Thứ sáu, 2/1/2009, 10h01

Giáo dục đại học trong nỗ lực đào tạo theo nhu cầu xã hội

Đào tạo nghề cơ khí dưới sự giám sát của chuyên gia nước ngoài

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH thành lập Trung tâm dự báo nguồn nhân lực quốc gia với mục đích phát triển thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Trung tâm này sẽ là nơi xây dựng và vận hành hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động, việc làm để thu thập, phổ biến rộng rãi thông tin thị trường lao động, phục vụ cho yêu cầu kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho người lao động; dự báo, công bố sớm những ngành nghề mà xã hội có nhu cầu, giúp các trường, cơ sở đào tạo có định hướng trong công tác đào tạo. Cũng theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT cũng đang gấp rút thành lập Trung tâm dự báo và phân tích nhu cầu đào tạo. Trung tâm có chức năng nghiên cứu xu hướng thay đổi cơ cấu lao động. Đồng thời sẽ là đầu mối của mạng lưới nghiên cứu, phân tích, dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực về số lượng, cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo... cung cấp cho các nhà trường.
Cái bắt tay giữa doanh nghiệp và nhà trường
PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh – Trưởng Ban công tác Học sinh sinh viên, Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định: Hợp tác đào tạo, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp vừa đáp ứng đúng đòi hỏi nhu cầu của xã hội và cũng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao vị thế của trường. Đây là một trong những quan điểm chỉ đạo của Đại học Quốc gia đối với các trường thành viên.
Theo PGS.TS Dương Đức Hồng - Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường đại học Bách khoa Hà Nội: Việc gắn đào tạo với doanh nghiệp trong và ngoài nước đã được trường triển khai từ nhiều năm. Và Trường đại học Bách khoa Hà Nội với thuận lợi là một trong những trung tâm đào tạo có chất lượng hàng đầu đất nước, nên từ lâu đã có mối quan hệ hợp tác với nhiều đối tác nước ngoài, như Honda, Canon, Toyota, Panasonic. Như Panasonic mỗi năm chi khoảng 70 - 80 nghìn USD cho việc hợp tác với trường để triển khai những đề tài nghiên cứu thiết thực hoạt động của doanh nghiệp. Honda cũng có những giải thưởng trao cho sinh viên, nhằm khích lệ họ nỗ lực hơn nữa trong học tập. Những sinh viên xuất sắc này cũng là đích ngắm của Honda khi có nhu cầu tuyển dụng lao động...
Các trường đại học phía Nam cũng không chịu kém phần năng động trong việc thiết lập các mối quan hệ hợp tác, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động. Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh được xem là một trong những trường đi đầu trong việc hợp tác với doanh nghiệp. Báo cáo tại Hội nghị tổng kết năm học 2007 – 2008 khối các trường đại học, cao đẳng cho biết. Đến nay, Đại học Sư phạm kỹ thuật Tp.HCM đã tham gia bồi dưỡng kỹ sư và kỹ thuật viên cho các công ty; đào tạo được 103 giám đốc doanh nghiệp. Các công ty đã cung cấp mô hình giảng dạy cơ khí động lực, huấn luyện kỹ thuật sửa chữa, trao tặng phần mềm và chuyển giao công nghệ may và thời trang; huấn luyện cách sử dụng thiết bị mới cho các giảng viên, nhận sinh viên thực tập tốt nghiệp; cung cấp thiết bị và tài liệu học tập, báo cáo chuyên đề và hướng dẫn sinh viên tốt nghiệp. Trường Đại học Công nghiệp Tp.HCM đã phối hợp đào tạo cung ứng nhân lực cho 19 tổng công ty, 28 công ty và 7 tỉnh lân cận. Đại học Mở Tp.HCM đã phối hợp đào tạo 166 cử nhân ngành QTKD quốc tế cho Khu KT Dung Quất; 72 sinh viên ngành kế toán và xây dựng cho UBND huyện Ninh Hoà, Khánh Hoà; đào tạo được 4 khoá các ngành Quản trị kinh doanh, Công tác xã hội, Xã hội học cho các trung tâm giáo dục thường xuyên, quận uỷ thuộc Tp.HCM.
