Thứ ba, 28/3/2017, 21h43

Giải pháp đào tạo “thợ” chất lượng cao

Nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp hiện nay là rất lớn, đặc biệt là nguồn lao động chất lượng cao. Để có được đội ngũ lao động trong giai đoạn hiện nay thì doanh nghiệp phải trực tiếp tham gia vào quá trình tuyển dụng và đào tạo.

Học sinh tìm hiểu về nghề điện công nghiệp tại Trường CĐ Kỹ nghệ II

Đại diện các trường CĐ-TC nghề cho biết như vậy tại buổi làm việc với Phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) mới đây về các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thành phố đến năm 2020. TS. Nguyễn Thị Hằng (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) cho biết nhà trường phải là nơi cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường và dự báo sự phát triển của khoa học - công nghệ để xác định rõ mục tiêu đào tạo của trường. Nắm bắt được nhu cầu và xu hướng lao động, Trường CĐ Kỹ nghệ II đã hợp tác chiến lược với hơn 50 doanh nghiệp như Công ty Roeders (Đức), Petrolimex, Sài Gòn Sipyard, Tập đoàn Toyota… Theo chương trình này, trường đã thí điểm đào tạo theo mô hình kép của Đức các nghề: Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải, hay nghề ứng dụng phần mềm (theo chuẩn của Úc)… Đây được xem là hướng đi mới trong đa dạng hóa loại hình đào tạo, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thị trường lao động mới.

Tại Ngày hội hướng nghiệp cho thanh thiếu niên năm 2017 tại Q.Tân Phú, Trường TC nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương cũng đã chia sẻ mô hình đào tạo kép, một mô hình đào tạo nghề hiện đại giúp người học - doanh nghiệp - nhà trường có được điểm chung, thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn. Ưu điểm nổi bật của mô hình này là doanh nghiệp có cơ hội đào tạo nhân sự theo yêu cầu, dễ dàng tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng và giảm thời gian đào tạo lại người lao động, tức giảm tiêu hao tài chính. TS. Nguyễn Quốc Bình (Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM) đánh giá cao mô hình này và đề nghị cần được nhân rộng ở các cơ sở đào tạo. Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tòng (Giám đốc Trung tâm GDTX Q.Tân Phú) cho biết đây là giải pháp khắc phục tình trạng ngành thì thừa lao động, ngành thì “khát” nhân lực.

Tại Ngày hội việc làm năm 2017 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức mới đây tại TP.HCM, ông Đào Ngọc Dung (Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) yêu cầu các trường tham gia đào tạo nghề phải gắn với doanh nghiệp, ngược lại doanh nghiệp phải đồng hành với nhà trường để hạn chế tình trạng lãng phí lao động đã qua đào tạo. Trước tình trạng thừa thầy thiếu thợ, ông Dung cho rằng các địa phương cố gắng hướng nghiệp hiệu quả, số học sinh THCS đi học nghề đạt 30%.

“Mỗi người hãy tìm cho mình một nghề phù hợp với sở thích, năng lực để có thể vừa học vừa mưu sinh, giảm chi phí. Đào tạo nghề là khâu đột phá chiến lược nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Để làm được điều này, các trường phải chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường, đổi mới phương thức đào tạo, đa dạng hóa loại hình đào tạo”, ông Dung lưu ý.

Những năm gần đây, các trường CĐ-TC có đào tạo nghề chất lượng cao và nghề trọng điểm của thành phố, quốc gia cũng đã được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo như Trường CĐ Nghề TP.HCM, Trường CĐ Nghề Nguyễn Trường Tộ… Ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho rằng, giải pháp để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao thì các trường cần nâng cao kỹ năng sư phạm, trình độ tin học, ngoại ngữ và nghiệp vụ quản lý giáo dục. Trong đó, đặc biệt ưu tiên đào tạo các ngành nghề được dịch chuyển trong cộng đồng ASEAN.

Bài, ảnh: T.An