Thứ sáu, 4/12/2009, 15h12

Giải quyết thực trạng “thiếu” và “yếu” của giáo viên TCCN

Hiện nay, số lượng giáo viên trong hầu hết các trường TCCN còn thiếu do không có chỉ tiêu biên chế hoặc không tuyển được do nhiều nguyên nhân như lương, điều kiện làm việc cũng như thủ tục tuyển dụng… Bên cạnh đó, chất lượng giáo viên TCCN cũng chưa theo kịp yêu cầu giáo dục nghề nghiệp.
Giờ thực hành sửa máy vi tính tại Trung tâm Dạy nghề Thanh Xuân
Giáo viên TCCN: thiếu và yếu
Theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trong đề tài “Khảo sát thực trạng nghiệp vụ sư phạm giáo viên TCCN”, giáo viên TCCN chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của giáo dục nghề nghiệp trong điều kiện mới. Mặc dù rất nhiệt tình trong công tác giảng dạy nhưng nhiều giáo viên còn thiếu hụt về chuyên môn nghề nghiệp, yếu về nghiệp vụ sư phạm, đặc biệt là về kỹ năng giảng dạy, phương pháp giáo dục học sinh. Đây là một nguyên nhân dẫn tới chất lượng đào tạo TCCN chưa thuyết phục được các nhà sử dụng lao động
GS.TS Phan Văn Kha, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, qua khảo sát giáo viên ở hầu hết các trường TCCN, kiến thức về chuyên môn của giáo viên không thường xuyên được cập nhật trong khi năng lực thực hành còn yếu. Kiến thức và kỹ năng sư phạm của giáo viên TCCN còn bộc lộ nhiều hạn chế mặc dù phần đông đã có chứng chỉ sư phạm bậc I, II. Nhiều giáo viên chưa tiếp cận được phương pháp giáo dục hiệu quả.
Một vấn đề không kém nan giải là sự thiếu hụt đội ngũ, đặc biệt trong nhóm ngành sư phạm. GS.TS Phan Văn Kha cho biết, trong khi nhu cầu đào tạo chủ yếu tập trung vào ngành trung học sư phạm mẫu giáo thì số lượng học sinh trên một giáo viên TCCN lên đến 56,44 học sinh / 1 giáo viên. Nhóm ngành Y tế - thể thao cũng có tỷ lệ học sinh trên giáo viên cao: 48,42HS/1GV. Tương tự ở ngành Kinh tế - Dịch vụ là 39,86; ngành Công nghệ thông tin là 25,40; Công nghiệp xây dựng: 20,36; Nông – Lâm – Ngư: 11,44 và Văn hóa – Nghệ thuật: 4,64.
Giải pháp nào khả thi?
Theo GS.TS Phan Văn Kha, việc xây dựng và ban hành “Chuẩn nghiệp vụ sư phạm giáo viên TCCN” là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt cũng như lâu dài, phục vụ cho việc dần chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo chuẩn và trên cơ sở đó để xác định chuẩn đào tạo, xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên TCCN phù hợp cho từng ngành, nghề. GS.Phan Văn Kha cũng cho biết, hiện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đang hoàn thiện dự thảo Chuẩn nghiệp vụ sư phạm giáo viên TCCN và đưa vào thử nghiệm năm 2009 và dự kiến ban hành vào năm 2010. Chuẩn được xây dựng trên nền tảng các đặc thù của đội ngũ giáo viên TCCN và hoạt động của đội ngũ, xuất phát từ mô hình hoạt động đa dạng của giáo viên TCCN và mô  hình nhân cách của giáo viên TCCN.
Đội ngũ giáo viên trong các trường TCCN tăng nhanh về quy mô và chất lượng. Năm học 2000 – 2001 tổng số giáo viên TCCN chỉ có trên 10.000 người với số giáo viên có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ tương ứng là 34 và 549 người. Đến nay, số giáo viên tăng đến 14.658 người, trong đó, số giáo viên có học vị tiến sĩ là  234 người, thac sĩ là 2.089 người, đó là chưa kể gần 10.000 giảng viên trong các trường CĐ và ĐH tham gia dạy TCCN. Tỷ lệ giáo viên trên tổng số cán bộ, công nhân viên vào khoảng 67% tương đương với tỷ lệ của một số quốc gia trên thế giới.
GS.TS Phan Văn Kha cũng đưa ra các mô hình đào tạo đa dạng như: Phát triển mô hình đào tạo song song tại các trường đại học sư phạm kỹ thuật hoặc khoa sư phạm kỹ thuật (ngoài việc tập trung đầu tư cho một số trường, đầu tư xây dựng các trường đại học đào tạo giáo viên TCCN nên chú trọng thiết lập, đầu tư xây dựng các khoa sư phạm ở trong các trường đại học); phát triển mô hình đào tạo nối tiếp tại các trường đại học sư phạm kỹ thuật hoặc khoa sư phạm kỹ thuật của các trường đại học chuyên ngành (sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH chuyên ngành hoặc cán bộ, kỹ sư đang làm việc ở các cơ quan doanh nghiệp… có nguyện vọng trở thành giáo viên TCCN sẽ tiếp tục học thêm phần nghiệp vụ sư phạm và nâng cao kỹ năng thực hành nghề để có chứng chỉ NVSP và trở thành giáo viên TCCN); phát triển mô hình đào tạo hỗn hợp tại các trường ĐH sư phạm kỹ thuật (tận dụng cơ sở vật chất của nhà trường, xây dựng chương trình bồi dưỡng và tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên ngay trong thời gian đang học tại trường); đào tạo giáo viên TCCN theo mô hình đào tạo liên thông từ công nhân kỹ thuật có trình độ tay nghề cao; đào tạo giáo viên TCCN có trình độ thạc sĩ phương pháp dạy học chuyên ngành.
Ngoài việc thiết lập và đổi mới mô hình đào tạo giáo viên TCCN với các mô hình đào tạo đa dạng, GS. Phan Văn Kha còn đề cập đến việc thiết lập và đổi mới hệ thống bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, trong đó có việc xây dựng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm thường xuyên, định kỳ và nâng cao trên cơ sở tiếp cận mô hình hoạt động của giáo viên TCCN theo từng nhóm ngành, nghề đào tạo, theo chuẩn nghiệp vụ sư phạm của giáo viên TCCN thay thế các chương trình bồi dưỡng NVSP bậc 1, bậc 2 đã quá lạc hậu.
Bên cạnh việc bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên theo các khóa tập huấn tập trung, các cơ sở đào tạo TCCN cần chú trọng xây dựng và tổ chức nhiều hoạt động với các hình thức khác nhau để phát triển năng lực sư phạm cho giáo viên như: nghiên cứu và ban hành các quy định về xây dựng, tổ chức các hoạt động phát triển chuyên môn và năng lực sư phạm; đổi mới đánh giá giáo viên TCCN theo chuẩn, trước mắt triển khai thí điểm học sinh TCCN đánh giá giáo viên; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cũng như nghiên cứu khoa học; xây dựng quy chế chính sách lương giáo viên TCCN theo năm công tác kết hợp với trình độ đào tạo…
Đan Thảo/ GD&TĐ