Thứ hai, 26/3/2012, 17h03

Giảng dạy tiếng Hoa ở bậc TH và THCS: Cần xem xét lại trước khi quyết định

Việc đưa vào chương trình giảng dạy môn tiếng Hoa ở bậc TH và THCS trong thời gian tới, theo tôi, cần xem xét kỹ trước khi ban hành quyết định, vì những lý do sau: Thứ nhất, đưa tiếng Hoa vào giảng dạy 4 tiết/ tuần sẽ làm cho học sinh (HS) dễ bị ngộp, vì đâu phải HS ở vùng nào cũng thích ứng với việc học môn này, do chữ viết và cách phát âm quá khó. Và, các em sẽ chán học nếu phải... ép học môn này (dù rằng sẽ không bắt buộc, không tính điểm). Thứ hai, việc học tiếng Hoa sẽ làm cho chương trình học càng nặng hơn. Với thời gian phân bố như hiện nay, thật tình mà nói, các em không còn nhiều thời gian để thư giãn và trò chuyện cùng gia đình bởi chương trình học chính khóa, chương trình ngoại khóa, chương trình do phụ huynh mong muốn con mình học tập thêm sau giờ... đã chiếm hết thời gian vui chơi, giải trí của các em. Vì vậy, nếu môn học tiếng Hoa đưa vào đại trà trong các trường TH và THCS thì sẽ làm cho các em mệt mỏi thêm và kết quả sẽ không như ý! Thứ ba, nên chọn lựa và khoanh vùng các trường có đông dân cư người Hoa và các em có nhu cầu để học: Có thể ban hành một số quy định về việc phân vùng cho những trường có đông con em người Hoa đang sinh sống tại Việt Nam hoặc những HS có nhu cầu để môn học này được học trong chương trình như tiếng Pháp, tiếng Đức... để các em có thêm điều kiện tiếp thu và trau dồi vốn ngoại ngữ này. Thứ tư, tăng cường các trung tâm giảng dạy chuyên biệt: Một biện pháp nữa, theo tôi có thể mở rộng thêm các trung tâm Hoa văn dưới sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT hay giao cho sở GD-ĐT từng tỉnh, thành thực hiện việc chỉ đạo, theo dõi và giám sát. Như vậy, việc học của các em sẽ mang tính chuyên biệt, và hiệu quả hơn là việc ban hành quy chế giảng dạy trong các trường TH và THCS như dự kiến.
Trần Minh Duy
(Phó hiệu trưởng Trường Việt Úc)