Thứ hai, 8/11/2010, 14h11

Giáo dục đạo đức cho HS trong nhà trường hiện nay: Không dễ

Mọi người đang lo ngại về đạo đức của HS hiện nay. Một số cá nhân còn cho rằng nhà trường đã “xem nhẹ việc giáo dục đạo đức cho HS”!. Điều này hết sức “oan ức” cho ngành giáo dục, cho nhà trường, cho các thầy cô giáo. “Tiên học lễ, hậu học văn”. Đối với ngành giáo dục đó là tiêu chí hàng đầu. Ngôi trường nào, thầy cô nào cũng luôn dạy các em điều hay, lẽ phải, giáo dục các em thành con ngoan, trò giỏi, công dân gương mẫu. Thế nhưng, nhà trường và giáo viên đang vấp phải việc “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong giáo dục đạo đức cho các em hiện nay. Bởi lẽ, nhiều phụ huynh hiện nay chỉ chăm cho các em ăn ngon, mặc đẹp mà thiếu sự gần gũi quan tâm giáo dục các em từ những việc nhỏ như ông bà ta đã dạy: “dạy con từ thuở còn thơ”, “tre non dễ uốn”. Một số phụ huynh còn là “tấm gương xấu” mà các em phải nhìn thấy mỗi ngày. Rất dễ thấy những hành động, cử chỉ, lời nói của không ít các bậc cha mẹ trái ngược với những điều thầy cô dạy bảo.
Nhan nhản trên đường phố, hình ảnh phụ huynh chở con em sau lưng mà “vô tư” xả rác, “vô tư” vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, “vô tư” hút thuốc nơi công cộng... Mặc dù từ trường mẫu giáo đến trường trung học đều dạy các em văn minh đô thị, giữ gìn môi trường, an toàn giao thông, tác hại của thuốc lá… từ nhiều năm qua.
Có lần tôi chứng kiến, một bà mẹ đến đón con tan trường, em HS chạy đến kể lể gì đó, bà mẹ quát lớn làm mọi người phải giật mình: “Đồ ngu! Sao mày không đập vào mặt nó…” và sau đó chửi con cho đến khi đi mất hút. Một cô giáo kể, cô mời phụ huynh lên để trao đổi giáo dục một HS hay gây gổ, đánh bạn, chửi thề, nói tục. Cô vừa dứt lời, ông bố quay sang con mình: “Đ.M về nhà mày biết tao!”. Trong buổi họp phụ huynh đầu năm ở một trường THCS, giáo viên chủ nhiệm phổ biến quy định không cho HS sử dụng điện thoại di động vì trong giờ học các em thường nhắn tin, gọi điện, chơi game…, thậm chí còn đem vào nhà vệ sinh chụp hình, quay phim rồi chuyền nhau xem để chọc phá bạn. Giáo viên còn nêu rõ, trong sân trường có gắn điện thoại công cộng, văn phòng, giáo viên đều có điện thoại, khi cần thiết, phụ huynh và các em rất dễ dàng liên lạc với nhau nhưng đến nay, nhà trường đã tạm giữ khá nhiều điện thoại chờ phụ huynh đến nhận lại. Phải chăng chỉ lỗi ở các em? Nếu phụ huynh không mua điện thoại, không cho các em mang đi học thì đã góp phần cùng nhà trường quản lý giáo dục các em tốt hơn.
Gia đình là tế bào của xã hội, cha mẹ là người gần gũi nhất để dạy dỗ, hình thành nhân cách cho các em. Cả ba môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội phải đồng tâm hiệp lực mới có thể giáo dục đạo đức cho học sinh một cách toàn vẹn nhất. Vì vậy, nhà trường rất mong các bậc phụ huynh hãy cùng với các thầy cô giáo dạy dỗ các em thành những công dân có tài, có đức mà gia đình và xã hội mong muốn.
Lê Phương Trí (Q.4)