Có thể nói việc triển khai mạnh mẽ, cụ thể và đa dạng trong việc hợp tác giữa trường với doanh nghiệp thời gian qua là một dấu hiệu đáng mừng. Với việc “bắt tay” với doanh nghiệp, tình trạng đào tạo không hiệu quả, lãng phí đang dần dần được khắc phục. Nhận thức của giảng viên, cán bộ quản lý trường đại học và các doanh nghiệp đã có những thay đổi tích cực. Trong điều kiện hạ tầng cơ sở, trang thiết bị phục vụ đào tạo còn nhiều hạn chế thì “cái bắt tay” giữa nhà trường và doanh nghiệp đã đem lại lợi ích lớn. Đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng, sử dụng nền tảng cơ sở sẵn có của doanh nghiệp vừa góp phần nâng cao chất lượng đào tạo lại tiết kiệm chi phí lớn cho xã hội.
Những siêu thị việc làm
Những hội chợ việc làm, siêu thị việc làm đang xuất hiện ngày một nhiều, đây chính là chiếc cầu nối giúp cho doanh nghiệp và người lao động xích lại gần nhau hơn. Đến với các siêu thị việc làm, người lao động cũng nhận được những thông tin mới nhất về việc làm và những kỹ năng tìm việc trong giai đoạn hội nhập, các chuyên gia tư vấn nhân sự, đại diện các doanh nghiệp đã giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên về cách thức tìm việc, phỏng vấn, kỹ năng giao tiếp, ứng xử nơi làm việc... và trực tiếp tuyển dụng lao động.
Nếu những năm trước, sinh viên, cử nhân, kỹ sư tìm đến các hội chợ việc làm thường chỉ mong tìm cho có việc, doanh nghiệp đến hội chợ tuyển dụng được lao động thì cũng phàn nàn về chất lượng. Còn nay đã khác, chất lượng nguồn nhân lực đã được cải thiện đáng kể do các nhà trường và doanh nghiệp chủ động tìm đến với nhau. Giờ đây không ít sinh viên đến với các hội chợ việc làm là để “chấm doanh nghiệp, nhà tuyển dụng”.
Những dự báo nguồn nhân lực
Nói đến đào tạo theo nhu cầu xã hội, một trong những yêu cầu quan trọng là việc dự báo nền kinh tế đang cần những chuyên ngành nào, với khối lượng nguồn nhân lực là bao nhiêu. Dự báo được điều này sẽ tránh lãng phí trong đào tạo, và giải quyết được những mâu thuẫn phát sinh hiện nay đó là: Nhiều trường mở ra quá nhiều ngành đào tạo, trong khi đó lại có những ngành mà xã hội cần, hoặc trong tương lai thì lại chưa được chú trọng. Việc thành lập các trung tâm dự báo nguồn nhân lực sẽ giải quyết được hiện tượng thiếu thừa cục bộ về nguồn nhân lực, gây lãng phí không chỉ về nguồn lực nhà nước, tiền bạc của dân mà còn lãng phí thời gian và cơ hội của người học.
Các trung tâm dự báo nguồn nhân lực được hình thành chắc chắn sẽ giúp các nhà trường và nhà tuyển dụng lao động khi có nhu cầu tìm đúng đến nhau, hỗ trợ trong quá trình đào tạo sẽ phần nào làm giảm bớt những khó khăn về hạ tầng cơ sở và trang thiết bị mà không dễ gì một sớm một chiều có thể đổi thay được. Với vai trò trên, trung tâm cung ứng nguồn nhân lực sẽ là đầu mối cung cấp thông tin về nhu cầu (chất lượng và số lượng) nhân lực, nghiên cứu chuyển giao công nghệ của mình, tạo điều kiện hỗ trợ nhà trường về cơ sở thực tập, bồi dưỡng giáo viên, chia sẻ chi phí, đào tạo nhân lực tại chỗ, thử nghiệm sản phẩm nghiên cứu, phối hợp phát triển mẫu mã sản phẩm, đổi mới công nghệ. Còn về phía nhà trường, giảng viên và sinh viên sẽ là đối tượng chính để thực hiện chính sách đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp. Khi đó tự sinh viên sẽ thấy rằng mình cần phải trang bị kiến thức, năng lực chuyên môn thế nào khi ra làm việc. Còn đối với giảng viên, đây cũng là áp lực để họ nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy, sẵn sàng xâm nhập vào thực tế doanh nghiệp, để học từ thực tế, phát hiện tìm kiếm các giải pháp công nghệ cho những vấn đề mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Bạch Ngọc Dư (GD&TĐ)