Thứ sáu, 10/1/2014, 15h01

Giáo dục giới tính cho học sinh - Phải xem là môn khoa học

Qua các phương tiện thông tin truyền thông, những trường hợp nữ học sinh trở thành mẹ hay những cái chết thương tâm bởi bản thân vướng vào con đường tình yêu, tình dục quá sớm… không còn xa lạ. Đó là hệ quả tất yếu từ việc “xem nhẹ” chương trình giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản (GDGT-SKSS) trong trường học hiện nay.

Một buổi chia sẻ kiến thức giới tính cho học sinh tại Nhà văn hóa thanh niên TPHCM.

Trò thẹn, thầy cô... đỏ mặt

Chuông trường vừa điểm giờ ra chơi, học sinh lớp 6A đã ùa ra khỏi lớp. Duy chỉ có H. vẫn ngồi khúm núm tại bàn, đưa mắt dòm ngó xung quanh. Được một lúc H. bỏ chạy vào phòng vệ sinh nữ đóng cửa “cố thủ” không chịu ra ngoài. Cả lớp nhốn nháo đi tìm thì một học sinh nam cho biết đã thấy bạn H. chạy vào phòng vệ sinh trong tình trạng chảy máu. Cô giáo chủ nhiệm hốt hoảng vào xem tình hình mới tá hỏa: H. có kinh nguyệt mà không hay biết. Câu chuyện có thật được cô N.T.L. - một giáo viên dạy sinh học kể lại như một ví dụ điển hình về tình trạng dậy thì sớm của học sinh hiện nay.

Theo cô L., dậy thì sớm cần được nhìn nhận như một vấn đề để có phương pháp giáo dục giới tính sớm hơn. Tuy nhiên hiện nay chương trình giảng dạy GDGT-SKSS vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý. Cấp tiểu học, chương trình lớp 5 có đề cập về sự hình thành em bé nhưng khá ít ỏi. Cấp THCS, môn sinh học lớp 8 có phần giới thiệu về cơ thể người, kinh nguyệt và vệ sinh cá nhân. Đến bậc THPT, nội dung giáo dục giới tính chỉ được lồng ghép, tích hợp trong một số môn như sinh học, giáo dục công dân và một vài chương trình ngoại khóa.

Chưa hết, các thầy cô giáo trẻ chưa lập gia đình trong trường hiện vẫn có tâm lý “ngại ngùng” khi nói về giới tính, bộ phận sinh dục hay quan hệ tình cảm. Lúc giảng dạy, không đi sâu phân tích, chỉ giải thích vòng vo, khiến học sinh vừa tò mò, vừa khó hiểu. Đến khi học sinh hỏi dồn như tinh trùng là gì? Trứng là gì? Làm sao để tinh trùng gặp trứng… có cô còn đỏ mặt, loay hoay tìm cách giải thích qua loa cho xong bài.

Vì vậy, thật không quá bất ngờ khi một số trường đã đưa ra quy định “gây sốc” để quản học sinh. Như mới đây, học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TPHCM) xôn xao vì một quy định ngầm: nam nữ không được ngồi chung trong lớp, ghế đá. Khoảng cách giữa 2 người phải từ 1 - 2 gang tay. Nếu trò chuyện quá thân mật sẽ bị giám thị, giáo viên khiển trách, nặng hơn sẽ mời phụ huynh.

Trước đó, Trường tư thục Việt Thanh (quận Tân Bình) và Trường Khai Minh (quận Tân Phú) cũng quy định rất chi tiết về chuyện “cấm yêu đương” trong trường như không được tiếp xúc nơi bóng tối. Ngoài giờ học, nam nữ gặp nhau phải từ 3 người trở lên. Sau 22 giờ, tất cả học sinh nam không được lên khu vực các tầng lầu…

Giới tính hay tình dục?

Thực ra, GDGT-SKSS là việc làm cần thiết. Nếu không muốn nói là phải dạy sớm từ cấp tiểu học. Ở các nước phương Tây, giáo dục giới tính đưa vào nhà trường như một môn học bắt buộc. Học sinh được cung cấp kiến thức để có những hiểu biết cơ bản về quan hệ tình dục, tránh thai, sức khỏe sinh sản, nhu cầu và bản năng tình dục theo lứa tuổi. Còn ở nước ta, việc giảng dạy vẫn theo nguyên tắc lồng ghép với các môn khác.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm chăm sóc SKSS TPHCM cho rằng, nếu chỉ lồng ghép vào các môn học như hiện nay, GDGT-SKSS khó mang lại hiệu quả. Giáo viên và phụ huynh phải nhanh chóng thay đổi nhận thức: giáo dục giới tính chứ không phải giáo dục tình dục. Giáo dục giới tính là một môn khoa học có đầy đủ kiến thức về cơ thể học, tâm lý học, kỹ năng tự bảo vệ… Nếu cứ nghĩ kiến thức giới tính chỉ là tình dục nam nữ, xem việc trang bị kiến thức đó như “vẽ đường cho hưu chạy” là ý nghĩ sai lầm.

Cũng theo BS Thông, lứa tuổi vị thành niên nói chung và học sinh phổ thông nói riêng có sức đòi hỏi về kiến thức giới tính rất mạnh (do cơ thể sản sinh nội tiết tố). Nếu lên trường thầy cô né tránh, về đến nhà gia đình cũng ngại chia sẻ, thì học sinh sẽ lựa chọn phim ảnh, internet như là phương tiện giải đáp tò mò. Trên thực tế, không ít em đã có những hành động để lại hậu quả đáng tiếc. Một kết quả nghiên cứu gần đây của nhóm bác sĩ Trường Đại học Y Dược TPHCM tại 3 cơ sở y tế phụ sản công lập trên địa bàn TP, cho thấy trong số 60.352 phụ nữ phá thai, có đến 3.471 trẻ vị thành niên. Chưa kể các trường hợp nạo, phá thai ở phòng khám tư nhân không thống kê được.

Các chuyên tâm lý khẳng định, đã đến lúc xem GDGT-SKSS như một phần bắt buộc trong chương trình sư phạm. Ngoài giáo trình chuẩn, khoa học, người đứng lớp phải là các chuyên gia có kinh nghiệm. Khi học sinh thắc mắc, thầy cô không được né tránh, phải giải thích cụ thể rõ ràng. Đặc biệt, giáo dục giới tính phải kết hợp giữa nhà trường và gia đình mới mong mang lại hiệu quả cao nhất.

TƯỜNG HÂN (SGGP)