Thứ tư, 29/4/2009, 14h04

Giáo dục chuyên biệt ở TP.HCM: Chỉ mới bắt đầu từ tâm huyết

Không có chế độ đãi ngộ tương xứng là nguyên nhân chính khiến các trường chuyên biệt và hoà nhập trong thành phố thiếu giáo viên trầm trọng
Thiếu giáo viên chuyên nghiệp
SV Nguyễn Mạnh Hùng, năm 3 khoa tâm lý đại học dân lập Văn Hiến, là người may mắn khi mà chưa có quy chế tuyển sinh dành cho người khếm thính
Gần hai năm trở lại đây, trường Mầm non 9 – quận 11 mới hợp đồng được với một cô giáo về dạy tiết cá nhân, qua đó giáo viên sẽ dạy cho trẻ theo theo từng dạng khuyết tật những bài học phù hợp.
Bà Nguyễn Nữ Lan Hương, hiệu trưởng trường Mầm non 8, quận 3 cho biết: “Trường nhận 15 trẻ khiếm thính, chỉ có hai cô giáo có chuyên môn. Nếu không có sự kiên nhẫn, không có tâm huyết với nghề thì khó mà trụ lại được”.
Còn trường chuyên biệt Hy Vọng, quận Gò Vấp có 120 học sinh khuyết tật và 18 giáo viên phụ trách. Theo ông Huỳnh Bá Trân, hiệu trưởng trường thì trường còn thiếu tới 14 giáo viên.
Nhiều giáo viên không được đào tạo về chuyên môn, phần lớn từ các trường mầm non, tiểu học “tạt ngang” và “vì tình cảm mà làm” là tình trạng khá phổ biến của hầu hết các trường chuyên biệt, trường hoà nhập trong thành phố. Nội dung giảng dạy cũng không có những chuẩn mực sẵn. Ông Phạm Tuấn, hiệu trưởng trường chuyên biệt quận 10 cho biết, trường thiếu những tài liệu giảng dạy và học tập bằng tiếng Việt. Giáo viên sau mỗi giờ lên lớp lại ghi vào phiếu theo dõi từng em rồi soạn bài giảng phù hợp.
Để khắc phục tình trạng này, sở GD-ĐT TP.HCM đã chỉ đạo cho trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hướng nghiệp người khuyết tật, và trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu phối hợp với trường đại học Sư phạm TP.HCM mở 11 lớp bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên các trường chuyên biệt và hoà nhập. Tuy nhiên, ngoài số ít giáo viên được tham gia những lớp tập huấn này, phần đông không được đào tạo chính quy về dạy học khuyết tật.
Thiếu chế độ đãi ngộ
Năm học 2007 – 2008, TP.HCM hiện có 26 trường chuyên biệt trong đó có 17 trường công lập và 9 trường ngoài công lập. Có 554 trường hoà nhập trong đó trường mầm non là 157 và 262 trường tiểu học. Năm học 2008 – 2009, có 5.137 học sinh, tăng 1.116 em so với năm trước trong đó học hoà nhập 2.243, chuyên biệt 2.368. Số giáo viên dạy hoà nhập là 2.441 giáo viên. Trong đó bậc mầm non là 413, tiểu học là 1.096 giáo viên.
Giáo viên thêm việc, vất vả nhiều hơn nhưng không hề có thêm một chế độ nào. Mỗi lớp trong trường Mầm non 8, quận 3, mỗi ngày cô giáo phải quản lý gần 40 học trò nhưng lại luôn luôn phải để tâm đến học sinh khiếm thính đặc biệt trong lớp và soạn riêng cho học sinh “đặc biệt” này một “chế độ” dạy riêng.
Bà Nguyễn Thị Tiết Hạnh, phó phòng Giáo dục mầm non sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, đến nay vẫn chưa có một quy định nào riêng dành cho giáo viên ở các trường chuyên biệt.
Chị Võ Thị Thanh Trúc, giáo viên trường chuyên biệt Hy Vọng chia sẻ, hôm nào thấy cô mệt là các cháu xúm xít vây quanh nên không dễ dàng mà bỏ đi được. Lớp học của cô Trúc có tám em nhỏ mắc bệnh chậm phát triển, có khi hàng tháng trời mới phát âm được một từ. Những lúc ấy thấy hạnh phúc vô cùng như mình vừa làm được một việc to lớn lắm.
Cũng theo bà Tiết Hạnh, sở GD-ĐT đang kiến nghị để cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học trực tiếp dạy học sinh hoà nhập được tính giờ phụ trội, phụ cấp ưu đãi hoặc trợ cấp giảng dạy theo ba phương án: tính tiền phụ trội 3 tiết/tuần, tính bổ sung phụ cấp ưu đãi 20% hoặc, thêm 0,8 hệ số lương cơ bản. Bên cạnh đó sẽ sớm ban hành quy chế tổ chức hoạt động của các trường chuyên biệt.
bài và ảnh Đặng Trinh (Theo SGTT)