Thứ năm, 2/4/2009, 15h04

Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật: Những khoảng trống không dễ lấp đầy

Mấy ngày nay, việc một học sinh (HS) khuyết tật ở Trường THCS Xuân La, quận Tây Hồ bị bạn bè trêu chọc đã khiến nhiều người bàn luận với những suy nghĩ, quan điểm khác nhau. Dù mọi chuyện đã được giải quyết ổn thỏa, song sự việc đặt ra không ít vấn đề trong việc giáo dục hòa nhập cho HS khuyết tật ở các trường học.
Học sinh khuyết tật: Được tạo mọi điều kiện đi học
Theo báo cáo của Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ, Hoàng Văn Sơn em P.M.V, Trường THCS Xuân La là HS khuyết tật (HSKT), chậm phát triển trí tuệ, rất hiếu động. Người giám hộ của em là bác ruột làm thủ quỹ ở trường, bởi vậy trong suốt quá trình V. theo học tại trường (từ tháng 9-2007 đến tháng 12-2008), mọi thông tin về học tập và rèn luyện của V. đều được giáo viên (GV) chủ nhiệm và Ban Giám hiệu (BGH) trực tiếp trao đổi với bác ruột của V. Từ tháng 1-2009, bác ruột của V. chuyển công tác.
Trở lại với việc các bạn trong lớp trêu chọc và có hành vi chòng ghẹo đi quá giới hạn cho phép đối với V., BGH nhà trường cho biết, đã phân tích làm rõ mức độ sai phạm của các bạn trong lớp, đại diện phụ huynh đã tự hòa giải, gia đình HS V. đứng ra xin cho các em tiếp tục học tập nên nhà trường đã phê bình những HS vi phạm trước toàn trường và gần đây nhất là cảnh cáo, ghi học bạ cuối năm.
 Tại cuộc họp ngày 29-3 của đại diện Công an quận, Công an phường, Trưởng ban phụ huynh HS Trường THCS Xuân La, BGH, GV, phụ huynh em V. và những HS có liên quan, mẹ HS V. bày tỏ sự biết ơn nhà trường đã tạo điều kiện để V. được học hòa nhập, đồng thời mong muốn báo chí dừng lại việc đưa tin, bài. Do bác của em không còn làm việc ở trường nên gia đình lo lắng V. sẽ không được quan tâm như trước. Thông cảm với nỗi lo lắng ấy, lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận và BGH khẳng định, nhà trường sẽ quan tâm, tạo mọi điều kiện để V. tiếp tục theo học. Phòng GD-ĐT yêu cầu BGH, GV chủ nhiệm lớp có cách giáo dục khoa học và hiệu quả hơn trong việc hỗ trợ HSKT học hòa nhập. Còn theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, bất kể là nguyên nhân gì, đây cũng bài học mà các nhà trường phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, nhất là khi toàn ngành đang triển khai phong trào xây dựng "Trường học thân thiện, HS tích cực". Theo đó, mỗi nhà trường không chỉ có điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ mà còn phải là một môi trường nhân ái, an toàn, một mái ấm cho mọi HS.
Giáo viên: Còn thiếu nhiều điều kiện để dạy tốt
Những năm gần đây, xu hướng giáo dục hòa nhập với HSKT ngày càng được nhân rộng, góp phần đem lại niềm vui tới trường cho khoảng 300 nghìn em trong số hơn 1 triệu HSKT trong độ tuổi hiện nay. Tại Hà Nội, học kỳ I vừa qua, đã có 63% trẻ mầm non và 72,2% HS tiểu học khuyết tật được vận động ra lớp học chuyên biệt hoặc hòa nhập. Tuy vậy, nỗi băn khoăn chung của các nhà trường vẫn là làm thế nào để biết đó là HSKT, bởi không ít ông bố, bà mẹ cũng không biết, hoặc cố tình giấu việc con mình bị KT. Rồi còn phân biệt dạng KT (vận động, trí tuệ…), mức độ KT ở mức nào, có thể ra lớp được không? Kiểm tra, đánh giá HSKT như thế nào? Giáo dục HS bình thường thế nào để giúp HSKT sớm hòa nhập… Sự việc ở Trường THCS Xuân La chứng tỏ những băn khoăn ấy là có cơ sở.  Thực tế, HS lứa tuổi THCS rất hiếu động, có khi ít chịu sự áp đặt của người lớn, việc giảng dạy, giữ gìn ổn định trong một lớp học 40-45 HS với GV đã là vất vả, nên việc ứng xử trước mọi tình huống như trên khó có thể vẹn toàn, thậm chí có người lúng túng bởi không phải ai cũng được học hay bồi dưỡng, tập huấn về giáo dục HSKT.
Hòa nhập không có nghĩa là "xếp chỗ" cho trẻ KT trong trường lớp phổ thông mà đòi hỏi sự hỗ trợ cần thiết, thể hiện ở việc điều chỉnh chương trình, các đồ dùng dạy học, dụng cụ hỗ trợ đặc biệt, các kỹ năng giảng dạy đặc thù, để giúp HS phát triển hết khả năng của mình. Song trên thực tế, các nhà trường đều chưa có đồ dùng chuyên biệt cho từng nhóm KT, thiếu tài liệu hướng dẫn giáo dục hòa nhập. Hầu hết GV chỉ được qua các lớp tập huấn ngắn hạn hoặc tự học, mối liên hệ hợp tác giữa các cơ sở giáo dục HSKT chưa đồng bộ, hạn chế trong việc học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Theo TS Lê Văn Tạc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục chuyên biệt (Viện Chiến lược và chương trình giáo dục), cả nước hiện còn hơn 800 nghìn trẻ KT chưa được đến trường. Trong khi ấy, việc thực hiện hòa nhập cũng đang gặp không ít khó khăn bởi mới chỉ có khoảng 1.500 GV được đào tạo chính quy và tại chức về giáo dục HSKT ở trình độ ĐH, CĐ. Thêm nữa, năng lực đào tạo GV dạy HSKT của các trường sư phạm còn rất thấp - cả nước mới có 7 cơ sở đào tạo có khoa, tổ giáo dục đặc biệt.
Hiệu phó Trường Tiểu học Bình Minh, Hà Nội Ngô Thúy Lan - người có nhiều kinh nghiệm trong việc giáo dục trẻ thiểu năng trí tuệ chia sẻ: Dù có hơn chục năm triển khai việc giáo dục hòa nhập, song GV nhà trường vẫn phải tự mày mò là chính, từ xây dựng chương trình, giáo án, hình thức giảng dạy, đồ dùng, đồ chơi… Với mỗi HSKT, không thể áp dụng cùng một nội dung, phương pháp nào nên GV phải linh hoạt điều chỉnh, bổ sung theo từng giai đoạn phát triển của HS, từng năm học... Các thầy cô làm những việc ấy đều chỉ xuất phát từ cái tâm của người thầy với trẻ thiệt thòi.
Giáo dục trẻ KT rất cần được lấp đầy những khoảng trống hiện nay để có được sự quan tâm, đầu tư thiết thực, giúp những đứa trẻ thiệt thòi sớm có được cuộc sống hòa nhập thực sự…
Hồng Hạnh (Dan tri)