Thứ ba, 25/10/2016, 22h05

Gian nan nghề “làm xiếc” trên cây

Đi trên từng tuyến đường tại TP.HCM chúng ta đều bắt gặp những hàng cây cổ thụ cao to tỏa bóng mát. Có được cảnh quan xanh tươi và trong lành đó là nhờ bàn tay chặt nhánh tỉa cành của đội ngũ nhân viên chăm sóc cây cối.  Đây là công việc vô cùng khó khăn và có khi phải đối mặt cả sự hiểm nguy. 

Nhân viên cây xanh đang chặt tỉa cây cành trên cao. Ảnh: N.Trinh

Cây gãy đổ là... có mặt

Cách đây không lâu, một trận mưa lớn kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ không chỉ gây ra cảnh ngập nước mà còn làm cho nhiều cây xanh trên đường phố ở khu trung tâm bị gãy đổ. Sau khi nghe thông tin một số cây xanh bị gãy đổ, Công ty Công viên cây xanh TP.HCM đã huy động lực lượng nhân viên đang trực tại đơn vị xuống ngay hiện trường để giải quyết hậu quả. Chỉ sau khoảng 30 phút mọi hậu quả đều được giải quyết nhanh gọn, đường phố lại thông thoáng trở lại. Đó cũng là hình ảnh quen thuộc của các nhân viên thuộc Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM mà người đi đường thường bắt gặp trên các con phố lớn thuộc quận trung tâm trong giờ làm việc. Mỗi nhóm làm việc của đội thường 6, 7 người với sự hỗ trợ của một chiếc cần cẩu cùng với các dụng cụ cưa máy, cưa tay, dây thừng lớn nhỏ... Trên đường Điện Biên Phủ, Q.3, trong lúc các nhân viên đứng dưới hỗ trợ thì anh Thanh - một công nhân trong đội được cần cẩu đưa lên cao để chặt hạ một nhánh cây to. Với chiếc cưa máy trong tay, anh Thanh đã xử lý được vài nhánh cây trong thời gian nửa tiếng đồng hồ. Nếu người đứng dưới nhìn lên đã ngợp với cảnh người đàn ông nhỏ bé leo lên cây cổ thụ chắc chắn rằng người đang ngồi ở trên cây phải có một thần kinh thép mới làm việc ở độ cao đến 5, 6 mét. Tuy nhiên theo chia sẻ của anh Thanh, do vào nghề đã 3 năm và trước đó đã học hỏi được kinh nghiệm của người đi trước nên công việc cũng không quá khó khăn: “Lúc ở dưới quê tôi thường trèo cây hái trái nên cũng quen từ nhỏ, mặc dù ở đây có nhiều cây to nhưng nhờ có xe cần cẩu đưa lên nên không phải ôm cây nhích từng bước như trước đây”. Tuy nhiên theo anh Thanh khó nhất là công đoạn đưa các nhánh cây xuống vì phía bên dưới đường luôn có hàng trăm người đang qua lại: “Trước khi nhánh cây được chặt, anh em phải buộc sẵn dây thừng, nên khi tỉa xong phải rút từ từ để đưa nhánh cây xuống”.

Vốn từng là công nhân tỉa cây xanh nhiều năm, anh Sái Công Sang - Đội phó Đội công trình hạ tầng thuộc Dịch vụ công ích Q.Phú Nhuận hiểu rất rõ công việc của anh em nhân viên xử lý cây xanh: “Do phụ trách ở những tuyến đường chính ở Phú Nhuận nên anh em trong đội chỉ thường xuyên kiểm tra tình trạng cây xanh trong phạm vi quận. Trước các ngày lễ lớn là thời gian cao điểm nhất cho công việc chặt nhánh tỉa cành. Tuy nhiên khi có sự cố cây gãy đổ ở bất kỳ tuyến đường nào mà đội biết được thì anh em đều có sự kết hợp kịp thời để khắc phục hậu quả”. Nói về khó khăn công việc, anh Sang khẳng định đây là một nghề nhọc nhằn đòi hỏi phải có ý thức tự giác và tinh thần lao động cao.

Làm việc với tinh thần thép

Nhân viên cây xanh đang thu dọn cây cành vừa được chặt tỉa. Ảnh: B.Vân

Theo anh Sang, hầu hết là những thanh niên có sức khỏe vào làm việc theo kiểu “cha truyền con nối” nên gắn bó với nghề: “Việc tỉa cành cây ở dưới mặt đất đã khó, việc leo lên cao chặt hạ những nhánh cây to lại càng vất vả hơn. Nếu ai thiếu tinh thần thì khó gắn bó với nghề”. Chính vì vậy, có không ít người tìm được việc làm khác dưới mặt đất nhẹ nhàng hơn đã xin “nói lời từ biệt” với công việc đu bám trên cành cây. Bởi thế nguồn nhân lực cho công việc này cũng đang thật sự khan hiếm. Ông Đỗ Khánh Ninh - Đội trưởng Đội môi trường thuộc Dịch vụ công ích Q.Gò Vấp cho hay, trước khi hành nghề nhân viên của đội phải học qua một khóa kỹ thuật về trồng tỉa cây xanh nhưng điều quan trọng hơn là phải biết học hỏi từ những người đi trước. Có kiến thức đã đành nhưng còn phải có kỹ năng và những “thủ thuật” trong công việc có như vậy mới giải quyết nhanh mọi hậu quả do thời tiết mưa gió để lại. Những ngày hè họ phải đối mặt với nắng gắt nên sau mỗi lần leo cây là mồ hôi đầm đìa ướt hết cả lưng áo. Còn mùa mưa thì phải cẩn thận vì dễ trượt ngã không ít người bị té từ trên cao nhưng có dây bảo hiểm nên đã thoát nạn. Nhiều loại côn trùng như kiến, ong, bọ xít, sâu róm cũng là những đối thủ nặng ký mà người công nhân xử lý cây xanh phải đối mặt hàng ngày. Các căn bệnh ngoài da gây ngứa, gây đau cũng thường xuất hiện sau những đợt tổng tấn công mé chặt các loại nhánh cây. Chuyện chảy máu do bị trầy xước hay nhánh cây đè vào chân tay là điều khó có thể tránh khỏi. Theo anh Thanh, ngán nhất là khi chặt những nhánh cây khô ở độ cao cả chục mét, nếu chỉ cần sơ ý một chút là nguy hiểm có thể chầu chực ở bên dưới.

Theo anh Sang, dù công việc vất vả nhưng mức lương của nhân viên cũng rất khiêm tốn, bình quân chỉ từ 5, 6 triệu như vậy những “tân binh” hợp đồng thời vụ mới vào nghề thì chắc chắn còn thấp hơn nhiều. Niềm vui của họ là làm đẹp thêm mỗi con đường, giữ gìn từng lá phổi xanh cho cả TP. Hầu hết đều có bảo hiểm xã hội và bảo hiểm tai nạn nên khi có sự cố anh em đều được hưởng chế độ an sinh tốt nên không bị thiệt thòi nhưng thương tật thì phải gánh chịu cả đời. Tuy nhiên với tinh thần lao động, sức khỏe dẻo dai và một tinh thần sắt đá thì họ mới trụ được với nghề trong vòng 10 năm. “Tuổi cao sức yếu, người to bụng mập, tay chân rung rẩy, tim mạch thất thường khó mà theo đuổi nghề này mãi được” - anh Sang chia sẻ.

Quang Phan