Thứ ba, 19/9/2017, 11h14

Giáo dục Khai phóng – con đường tiệm cận với bệ phóng Công nghiệp 4.0

“Từ ngày đầu thành lập, chúng tôi luôn mong muốn là trường đại học Tân Tạo sẽ trở thành một trường đại học Harvard của Việt Nam. Tôi tin rằng đến một ngày nào đó thì trường đại học Tân Tạo sẽ thực hiện được sứ mệnh đó.” – Giọng nói đầy khẳng khái của Bà Đặng Thị Hoàng Yến – Chủ tịch Trường ĐH Tân Tạo, Long An trong buổi họp mặt với quý phụ huynh và học sinh, sinh viên Đại học Tân Tạo năm học 2017-2018 không khỏi khiến nhiều phụ huynh lặng người.

Vững vàng quan điểm dạy học toàn diện với Liberal Arts

Theo Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến, dựa theo rất nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học đã đi đến kết luận rằng mô hình giáo dục Khai phóng xuất phát từ Hy Lạp, và được đưa ra bởi nhà triết gia Socrates vào trước công nguyên. Ở châu Á thì học thuyết của Khổng Tử cũng mang mầm mống của nền giáo dục khai phóng. Theo đó, ông đề cao về chủ nghĩa anh hùng cá nhân và đạo đức, trách nhiệm đối với quốc gia. Nền giáo dục Khai phóng được đưa vào nước Mỹ lần đầu tiên qua sự thành lập của Trường Đại học Harvard. Nhiều năm sau đó, mô hình giáo dục khai phóng – Liberal Arts đã dần khẳng định được vị trí của nó.

Năm 1862, tổng thống Lincoln đã ký sắc luật áp dụng cho toàn nước Mỹ là tất cả các trường đại học công lập tại Mỹ phải thực hiện giảng dạy theo mô hình giáo dục khai phóng. Từ đó, mô hình giáo dục này đã chính thức trở thành nền giáo dục của Hoa Kỳ.

Từ khi thành lập Trường ĐH Tân Tạo, chưa bao giờ bà và các cộng sự đi chệch ra khỏi triết lý dạy học toàn diện này. Bà cho rằng, đào tạo một sinh viên không chỉ hết vài năm sư phạm là hết trách nhiệm, mà Ban giảng huấn TTU đang mang trên vai trọng trách uốn nắn nên một công dân trẻ vừa hiểu biết, thông tuệ, vừa có tư cách đạo đức và đáp ứng tốt trước những thay đổi vũ bão của thời cuộc. Đó phải là một công dân toàn cầu!

“Chúng tôi muốn chỉn chu xây dựng triết lý giáo dục này, thấm đẫm trong từng chi tiết nhỏ tại TTU. Từ cơ sở vật chất của TTU, tòa nhà Gillis Hall, Levy Hall nguy nga, tráng lệ, toát lên sự sang trọng, hàn lâm. Các phòng học đều hiện đại, rộng rãi. Một không gian hoàn hảo khiến người ta hứng thú và mong muốn được học tập, nghiên cứu. Tiếp theo là giảng viên và nhân viên. Mọi người đều hòa nhã, vui vẻ, nhiệt tình và đầy tâm huyết. Giáo trình giảng dạy được biên soạn bởi các ĐH nổi tiếng của Mỹ, thu hút nhiều sinh viên. Mọi thứ mở ra cho cả giảng viên lẫn sinh viên một quan điểm mới về giáo dục và một chân trời mới để khám phá.”

Kỹ thuật khô khan vẫn “trị” bằng Khai phóng

Qua hàng thế kỷ, triết lý giáo dục khai phóng vẫn đứng vững và phát huy lợi thế của mình hơn nữa trong bối cảnh nền kinh tế, khoa học thế giới đang vươn mình đón làn gió mới của nền tảng Công nghệ 4.0. Vì sao nói khi công nghệ thông tin càng ngày càng phát triển thì vai trò của nền giáo dục khai phóng càng phát huy tác dụng và trở thành nền giáo dục hùng mạnh?

Một ví dụ cụ thể nhất với Khoa Kỹ thuật của TTU, một chuyên ngành nghe qua có vẻ khô cứng. Theo đó, Khoa này đang giảng dạy 2 ngành là Điện - điện tử và Khoa học máy tính. Đây là nền tảng cơ bản của Cách mạng công nghiệp 4.0, dựa trên việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc kết nối để truyền dữ liệu, và áp dụng trí tuệ nhân tạo để xử lí thông tin, giúp con người hoạt động một cách thông minh hơn, hiệu quả hơn.

“Tuy nhiên, các bạn sinh viên có lẽ ít biết đặt câu hỏi, vì sao mình phải giải thật giỏi một phương trình vi phân, tích phân. Nhiều sinh viên ngoài việc không quan tâm đến văn hóa, xã hội, kiến thức chính trị, kiến thức sống, kỹ năng sống thì còn không biết đặt vấn đề. Điều này lâu dần làm thui chột đi khả năng biện luận của một người có tri thức khoẻ mạnh. Và trực tiếp nhất, Liberal Arts sẽ giải quyết chuyện này, giúp các bạn rèn dũa tư duy, vạch ra con đường đi của mình, hiểu rõ vì sao tôi làm điều này.

Sinh viên sẽ không tư duy như những người thợ gia công nữa, mà tư duy theo cách của kỹ sư, của các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo.” – Bà Hoàng Yến nhấn mạnh.

Gần đây, nhiều công ty nước ngoài đã tìm đến TTU để ký hợp đồng cung ứng nguồn nhân lực như Tập đoàn Unilever, LG, Pepsi, Wall Street English Center, Odyssey Resources Vietnam… Sau khi các công ty này tuyển dụng một số sinh viên Tân Tạo, thì họ đã tiếp tục đề nghị và ký kết hợp đồng dài hạn để “thâu tóm” nguồn cung nhân lực cao này từ trường.

“Như vậy, chúng tôi đang đi đúng hướng, phụ huynh và các em học sinh hãy yên tâm!” – Bà Hoàng Yến khẳng định lần nữa, trong buổi toạ đàm với quý phụ huynh, giảng viên và sinh viên đầu năm nay.

T.D.V