Thứ ba, 16/5/2017, 21h33

Gian nan nghề xiếc: Kỳ cuối: “Đánh đu” cùng số phận

Là bộ môn luôn thu hút khán giả, xiếc thú thể hiện hết tài năng và lòng dũng cảm của người nghệ sĩ (NS). Tuy nhiên, trong cuộc đời làm nghề của mình, có NS đã phải đánh đổi sức khỏe và tính mạng của mình khi biểu diễn với các loài thú dữ.

Nghệ sĩ đang chăm sóc thú trong rạp xiếc ở Công viên Gia Định

NS Trần Văn Thuận - phụ trách đoàn xiếc Hồng Lộc trao đổi: “Dạy thú biểu diễn trên sân khấu xiếc không chỉ đòi hỏi người NS có sự đam mê mà cần cả lòng dũng cảm và đức tính kiên trì, nhẫn nại”.

Vất vả dạy trò

Điều đó được thể hiện rõ trong những tiết mục đặc sắc của đoàn xiếc Hồng Lộc khi đi lưu diễn các tỉnh phía Nam gần đây. Khán giả đến với đoàn xiếc Hồng Lộc là để thưởng thức những món ăn tinh thần của các NS xiếc với những tiết mục lạ mắt từ những bầy thú được dạy dỗ bài bản. Nhiều năm nay gắn bó với xiếc khỉ, NS Minh Đức đã đưa ra nhiều tiết mục hấp dẫn như khỉ đi xe đạp, xe xích lô, giã gạo. Theo NS Minh Đức đây là tiết mục đơn giản nhất vì hầu hết các “vận động viên” có đuôi đều chấp hành mệnh lệnh của người điều khiển. Nhưng nói như thế không phải là không có lúc các chú khỉ trở chứng. Điều đáng lo ngại nhất là các diễn viên thú “phật ý” ngay cả khi biểu diễn. Đây là điều khó khăn nhất cho NS dạy thú. “Các con vật không nghe theo lời người huấn luyện thì tiết mục biểu diễn không thể theo đúng kịch bản được. Nếu NS không biết cách chữa cháy khéo léo thì dễ làm cho tiết mục bị đổ vỡ. Đây là điều mà không ai muốn vì làm cho khán giả mất vui” - NS Hải Đăng trao đổi.

NS Quang Học cũng đã nhiều lần bực bội khi tập luyện tiết mục dê, mèo đi trên cầu thăng bằng. Theo NS Quang Học, dê là loài vật dễ sai khiến nhất thì mèo lại là “chúa bướng bỉnh”: “Mặc dù mèo là động vật ngoan ngoãn ít phá phách nhưng cũng ít nghe lời người huấn luyện. Vì thế tiết mục mèo leo cây và nhảy từ trên cao xuống nhiều lần phải hết hơi hết sức mới thực hiện được”.

Mặc dù chưa phải là thú dữ nhưng vượn và chó sói cũng nhiều lần làm khổ NS Hoàng Anh trong quá trình “thuần dưỡng” để trở thành những NS xiếc. Nếu hôm nào vui thì chúng nghe lời còn hôm nào buồn, thế nào cũng có chuyện. NS Thế Liêm trao đổi: “Mỗi khi không nghe lời, NS thường dùng thức ăn để dụ dỗ con vật luyện tập. Nhưng có hôm chúng mệt mỏi, lười biếng thì thức ăn cũng không nghĩa lý gì. Lúc đó nên để cho con vật nghỉ ngơi thì tốt hơn. Tuy nhiên gặp thời gian lịch diễn nhiều không chỉ con người mà con vật cũng vất vả theo”.

Hiểm nguy luôn rình rập

Rõ ràng để có một tiết mục xiếc thú không hề đơn giản chút nào. Không chỉ mất nhiều thời gian mà con người phải bỏ ra nhiều công sức để dạy dỗ. Nếu gặp con thú thông minh khỏe mạnh thì việc tập luyện xuôi chèo mát mái. Còn gặp những “diễn viên” 4 chân ương bướng tính tình mưa nắng thất thường thì người huấn luyện rất khổ sở.

Các NS xiếc phải hiểu loài vật, nắm bắt được tâm lý của chúng và nghe được cả “tiếng nói” của con vật. 

Xiếc thú không chỉ vui nhộn mà còn đòi hỏi sự nguy hiểm và táo bạo vì thế ngoài những loài thú hiền lành như dê, mèo, bồ câu, chó… còn phải có những loài thú dữ như trăn, cá sấu, gấu, voi… tham gia. Ngoài việc thuần dưỡng con vật bớt tính hung hăng, dữ tợn người NS còn phải dạy chúng biết làm trò. Đây chính là yêu cầu cao của người huấn luyện. Bất kỳ NS nào cũng đều thừa nhận, dạy thú là công việc vô cùng khó khăn và mạo hiểm vì loài thú không hiểu hết con người nói gì và chúng ta cũng không biết con vật muốn gì. Việc dạy thú chủ yếu theo phản xạ có tự nhiên, hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần theo thói quen chứ không theo ý thức như con người. Vì vậy, người NS phải hiểu loài vật, nắm bắt được tâm lý của chúng và nghe được cả “tiếng nói” của con vật. Tuy không phải là đứa trẻ, nhưng chúng cũng cần sự thương yêu, chiều chuộng. Nếu không nhạy cảm thì người NS khó dạy thú thành công. Lúc nào cũng biết vỗ về, động viên con vật coi nó là người bạn thân của mình. Khi đã hiểu nhau, con người sẽ điều khiển được chúng và ngược lại con vật cũng ngoan ngoãn vâng lời. Theo NS Văn Thuận, hầu hết các con vật được nuôi từ bé nên rất thân thuộc với NS. Mỗi lần cho ăn, tắm rửa, chăm sóc chúng đều quấn quýt với con người như một đứa trẻ nên càng ngày khoảng cách càng thu hẹp lại, tình cảm càng gắn bó hơn.

Dạy thú dữ nếu không có những vết tích trên người là điều vô cùng hiếm. Các NS dạy gấu, khỉ, cá sấu, chó sói đều bị những vết xước trên tay lâu ngày thành sẹo chi chít. Những màn biểu diễn của NS Minh Đức với cá sấu luôn làm khán giả sợ “dựng tóc gáy” nếu chỉ cần sơ suất một chút là có thể bị cắn nát cánh tay hoặc cả đầu khi chui vào. Nếu không biết cách “chơi” với thú dữ thì NS Minh Đức cũng có thể bị trăn quật ngã nhiều lần. Gần đây nhất là sự cố một diễn viên đoàn xiếc Hà Nam bị cá sấu cắn vào mặt càng cho thấy xiếc thú luôn có hiểm nguy rình rập.

Hơn 7 tháng “du ca” khắp nơi, đoàn xiếc thú Hồng Lộc phải di chuyển nhiều chỗ bằng chiếc xe tải lớn. Mỗi lần di chuyển là một lần các NS phải lo lắng nơi ăn chốn ở cho từng con vật. Chỉ cần mưa nắng thất thường là chúng ngã bệnh, ốm đau dài ngày. Vừa lo thuốc thang cho từng “người bạn” lại vừa lo tập luyện tiết mục mới với những màn biểu diễn hấp dẫn hơn. Nếu không có lòng đam mê và tình thương yêu loài vật thì khó có ai trụ được với nghề khi nhiều khán giả đang quay lưng với nghệ thuật xiếc trong đó có xiếc thú.

Bài, ảnh: Quang Phan