Thứ tư, 9/1/2013, 14h01

Giải pháp nâng cao chất lượng đầu ra giáo sinh

Muốn có giáo viên dạy giỏi, các trường sư phạm cần phải nâng tầm nội dung chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy... Ảnh: N.Trinh

Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI có nêu vấn đề “Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi không bàn đến cán bộ quản lý giáo dục mà chỉ giới hạn phân tích đội ngũ nhà giáo ở bậc tiểu học và trung học, tập trung ở lực lượng giáo sinh các trường sư phạm.
Nhà giáo lúc còn trong trường sư phạm thì được gọi là giáo sinh,đó là những HS vừa tốt nghiệp THPT được tuyển vào trường, là đối tượng tác động của thầy cô sư phạm.Lượng HS này học tập ở nhiều trường trung học khác nhau nên có trình độ năng lực khác nhau. Do đó, nhiệm vụ của thầy cô là giảng dạy kiến thức khoa học, nghiệp vụ giáo dục để có đầu ra đạt chuẩn yêu cầu.
Nguyên nhân chất lượng đầu ra thấp
Theo đánh giá của dư luận xã hội, hiện chất lượng nhà giáo được đào tạo ở các trường sư phạm có đầu ra rất thấp. Theo chúng tôi, có bốn nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Thứ nhất, lượng giáo sinh có đầu vào thấp (dưới chuẩn), do từ nhiều trường phổ thông tụ về, có học lực dưới trung bình, không đồng đều dẫn đến khó tiếp thu kiến thức, rèn luyện khi giảng viên truyền đạt… Về ý thức xã hội, trong nhiều thập niên qua hầu như chỉ có những em tốt nghiệp THPT không khá giỏi mới vào các trường sư phạm. Trong dân gian có câu “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Phải làm cách nào đó, chuyển hóa ý tưởng này để tạo nên tập thể “Lương sư hưng quốc” và phục hồi vị thế tốt đẹp của nhà giáo trong lòng nhân dân. Thứ hai, yếu tố khoa học và nghiệp vụ giáo dục sư phạm.Kiến thức, nội dung, chương trình, cấu trúc thời gian dạy và học, cơ sở vật chất, phương tiện giảng dạy - thí nghiệm… chưa đổi mới. Thứ ba, năng lực giảng viên sư phạmhạn chế, không đồng đều, chưa được trang bị bổ sung kiến thức mới. Tùy theo nơi, nguồn “máy cái” này cũng có trình độ năng lực khác nhau. Các giảng viên sư phạm trước đây cũng không được chọn lọc kỹ càng theo những tiêu chí của một trường sư phạm chuẩn mực do chiến tranh; rồi với quan niệm, cách nhìn của xã hội ngày nay gây cản trở cho HS ưu tú vào ngành sư phạm để sau này trở thành giảng viên sư phạm có năng lực, giỏi. Thứ tư, trường sư phạm đào tạo đa hệ. Trước đây, trường sư phạm chỉ đào tạo hệ chính quy, đầu ra vừa đủ cung cấp cho các trường phổ thông, hoặc đôi khi chưa đủ số lượng, nên giáo viên có dạy thêm một số tiết và nhờ đó được có thêm chút tiền phụ trội…
Các giải pháp nâng cao
Từ những phân tích ở trên, chúng tôi đề xuất cần phải thay đổi các yếu tố GD-ĐT sư phạm. Cụ thể, chất lượng HS đầu vào ở trường sư phạm phải được nâng lên. Kiến thức, nội dung chương trình, giáo trình, dụng cụ nghiên cứu thí nghiệm, phương pháp giảng dạy… phải được nâng tầm. Chất lượng giảng viên cũng phải tự tái đào tạo kiến thức mới, rèn luyện củng cố thêm. Trường sư phạm chỉ được đào tạo chính qui và đào tạo tập trung, không nên đào tạo đa hệ. Muốn đạt được những yếu tố nói trên chúng ta phải tiêu chuẩn hóa đầu vào và đầu ra cho giáo sinh các loại trường sư phạm.
Đầu vào: Cần tiêu chuẩn về sức khỏe, vóc dáng hình thức bên ngoài; phẩm chất đạo đức khá tốt (Hội đồng tuyển sinh xem xét lời phê của giáo viên chủ nhiệm trong học bạ của HS các năm học ở THCS và THPT); học lực khá giỏi; cấp học bổng toàn phần hoặc bán phần cho giáo sinh sư phạm. Đặc biệt, có quy định mới, riêng cho đội ngũ này. Tình nguyện phục vụ bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam.
Đầu ra: Đạt kết quả từng môn học hoặc tín chỉ mỗi năm. Năm cuối cùng phải đỗ hết những môn hoặc tín chỉ phải học và làm luận văn tốt nghiệp. Tốt nghiệp xếp loại cao và nhận xét tốt thì được ưu tiên chọn nhiệm sở, nơi giảng dạy. Qui định cho những giáo sinh không đạt yêu cầu trong quá trình đào tạo thì chuyển sang học loại trường khác có tiêu chuẩn thấp hơn. Bên cạnh đó, nội dung, chương trình, giáo trình, phương tiện phục vụ giảng dạy phải thay đổi hiện đại… Đặc biệt, giảng viên sư phạm cần tự học bổ sung kiến thức và nội dung mới trong quá trình giảng dạy. Muốn giảng viên có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng giảng dạy mới, nhà trường cần qui hoạch, sắp xếp nguồn lực để họ có thời gian học liên tục, không nên vừa học vừa làm, cần có hai loại hình học tập dài hạn và ngắn hạn. Nên đào tạo tập trung, ở trong môi trường tập thể để tự rèn luyện và đây là một thử thách vô cùng to lớn.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay ở một số các tỉnh/thành xảy ra tình trạng mất cân đối, vừa thừa vừa thiếu giáo viên các bộ môn. Việc này xảy ra một phần lớn cũng do các trường sư phạm hạ điểm chuẩn, tăng qui mô tuyển sinh và mở rộng hình thức đào tạo tại chức, từ xa; lúc tuyển sinh không chú ý đến nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội.
Ngoài ra cần đổi mới và thông suốt nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trường; tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của giảng viên sư phạm, nghiên cứu viên, chuyên viên. Xây dựng kế hoạch ngắn hạn và dài hạn theo yêu cầu đào tạo. Trường sư phạm phải có sự gắn kết nhuần nhuyễn giữa khoa học cơ bản với khoa học nghiệp vụ sư phạm. Bên cạnh đó, gắn giảng dạy với nghiên cứu; trường sư phạm qui định thời gian giảng dạy và thời gian nghiên cứu bổ sung chuyên môn, mỗi cá nhân hoặc tập thể nghiên cứu 1-2 đề tài trong một năm.
TS. Song Thu Bùi Văn Bảy
(Viện trưởng Viện Khoa học quản trị Phương Nam)
 
Tài liệu tham khảo:
GS.VS Phạm Minh Hạc: Một số vấn đề giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ 21; GS.TS Thái Duy Tuyên: Phương pháp dạy hoc: Truyền thống và đổi mới; TS. Sông Thu: Vị trí cốt lõi của nội dung giáo dục, chương trình giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam; GS.TS Nguyễn Ngọc Phú: Về hiện trạng giáo dục nước nhà và cách tháo gỡ