Thứ tư, 6/8/2008, 10h03

Giáo dục đạo đức công dân trong nhà trường phổ thông

Nội dung giáo dục đạo đức còn tùy thuộc vào tâm lý lứa tuổi.   Ảnh: T.T.QChúng tôi vui mừng với những tiến bộ về giáo dục đạo đức, công dân ở nhà trường phổ thông trong những năm gần đây:từ không có giáo viên, nay đã có giáo viên được trường sư phạm đào tạo; từ không có sách giáo khoa, nay đã có hệ thống sách giáo khoa từ lớp 1 đến 12; và có cả tài liệu giáo dục lễ giáo ở giáo dục mầm non.

Nội dung sách giáo khoa, tập thể tác giả đã có những nỗ lực rất lớn trong việc biên soạn, thể hiện khá đầy đủ những phẩm chất quan trọng của người công dân mới, vừa kế thừa những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc, vừa giới thiệu những chuẩn mực của con người trong thời đại hiện nay.

Giáo dục đạo đức, công dân trong nhà trường phổ thông Việt Nam vừa qua, không chỉ thông qua bộ môn mà còn thể hiện một cách tích hợp thông qua các hoạt động của nhà trường: hoạt động của giáo viên chủ nhiệm, của tập thể giáo viên dạy lớp, của giáo viên quản nhiệm, của Đoàn - Đội và các hoạt động ngoài giờ lên lớp… đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo mục tiêu đào tạo, hình thành nhân cách học sinh, chú trọng tốt hơn đến chức năng dạy người.

Tuy vậy, trong điều kiện hiện nay, khi khoa học tâm lý và giáo dục phát triển, công nghệ thông tin đã có tác động sâu sắc trong từng lĩnh vực đời sống con người, nền giáo dục nước nhà hội nhập quốc tế; đặc biệt, xã hội đang trên đường đổi mới, hệ thống giá trị được thiết lập thống nhất và bền vững trong 3 môi trường giáo dục… cần thiết chúng ta phải đặt giáo dục đạo đức, công dân thành vấn đề, có sự tập trung giải quyết một cách đồng bộ, từ việc hoàn chỉnh nội dung chương trình, sách giáo khoa, đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học đến việc hiện đại hóa hệ thống tổ chức giáo dục hiện nay.

Với quan điểm ấy chúng tôi kiến nghị:

1. Cần xác lập chuẩn mực “Con người mới phát triển toàn diện” của mục tiêu đào tạo, ở đó những phẩm chất đạo đức cơ bản phải được khẳng định làm nhân tố trung tâm trong việc xây dựng, thiết kế chương trình theo định hướng đồng tâm.

Hệ thống giá trị “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” trước đây, ngày nay là gì? Chưa thể hiện một cách có hệ thống chương trình 12 năm học.

Thực tế cuộc sống ngày nay, cho thấy xã hội đang có quá nhiều những tồn tại về trách nhiệm và về lòng nhân của con người, trong khi chương trình giáo dục đạo đức, công dân trong nhà trường chuẩn bị cho thế hệ trẻ vào đời chưa thể hiện đúng mức về các chuẩn mực nói trên.

2. Tâm sinh lý lứa tuổi học sinh là một vấn đề mang tính nguyên tắc trong việc biên soạn sách giáo khoa.

Cách cấu tạo chương trình, biên soạn sách giáo khoa cần thể hiện phù hợp và cân đối các nội dung giáo dục về đạo đức, công dân và kỹ năng sống; đồng thời kế thừa được những giá trị đạo đức có tính truyền thống của dân tộc.

Trong lịch sử biên soạn giáo trình ở nước ta, “Quốc văn giáo khoa thư” và “Những bài học luân lý” đã để lại trong lòng người của nhiều thế hệ những dấu ấn đặc biệt về đạo đức, hình thức trình bày nhẹ nhàng và sâu sắc.

3. Đổi mới phương pháp dạy học theo đúng qui luật hình thành và phát triển nhận thức, nhân cách.

Khoa học giáo dục đã chỉ rõ cho chúng ta là hoạt động có tác dụng rất mạnh mẽ trong việc hình thành nhân cách học sinh nhưng thực tế vừa qua nhà trường đã sử dụng quá nhiều phương pháp dạy học truyền thụ, áp đặt một chiều từ người dạy đến người học. Phải giáo dục đạo đức học sinh thông qua hoạt động.

4. Đổi mới cách tổ chức giáo dục, từ quan điểm nhận thức đến cách tổ chức thực hiện và đánh giá nhằm xây dựng vững hệ thống giá trị trong học sinh.

Với quan điểm dạy học cá thể ngày nay, người giáo viên phải được nhà trường sư phạm đào tạo đủ phẩm chất và năng lực để tổ chức, định hướng cho học sinh phấn đấu và đánh giá được quá trình học tập rèn luyện của học sinh. Giáo trình sư phạm vừa qua chưa thấy đề cập đúng mức đến vấn đề này và trong thực tế, giáo viên phổ thông chưa được tổ chức thực hiện công việc đánh giá này đến nơi đến chốn. Sĩ số trong lớp còn quá đông, lao động của người giáo viên còn quá nặng nề, sự đánh giá để kịp thời phát huy hoặc uốn nắn cho từng học sinh còn giới hạn.

5. Xây dựng cơ chế phối hợp 3 môi trường giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội.

Tham quan nền giáo dục các nước, ít có điều kiện để các bạn nói về phương châm kết hợp 3 môi trường, nhưng thực tế cho thấy hệ thống giá trị của họ rất đồng nhất giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Hiệu quả giáo dục đạo đức, công dân cho học sinh ở đó được nâng cao.

TS. Huỳnh Công Minh

Phó chủ tịch TW Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục Việt Nam

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM