Thứ sáu, 7/1/2011, 16h01

Giảng dạy học sinh chưa ngoan: Bài cuối: “Cá biệt” có phải là xấu?

Nhà trường cần phải hướng HS vào các hoạt động thiết thực mang tính cộng đồng

Trong một ngôi trường, bên cạnh những học sinh (HS) chăm ngoan thì cũng có không ít HS chưa tốt về đạo đức nên thường được gọi là thành phần “cá biệt”. Thành phần này không nhiều nhưng luôn là đối tượng khiến giáo viên (GV) trăn trở nhất.
“Cá biệt” có nhiều loại
Trong quá trình đứng lớp, chắc hẳn không ít thầy cô đã có thái độ bức xúc, bực mình với những HS không thuộc bài hay thường nói chuyện trong lớp, gây gổ với bạn bè, có thái độ vô lễ với GV…
Thầy Phạm Hùng, GV bộ môn tiếng Anh Trường THPT Marie Curie cho rằng, HS “cá biệt” có hai loại, một loại là học lực yếu kém và một loại là hạnh kiểm yếu, không chấp hành các nội quy của nhà trường đã đề ra.
Nhưng, trái ngược với ý kiến của thầy Hùng, nhiều GV cho rằng học lực yếu kém không phải là HS “cá biệt” mà HS “cá biệt” ở đây thuộc về đạo đức, tư cách của các em. Thầy Nguyễn Văn Vượng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình), chia sẻ: “Để nhận biết được HS “cá biệt” thì không khó, các em sẽ bộc lộ ngay qua tính cách, ngôn ngữ khi trò chuyện với GV, bạn bè… Những HS có học lực yếu kém chưa phải là HS “cá biệt”. HS “cá biệt” thường là những em có tính cách quậy phá, ý thức tổ chức kỷ luật kém, thích “chơi trội” trước bạn bè”.
Dù hiểu theo cách nào thì khái niệm HS “cá biệt” có thể dành cho HS có ý thức học tập kém, ngang ngược, thường xuyên vi phạm nội quy của nhà trường...
Vì vậy, nếu GV có thái độ lơ là với các em, chắc chắn các em sẽ khó có thể thay đổi được bản thân, thậm chí là ngày càng có thái độ bất cần với cuộc sống và đến một lúc nào đó sẽ để lại những hậu quả đáng tiếc cho cuộc đời của các em và xã hội. Vậy làm sao để kéo các em trở về như những HS bình thường khác, điều này quả thật là rất khó.
Dạy học là một nghệ thuật
Dạy học là cả một nghệ thuật và người thầy chính là một nghệ sĩ, cùng một lúc họ phải đóng rất nhiều vai. Có lúc người thầy là đạo diễn của lớp học, là diễn viên nắm quyền chủ động trên sân khấu nhưng cũng có lúc là chính khán giả để HS tự diễn, tự bộc bạch tâm trạng, suy nghĩ để mình lắng nghe thấu hiểu.
Giáo dục một HS hư hỏng thành con ngoan trò giỏi đòi hỏi GV không chỉ có những phương pháp giảng dạy hay trên lớp mà còn phải hết sức thương yêu học trò như người thân trong gia đình; hiểu được tâm sinh lý của các em, không chỉ là người thầy mà còn là người bạn để các em giãi bày tâm sự.
TS. Nguyễn Ánh Hồng, Trưởng khoa Giáo dục học, Trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG TP.HCM) cho biết: “Ở lứa tuổi HS THCS và THPT, các em đã có ý thức tự trọng và mong muốn được đối xử như người lớn. Các em không thích cha mẹ chăm sóc quá kỹ lưỡng, không thích bị áp đặt mà muốn tự quản những việc được giao. Nhiều em còn thích thể hiện mình, thích bắt chước người lớn nhưng lại chưa biết cách chọn lọc, nhất là cách thể hiện hành vi bên ngoài như bắt chước cách ăn mặc, đi đứng của người lớn, thậm chí là thử hút thuốc, uống rượu… để thể hiện mình là người lớn. Ngoài ra các em cũng rất dễ bị kích thích bởi các yếu tố bên ngoài, không tự chủ được bản thân, không chịu được sự xúc phạm của người khác đối với mình nên thường dẫn đến các cuộc xô xát, đánh nhau. Vì thế là GV, chúng ta không chỉ chú tâm vào giảng dạy tốt mà còn phải nắm bắt được tâm lý của các em để định hướng cho các em đi theo những con đường đúng đắn”.
Đồng tình với ý kiến trên, nhiều GV cho rằng: Lứa tuổi HS, đặc biệt là HS THPT rất thích thể hiện mình, các em gái thì thích được yêu thương chiều chuộng, còn các em nam lại thích làm… đàn anh. Vì thế, ngoài việc phải tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình của những HS “cá biệt” thì GV cần phải biết chia sẻ và tìm ra những phương hướng hay nhất cho học trò.
GV đến lớp phải nhạy bén hiểu được học trò đang làm gì, nghĩ gì trong giờ học thì mới có được bài giảng thành công. “Dạy học là cả một nghệ thuật và người thầy chính là một nghệ sĩ, cùng một lúc họ phải đóng rất nhiều vai. Có lúc người thầy là đạo diễn của lớp học, là diễn viên nắm quyền chủ động trên sân khấu nhưng cũng có lúc là chính khán giả để HS tự diễn, tự bộc bạch tâm trạng, suy nghĩ để mình lắng nghe thấu hiểu và tìm ra những cách hay nhất giúp HS vượt qua được những thử thách”, thầy Phạm Hùng khẳng định.
 
Bài, ảnh: Dương Bình
LTS:  Với mong muốn tìm các biện pháp giáo dục HS “cá biệt” có hiệu quả, Giáo Dục TP.HCM mở diễn đàn: “Biện pháp nào giáo dục HS chưa ngoan?”. Tòa soạn rất mong nhận được những ý kiến chia sẻ của bạn đọc về vấn đề này. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về email: tantruc_tg@ yahoo.com.