Thứ bảy, 13/5/2017, 22h17

Gian nan nghề xiếc: Kỳ 1: Sinh nghề tử nghiệp

Để đem lại cho khán giả những giây phút thưởng thức mãn nhãn, nghệ thuật xiếc luôn tạo ra các tiết mục biểu diễn gay cấn, ấn tượng. Yêu cầu này đã làm cho các nghệ sĩ của sân khấu tròn phải đối mặt với những hiểm nguy về sức khỏe và tính mạng. Đó là lý do khiến cho nghiệp diễn xiếc là nghề phải chấp nhận nhiều rủi ro và tai nạn. 

Các nghệ sĩ đang tập một tiết mục xiếc nguy hiểm

Tai nạn, thương tích đầy mình

Tại rạp xiếc ở Công viên Gia Định, Q.Gò Vấp, TP.HCM trong một lần tổng duyệt cho chương trình “Vũ diệu trăng rằm” mùa Trung thu năm 2016, một diễn viên nữ đoàn xiếc Bầu trời xanh thuộc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đã rơi từ độ cao gần 3 mét trong tiết mục đu dây. Có thể thấy so với các tiết mục khác, đu dây là tiết mục hấp dẫn nhất bởi 2 diễn viên nam nữ treo mình trên dải lụa màu sau đó được kéo lên cao và bay trên không trung theo vòng tròn của sân khấu xiếc. Mặc dù đã lên đến độ cao hơn 3 mét nhưng đôi nam thanh nữ tú vẫn gây chú ý cho khán giả bằng những động tác nhào lộn đẹp mắt trên không trung. Khán giả hôm đó hầu hết đều thích thú những khoảnh khắc lãng mạn con người chinh phục độ cao rất ấn tượng nhưng cũng vô cùng lo ngại với sự nguy hiểm khi cả hai diễn viên bay giữa không trung mà không hề có một sợi dây bảo hiểm an toàn nào. Trên cao, hai diễn viên vẫn nhào lộn với những động tác điêu luyện và gay cấn. Bỗng nhiên giữa sân khấu nghe một tiếng “rầm”. Mọi người chưa kịp định hình thì thấy diễn viên nữ Hồng N. nằm bất động sát bên mép của sân khấu xiếc. Hầu hết anh em trong đoàn đều hốt hoảng nhanh chân chạy đến xem sự cố đến đâu, còn những người yếu tim thì bủn rủn cả chân tay vì thấy sự việc diễn ra bất ngờ và nhanh quá. Ai cũng lo ngại cho tính mạng của Hồng N. không biết rồi sẽ ra sao. Cũng may chỉ sau vài phút, nữ diễn viên đã dần phục hồi trở lại. Tuy không phải chở đi cấp cứu nhưng tiếc mục sau đó phải hủy vì không có người thay thế kịp.

Đắng cay nghề xiếc

Một tiết mục xiếc thường chỉ diễn trong vòng 10 đến 15 phút nhưng các nghệ sĩ phải tập luyện trong mấy năm trời hay có khi cả cuộc đời. Từng tiết mục phải có độ khó riêng, tiết mục nào càng hấp dẫn thì độ khó càng cao, độ khó trong từng tiết mục lại tỷ lệ thuận với độ nguy hiểm của người nghệ sĩ. Vì thế trong cuộc đời mình, hầu hết các nghệ sĩ xiếc đều phải nhận lấy những “trái đắng” do tai nạn nghề nghiệp mang đến. 

Hầu hết các nghệ sĩ xiếc theo đuổi bộ môn nghệ thuật này vì lòng yêu nghề chứ mức thu nhập không đủ để trang trải. Đến xem xiếc tại Công viên Gia Định khán giả mới hiểu được nỗi niềm của sân khấu xiếc vì nhiều đêm chỉ có trên dưới một trăm khán giả nhưng các nghệ sĩ vẫn diễn hết mình dù biết rằng tiền thù lao không bao giờ thỏa đáng cho cả một tập thể đoàn xiếc gần 50 người. Niềm đam mê đã giúp người nghệ sĩ vượt qua tất cả hiểm nguy và nhọc nhằn.

Lịch sử nghệ thuật xiếc trong nước và quốc tế đã “ghi đậm dấu ấn” đáng nhớ về những tai nạn kinh hoàng của người nghệ sĩ trên sân khấu tròn khi tập luyện và khi biểu diễn trước hàng trăm khán giả. Có người vì đam mê với nghề nên dù bị tai nạn nhưng vẫn không hề tởn và tiếp tục đứng dậy làm lại cuộc đời. Bên cạnh đó có những tai nạn quá nặng mà họ đành giã từ nghiệp diễn trong sự tiếc nuối mà điển hình là NSND Tâm Chính với tiết mục “Cô hàng giải khát” một thời nổi tiếng. Sau một lần biểu diễn tiết mục “đinh” của mình, nghệ sĩ nhào lộn Lê Hương, nghệ sĩ đu dây Hồng Vân của đoàn xiếc TP.HCM phải bỏ nghề vĩnh viễn vì bị ngã từ trên cao gãy xương vai. Màn biểu diễn Đế kiếm trên đu được nhiều khán giả yêu thích khi biểu diễn ở nước ngoài đã để lại một vết thương lớn ngay ngực của cố nghệ sĩ xiếc Hồng Hạnh. Dù đã có thâm niên và giỏi nghề nhưng NSND Vũ Ngoạn Hợp - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam từng cả chục lần bó bột do trong quá trình tập luyện, bị gãy tay, chân khi còn là một diễn viên xiếc tung hứng, nhào lộn, ảo thuật. Cách đây vài năm, sau một cú ngã trong quá trình tập luyện, NSƯT Tuyết Hoàn đã bị chấn thương và cuộc đời chị từ đó phải ngồi trên chiếc xe lăn. Không chỉ tiếc nuối khi chia tay sự nghiệp biểu diễn, NSƯT Tuyết Hoàn mới gặp tai nạn, chị đã suy sụp tinh thần, nước mắt chảy ròng vì không còn được diễn trên sân khấu phục vụ khán giả. Khó có thể nhắc hết những sự cố tai nạn mà sân khấu xiếc đem lại để nghiệp diễn của nhiều nghệ sĩ phải “đứt gánh giữa đường”.

Nghệ sĩ Nguyễn Phi Sơn - Trưởng đoàn xiếc Bầu trời xanh (Nhà hát Phương Nam) chia sẻ, xiếc là ngành nghệ thuật có đặc thù riêng, lao động nặng nhọc cả về trí tuệ và thể lực, đòi hỏi nghệ sĩ không ngừng rèn luyện, nâng cao kỹ thuật và nghệ thuật. Tuy nhiên, các nghệ sĩ xiếc thường xuyên đối mặt với nguy cơ tai nạn, bệnh nghề nghiệp và điều này đã được chứng minh trong thực tế của người làm nghề. Cùng với đó, tuổi nghề quá ngắn ngủi và chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng đã dẫn đến việc tuyển sinh cho nghề xiếc gặp nhiều khó khăn.

Bài, ảnh: Quang Phan