Thứ ba, 24/10/2017, 23h07

Giải tỏa nỗi lo cho học sinh vùng ven

Ngày 23-10, chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) và ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tổ chức đã diễn ra tại hai trường: THPT Hiệp Bình, THPT Nguyễn Hữu Huân. Trước đó, chương trình cũng diễn ra ở hai trường: THPT Bà Điểm và THPT Long Thới.

ThS. Phạm Doãn Nguyên (đại diện Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) trao đổi thông tin với các em học sinh Trường THPT Hiệp Bình

Rèn luyện để vượt qua… sợ hãi

Em Hà My (học lớp 12A12 Trường THPT Hiệp Bình) băn khoăn: “Em rất thích ngành điều dưỡng và có ý định học chuyên sâu về ngành này. Ở nhà, anh trai em cũng đang theo học ngành điều dưỡng nên em hiểu khá rõ về ngành này. Nhưng mẹ em lại không muốn em theo ngành điều dưỡng vì da của em khá nhạy cảm. Bản thân em không sợ máu, mà lại… sợ ma. Vậy có cách nào để em theo đuổi ngành này không?”. Trả lời câu hỏi này, ThS. Phạm Doãn Nguyên (đại diện Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) cho biết ngành điều dưỡng là một ngành áp lực khá cao và đòi hỏi phải có nhiều tố chất để làm tốt công việc như bình tĩnh, cẩn trọng, linh hoạt và quan trọng hơn hết là phải có sự cảm thông, thấu hiểu để xử lý các tình huống gặp phải. Nhân viên điều dưỡng không chỉ làm việc trong các bệnh viện mà còn có thể làm việc tại các phòng chăm sóc, phục hồi chức năng, trung tâm dưỡng lão... “Em không sợ máu, đó là một trong những điều kiện thuận lợi để theo đuổi ngành này. Còn vấn đề da nhạy cảm, em cần phải chú ý xem mình có bị dị ứng với các thành phần của thuốc và các vật phẩm y tế  hay không. Mặc dù có thể sử dụng bao tay y tế khi làm việc nhưng nếu mức độ nhạy cảm của da quá nặng thì em cần phải xem xét để chuyển hướng sang ngành nghề khác”, ông Nguyên nói. Còn chuyện… sợ ma, ông Nguyên phân tích: “Nếu nỗi sợ của em là sự ám ảnh nhà xác thì trong quá trình thực tập, làm việc tại bệnh viện, em nên rèn luyện nhiều lần để bản thân mình dần quen với nỗi sợ này. Khi được rèn luyện nhiều lần, nỗi sợ hãi sẽ qua đi, cộng thêm với sự cảm thông với bệnh nhân, em sẽ thấy mọi việc thật bình thường. Còn nếu nỗi sợ của em chỉ là “con ma” trong tưởng tượng thì em nên nhìn nhận vào thực tế, suy nghĩ nghiêm túc và gạt đi suy nghĩ về những hình ảnh không có thật để nó không trở thành vật cản mình trên bước đường tương lai”.

Em Đỗ Chí Khang (học lớp 12A6 Trường THPT Hiệp Bình) đặt câu hỏi cho ban tư vấn

Tương tự, em Đỗ Chí Khang (học lớp 12A6) cho biết: “Em rất muốn học ngành điện - điện tử nhưng lại sợ không đủ điểm vào các trường ĐH có tuyển sinh ngành này. Như vậy em có thể học ngành này ở bậc CĐ và trong tương lai ngành này cần nhiều nhân lực không?”. TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng Ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM) khẳng định: “Điện - điện tử là một trong những ngành có nhiều trường đào tạo và cũng là ngành thuộc top những ngành có mức điểm chuẩn cao khi tuyển sinh. Tuy nhiên, do có nhiều trường cùng đào tạo nên mức điểm chuẩn của mỗi trường cũng khác nhau, em có thể căn cứ vào khả năng của mình để lựa chọn trường phù hợp, hoặc mạnh dạn đăng ký học CĐ để được học đúng ngành mình yêu thích. Trong tương lai, do nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước, điện - điện tử cũng là ngành cần nhiều lao động thuộc nhiều trình độ khác nhau”.

Cơ hội rộng mở cho ngành tiếng Nhật

Tại Trường THPT Bà Điểm, em Dương Ngọc Thảo (học lớp 12A7) hỏi: “Hiện các công ty Nhật Bản đang đầu tư rất nhiều dự án tại Việt Nam, nếu em đăng ký học ngành ngôn ngữ Nhật thì cơ hội xin việc có dễ không?”. ThS. Vũ Quang Huy (Phó Ban tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết tính đến nay, Nhật Bản là một trong hai nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với hơn 2.600 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư gần 40 tỷ USD. Do đó, học tiếng Nhật để vượt qua rào cản ngôn ngữ và tìm kiếm cho mình những cơ hội nghề nghiệp tốt nhất tại các công ty Nhật Bản đang là xu hướng của nhiều bạn trẻ. Bên cạnh tiếng Anh, tiếng Nhật hiện đang là ngôn ngữ được ưa chuộng nhất tại châu Á. Do đó, ngôn ngữ Nhật đang là ngành mở ra nhiều cơ hội việc làm cho các bạn trẻ. Sau khi ra trường, các cử nhân ngôn ngữ Nhật có thể đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau và đạt đến những mức thu nhập “khủng” tùy theo năng lực: Biên - phiên dịch trong các công ty, cơ quan ngoại giao, tổ chức của Nhật Bản; nhân viên văn phòng, chuyên viên marketing, tổ chức sự kiện, giao dịch thương mại tại các công ty Nhật Bản; dạy tiếng Nhật tại các cơ sở giáo dục hoặc làm việc tại các công ty du lịch, hướng dẫn giao dịch với các đối tác Nhật Bản...

Ngọc Anh