ở lĩnh vực thính phòng của Giai điệu mùa thu 2017 là Hòa nhạc thính phòng Tám mùa (20h, 24-8) và đêm Hòa nhạc gala Hành trình âm nhạc châu Âu (20h, 25-8).

Đây là hai đêm biểu diễn đặc sắc của International Chamber Players, quy tụ những nhạc công thượng thặng nhất của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và quốc tế.

Trong đó, NSƯT Bùi Công Duy, Vũ Việt Chương (Mỹ), Trần Hữu Quốc (Hàn Quốc) và Gregory Lee (Mỹ) sẽ đảm nhiệm phần solo trong các đêm nhạc này.

Chuyến du hành xuyên quốc gia qua âm nhạc

Không cần visa, không cần những chuyến bay xa dài ngày, âm nhạc của Giai điệu mùa thu 2017 sẽ đưa khán giả mộ điệu đến nhiều quốc gia, nền văn hóa chỉ trong khuôn viên một nhà hát.

Bắt đầu từ chặng TP.HCM, Hòa nhạc kèn ngoài trời của Nhạc viện TP.HCM (8h, 19-8) ở khu vực phía trước Nhà hát TP sẽ khởi động cho toàn bộ liên hoan như món quà âm nhạc mà Giai điệu mùa thu dành tặng cho công chúng yêu nhạc TP.

Ngoài các chương trình kể trên, Giai điệu mùa thu 2017 còn có các đêm Hòa nhạc các tài năng trẻ Nga, Armenia (20h, 22-8); Hòa nhạc Đêm nhạc thính phòng Pháp (20h, 23-8) và Hòa nhạc Các tài năng trẻ Việt Nam (17h, 24-8).

Âm nhạc của Brahms, Smetana và Tchaikovsky qua phần trình diễn của cello lừng danh Ulrich Horn (Đức), nghệ sĩ violin Hoàng Tuấn Cương (Đức) và nhạc trưởng Lê Phi Phi (Macedonia) cùng dàn nhạc HBSO vào lúc 20h ngày 27-8 sẽ là cái kết đẹp cho Giai điệu mùa thu 2017.

Trước đó, lúc 8h ngày 27-8, Hòa nhạc kèn ngoài trời sẽ có buổi trình diễn thứ hai ở phía trước Nhà hát TP.HCM như lời chào tạm biệt mà Giai điệu mùa thu 2017 gửi đến công chúng TP.

Bạn bè đã biết đến ta

Chưa bao giờ Giai điệu mùa thu lại quy mô như lần này. Không còn “tự thân vận động” với sự hỗ trợ từ Sở Văn hoá, thể thao TP.HCM như những mùa liên hoan trước, HBSO lần này đã có sự giúp sức rất lớn từ nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước.

Ngoài Viện Goethe Việt Nam, Quỹ Maestro (Armenia), Quỹ Spivakov (LB Nga), International Chamber Players, Japan Foundation, liên hoan cũng nhận được sự hợp tác rất chặt chẽ từ Nhạc viện TP.HCM, Trường Múa TP.HCM, Học viện Âm nhạc quốc gia...

Nhạc trưởng Trần Vương Thạch cho biết đây là mùa liên hoan mà HBSO nhận được nhiều sự hỗ trợ, hợp tác từ các tổ chức ngoài nước nhất.

Ngoài nhà thiết kế Quỳnh Paris tài trợ toàn bộ phần phục trang của nhạc kịch Con dơi, một nhà hảo tâm xin giấu tên cũng đã tài trợ cho HBSO kinh phí để sửa chữa lại phòng tập cho các nghệ sĩ ở rạp Thanh Vân, giúp các nghệ sĩ có một chỗ luyện tập tươm tất, đạt chuẩn hơn.

Nhạc trưởng Trần Vương Thạch cũng tiết lộ thêm vài tin mừng và cũng là tham vọng của Giai điệu mùa thu:

“Trong năm qua, chúng tôi đã có những buổi làm việc với Hiệp hội các dàn nhạc giao hưởng Nhật Bản và họ đang xem xét để đưa một dàn nhạc giao hưởng của Nhật sang biểu diễn tại Giai điệu mùa thu 2019.

Nếu được thì đây sẽ là một cột mốc đáng ghi nhớ của Giai điệu mùa thu bởi qua 11 mùa, chúng ta chỉ mới tiếp đón những nhóm biểu diễn thính phòng quốc tế từ 10-15 người chứ chưa có được những dàn nhạc vài chục đến 100 người ghé qua.

Hiện thời, chúng tôi đã bắt đầu đặt vấn đề với những dàn nhạc của Thái Lan, Singapore, Hong Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand với khát vọng đưa Giai điệu mùa thu trở thành một liên hoan nghệ thuật mang tính kết nối tại châu Á - Thái Bình Dương”.

Dẫu vậy, trăn trở còn lại của nhà tổ chức vẫn là TP.HCM vẫn chưa có được một nhà hát đúng đẳng cấp để tiếp đón bạn bè thế giới, vốn đang đầy thiện chí đến với Giai điệu mùa thu nói riêng và TP nói chung.

Đi qua tình yêu

Như thường lệ, Giai điệu mùa thu cũng là nơi giới thiệu những tác phẩm mới, đặc sắc từ các nghệ sĩ Việt Nam.

Vở múa đương đại Đi qua tình yêu (20h, 26-8) do hai biên đạo múa Nguyễn Phúc Hải và Nguyễn Phúc Hùng biên đạo sẽ lần mở ra những góc nhìn khác nhau về tình yêu với sự trình diễn của các nghệ sĩ ballet trẻ tài năng của HBSO.

Đứng cùng sân khấu với Đi qua tình yêu là hai tác phẩm âm nhạc đương đại mới sáng tác: Tổ khúc giao hưởng Hồi tưởng của Nguyễn Mạnh Duy Linh và Tổ khúc cho hợp xướng với dàn nhạcCầu nguyện mùa xuân của Vũ Việt Anh.

 

QUỲNH NGUYỄN./TTO