Thứ năm, 25/5/2017, 22h00

Giao dịch đất nền đã... nguội

Từ khi cơ quan chức năng vào cuộc mạnh tay xử lý “cò đất” thổi giá tạo cơn sốt và công khai thông tin về hạ tầng, địa giới hành chính thì thị trường nhà đất ở một số địa phương vùng ven TP.HCM đã... nguội.

Điểm giao dịch nhà đất im ắng

Hạ nhiệt cơn sốt đất

Tại huyện Nhà Bè, thời điểm sốt đất nền, giá đất được thổi lên gấp đôi bình thường, tức từ 10-15 triệu đồng/m2, tăng lên đến 15-30 triệu đồng/m2 đối với đất nền dự án. Riêng đất nền nằm xen kẽ trong khu dân cư hiện hữu thì vẫn tăng giá từng ngày.

Ghi nhận của phóng viên, giá đất dự án tại một số xã trong huyện như Phước Kiển, Phước Lộc, Nhơn Đức đã chững lại, giảm từ 5-12 triệu đồng/m2 đất nền ký gửi. Người đi xem đất thưa hẳn và các điểm giao dịch cũng đóng cửa im ỉm vì không có khách. Nếu như thời gian trước, “cò đất” dập dìu sẵn sàng đón khách, đưa đi xem đất bất kể giờ giấc, nắng mưa thì nay tại các khu A-B-C của làng đại học (xã Phước Kiển) chẳng thấy ai ngoài những tấm biển môi giới nhà đất xếp hàng dài.

“Cò đất” Minh Lộc (huyện Nhà Bè) cho biết, nhiều người ở các quận, huyện và có cả người ở các tỉnh đổ xô về đây mua đất đầu cơ. “Có người chồng tiền mua 5-7 nền cùng thời điểm. Bây giờ giá đất chững lại, một số nơi còn tuột không phanh khiến nhà đầu cơ phải “cắn lưỡi” vì lỗ nặng”, “cò đất” Minh nói.

Cũng tại Nhà Bè, đất nền của dự án Sadeco thuộc khu dân cư Phước Kiển là một dự án được các nhà đầu cơ “săn” đất nền, tạo cơn “sốt” mạnh trước khi chính quyền can thiệp và xử lý “cò đất” thổi giá. “Cò đất” Lộc huỵch toẹt: “Chủ nền ký gửi cho “cò” giá từ 20-25 triệu đồng/m2, “cò” đẩy lên từ 25-30 triệu đồng/m2 nhưng vẫn có người mua, thậm chí mới mua lúc sáng đến trưa đã sang tay người khác lấy lời khẳm. Tuy nhiên, khoảng 4 ngày trở lại đây, giá đất giảm xuống từ 8-10 triệu đồng/m2, thấp hơn mặt bằng chung nhưng cũng không thấy ai đến giao dịch”.

Nguyên nhân giá đất chững lại, ít người giao dịch theo ông Nguyễn Hữu Quân, nhà môi giới bất động sản khu Nam Sài Gòn là: “Những người đi mua đất nền không phải để xây nhà ở mà phần lớn là để đầu tư. Đã đầu tư thì chẳng có ai dại mà đổ tiền tỷ ở những khu đất có thông tin bất lợi (địa phương chưa được lên quận như tin đồn - PV). Cơn sốt đất ở các địa phương mới đây một phần do các nhà đầu tư gom đất nền sau đó bắt tay với “cò” thổi giá để kiếm lãi khủng. Đất nền của họ và người đi giao dịch, mua bán và đẩy giá cũng là người nhà”.

Tại Bình Chánh, tình hình dự án đất nền tại các xã Bình Hưng, Phong Phú, Tân Quý Tây… cũng không còn sôi động như những ngày trước. Ghé vào quán cà phê trên con đường dẫn vào trung tâm xã Bình Hưng, bà chủ quá tên Nga cho biết, mấy hôm trước người xe nườm nượp ra vào coi đất. Ngày thường cũng như ngày nghỉ, quán cà phê này là điểm giao dịch cũng không có ghế để ngồi. “Giá đất sốt, tăng từng giờ “cò đất” kiếm vài chục triệu/ ngày là bình thường. Nhưng nay thì hết rồi”, bà Nga nói.

“Cò” đã nhát tay

Ông Liên, một “cò đất” vào nghề khá lâu tại địa phương từ chối tiếp chuyện khi biết chúng tôi có ý định tìm đất nền. “Không muốn tiếp xúc với người lạ mặt vì có thông tin cơ quan chức năng cài người vào lấy thông tin “cò đất” thổi giá. Không riêng gì tôi, nhiều người khác cũng “nhát” khi tư vấn, đưa ra giá và cung cấp thông tin liên quan cho khách”, “cò” Liên thẳng thắn.

Để xác minh lời ông Liên, chúng tôi gọi vào số máy ghi trên tấm biển môi giới nhà đất để tìm hiểu. Chủ nhân số máy này là Lê Hoàng Công, giám đốc một công ty chuyên mua bán, sang nhượng đất nền và dịch vụ giấy phép xây dựng, giấy hoàn công… Đúng như những gì “cò” Liên nói, đầu dây bên bia bấm từ chối khi chúng tôi hỏi giá đất nền tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Từ kinh nghiệm của những tay đầu cơ đất nền, chúng tôi để lại tin nhắn nhưng vẫn không được hồi âm.

Để ngăn chặn tin đồn thất thiệt khiến người dân sập bẫy “cò đất”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị cần có kênh thông tin chính thống về các dự án, hạ tầng quy hoạch, giá cả và công bố rộng rãi những chủ trương liên quan đến thủ tục, điều kiện tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng… để người dân tham khảo.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thế Thành (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, chính quyền thành phố cần siết chặt quản lý, xây dựng và ban hành cơ chế quản lý các đầu nậu đất nền cũng như “cò đất” hoạt động bát nháo như lâu nay.

Trần Anh