Thứ năm, 26/5/2016, 23h18

Giành lại ngôi vị trung tâm tài chính, khoa học công nghệ: Chất lượng nguồn nhân lực chính là chìa khóa

Đó là khẳng định của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng tại Lễ trao quyết định thành lập Trường ĐH Fulbright Việt Nam (FUV) ngày 25-5. Tham dự buổi lễ còn có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry...

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong trao quyết định thành lập cho Trường ĐH Fulbright Việt Nam

Dành những điều kiện tốt nhất cho FUV

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khẳng định: “TP.HCM là một trung tâm hàng đầu của Việt Nam về nhiều mặt, trong đó có giáo dục. Chúng tôi có khát vọng to lớn là giành lại ngôi vị trung tâm tài chính, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Từ kinh nghiệm của Mỹ, chúng tôi biết chất lượng nguồn nhân lực chính là chìa khóa thực hiện mục tiêu trên. Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng vào FUV, đồng thời sẽ dành những điều kiện tốt nhất cho ĐH này để tạo ra những nhân lực có chất lượng không chỉ từ FUV mà còn phải thu hút “đàn chim lớn” từ khắp nơi đến với TP, kể cả “chim đại bàng” và “chim ưng”.

Giới thiệu thêm về FUV, bà Đàm Bích Thủy - Hiệu trưởng FUV - cho biết: Đây là trường ĐH duy nhất tại Việt Nam được thiết kế theo mô hình giáo dục “khai phóng” với mong muốn đào tạo những thế hệ sinh viên Việt Nam có tư duy phản biện, đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong nhiều lĩnh vực. Theo đó, FUV là ĐH phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam nhận được hỗ trợ từ Chính phủ Mỹ và Việt Nam. Đến nay, Mỹ đã cam kết tài trợ hơn 20 triệu USD để hỗ trợ việc thành lập. TP.HCM cũng dành cho FUV 25ha đất tại Khu công nghệ cao (Q.9), trong đó có 15ha xây khuôn viên chính và 10ha dành cho khu nhà ở và khu ký túc xá. Trường được tuyển sinh từ cuối năm 2016, đơn vị học thuật đầu tiên là Khoa Chính sách công và Quản lý Fulbright với trình độ đào tạo là cao học. Năm 2018 trường sẽ thành lập Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn Fulbright. FUV chọn ngôn ngữ giảng dạy chính là tiếng Anh và cấp bằng Việt Nam, đồng thời phấn đấu đạt kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định Hoa Kỳ.

Trường sẽ xây dựng thương hiệu vươn ra ngoài Việt Nam

“Chiến tranh là ký ức không thể xóa nhòa, nhưng nó đã trôi đi rất xa. Chắc chắn rằng, những sinh viên sẽ đăng ký học tại FUV rất quan tâm đến việc dấn thân vào nền kinh tế thế giới, hơn là chìm đắm trong quá khứ, hoặc luôn bị ám ảnh bởi những sự kiện đã xảy ra từ rất lâu, trước cả khi họ chào đời”, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh.

“Chúng tôi vừa dự buổi gặp gỡ của Tổng thống Obama với thanh niên Việt Nam. Tôi bị ấn tượng trước một câu hỏi về sự chảy máu chất xám, về những người trẻ có thể bị nơi khác nhiều cơ hội hơn “hút mất”. Tổng thống đã trả lời câu hỏi này một cách thẳng thắn rằng: “Câu trả lời chính là cơ hội và cơ hội đang ở đây. Chúng ta cùng nỗ lực để chắc chắn rằng mọi người được tiếp cận nền giáo dục mà họ cần, để họ cảm thấy không cần phải đi đến nơi nào khác”. Đó là những điều đang diễn ra lúc này... Trong quá khứ, chưa tới 800 sinh viên Việt Nam học tập ở Mỹ. Ngày nay, chúng ta đã thấy gần 19.000 du học sinh Việt Nam tại Mỹ. Đó không đơn thuần chỉ là con số thống kê. Đó là thước đo của sự chuyển biến ấn tượng và được phản ánh qua chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Obama đến Việt Nam tuần này, đặt trong bối cảnh chương trình nghị sự song phương rộng lớn mà 2 nước đã cùng phát triển. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, FUV sẽ mang lại những đóng góp to lớn cho Việt Nam, trở thành một trung tâm thực sự xuất chúng nhờ vào các yếu tố tự do học thuật, chế độ đãi ngộ với nhân tài, tính minh bạch và quyền học tập bình đẳng. Trường sẽ xây dựng thương hiệu vươn ra cả ngoài Việt Nam”, ông John Kerry khẳng định.

Cũng theo ông, những người tử tế từ 2 quốc gia Mỹ và Việt Nam đã hợp tác cùng nhau để thành lập một trường ĐH sẽ đóng góp tích cực cho tương lai của hàng ngàn, hàng triệu thanh niên. “Ngày hôm nay phản ánh thắng lợi vượt bậc về ngoại giao, thắng lợi về tầm nhìn của ông Thomas Valley (Chủ tịch Quỹ tín thác sáng kiến ĐH Việt Nam) và cả những người ở Mỹ, ở Việt Nam như Bí thư Đinh La Thăng - là những người đã giúp hàn gắn quan hệ giữa 2 nước chúng ta, tạo nên nền tảng cho sự tiến bộ, không chỉ ở giáo dục mà còn nhiều lĩnh vực khác. Chúng ta đã trải qua 20 năm bình thường hóa quan hệ và cần khoảng 20 năm nữa để chữa lành, xây dựng. Ngày hôm nay, chúng ta đang cùng gieo những hạt giống tốt nhất dưới hình thức một ĐH quyết tâm cống hiến vì tri thức và cơ hội học tập. Chúng ta cùng tin tưởng chắc chắn rằng những vụ mùa tương lai sẽ mang lại lợi ích to lớn, không chỉ cho các sinh viên Việt Nam, mà với tình hữu nghị ngày càng phát triển giữa nhân dân 2 nước”, ông John Kerry phát biểu.

Bài, ảnh: Quang Huy