Thứ sáu, 1/3/2013, 15h03

Giáo án thời @

Cách đây hơn 10 năm, nói đến giáo án thì giáo viên 10 người như một đều thốt lên: Đó là “cái án” của nhà giáo, bởi vì nó đứng vào hàng đầu trong bốn khâu: “Soạn-giảng-chấm-trả”. Hồi đó giáo viên dạy một buổi, còn một buổi chuẩn bị soạn giáo án cho ngày hôm sau, giáo viên cũ có thâm niên dạy trên 3 năm còn tương đối dễ thở vì quen cách soạn bài, chứ giáo viên mới ra trường khổ sở biết chừng nào. Phải đọc trước nội dung bài dạy trong sách giáo khoa để nắm vững mục tiêu bài dạy, phải tham khảo sách hướng dẫn giáo viên để biết trình tự và phương pháp giảng dạy, nói chung giáo viên dạy tiểu học ai giỏi lắm nguyên một buổi còn lại ở nhà mới soạn, viết tay hết bài cho 4-5 môn học ngày hôm sau, còn không ban đêm sẽ chiếm thêm một số thời gian cho việc soạn bài.
Bây giờ, công việc soạn giáo án thời @ xem như tiện ích rất nhiều, giúp giáo viên tiết kiệm một số thời gian nhất định. Nói không ngoa mỗi giáo viên chỉ trang bị cho mình một cái USB chép tất cả bài dạy của khối nào mình phụ trách, một bộ vi tính bình thường thì việc soạn giáo án chỉ là chuyện “nhỏ như con thỏ”. Giáo án có sẵn, giáo viên trực tiếp giảng dạy chỉ việc chỉnh sửa lại thời gian ngày dạy, chỉnh các môn học cho phù hợp với thời khóa biểu và phân phối chương trình cơ bản xem như xong, cần thì in trong vòng… 1 phút 30 giây là có ngay giáo án dạy suốt tuần. Nhìn giáo án của giáo viên in bằng vi tính, đóng tập, sạch sẽ ai mà không thích. Lợi là thế, nhưng đôi lúc đem lại tác hại cho giáo viên từ những điều nhỏ nhặt tưởng chừng không sao, không ai thấy, ai biết. Là cộng tác viên thanh tra, tôi thường được điều động tham gia kiểm tra hoạt động sư phạm nhà giáo, nên thường phát hiện những giáo viên dạy cùng khối có giáo án về hình thức chỉ khác nhau font chữ còn nội dung giống nhau như đúc. Có những sai sót giống nhau hết sức ngô nghê mà giáo viên trực tiếp dạy không biết, đó là mấy phép tính cộng, trừ đơn giản nhưng sai kết quả, lỗi chính tả nhiều, hay giáo viên mượn USB của giáo viên khác chép ra cho mình, khi chỉnh sửa sót tên giáo viên nọ, có khi có cả tên trường lạ hoắc lạ huơ nào đó. Ngoài các tiêu chí đánh giá tiết dạy theo quy định của Bộ GD-ĐT ra, bộ phận chuyên môn còn yêu cầu giáo viên phải dạy đúng trình tự giáo án đã soạn. Điều này giáo viên thường vướng bởi giáo án không phải tự mình soạn nên rất lúng túng, nhất là giáo án trong USB mục chuẩn bị đồ dùng dạy - học thầy và trò rất nhiều chi tiết, khi in sử dụng giáo viên không chỉnh cho sát, phù hợp tình hình thực tế lớp mình dạy, nên phần này khi dạy trên lớp còn thiếu sót, không đầy đủ, chưa nói có khi là con số 0.
Tiết dự giờ đánh giá không cao, sẽ kéo theo kết quả thanh tra hoạt động sư phạm nhà giáo tương tự. Sử dụng giáo án thời @ quả là khỏe, nhẹ nhàng một khi giáo viên tự mình trực tiếp soạn hay chỉnh sửa giáo án người khác một cách khoa học, sáng tạo, phù hợp với trình độ học sinh lớp mình phụ trách. Nếu giáo viên cứ vô tư in giáo án qua loa cho có lệ, để đối phó ban giám hiệu, thanh tra viên thì có ngày cũng bị “tẩu hỏa nhập ma”.
Trần Văn Tám
(Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)