Thứ tư, 4/1/2012, 15h01

Giáo dục kỷ luật tích cực đối với học sinh

Giáo dục kỷ luật tích cực không hề mang tính bạo lực mà thể hiện sự tôn trọng trẻ nên trẻ sẽ tiếp thu hiệu quả hơn

Đầu năm học 2011-2012, Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh đã tổ chức chuyên đề “Giáo dục kỷ luật tích cực” nhằm giúp giáo viên (GV) ở từng bậc học nắm bắt các phương pháp giáo dục học sinh (HS) tích cực nhất.
Đây là chuyên đề mà hầu hết GV rất tâm đắc bởi qua chuyên đề này họ có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc giáo dục HS theo đúng phương pháp sư phạm. Thầy Trần Văn Xuyên - chuyên viên Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh - người tạo ra chuyên đề này cho biết:
- Hiện nay, đa số thầy cô rất yêu nghề và mến trẻ. Khi còn là sinh viên, họ đã được trang bị đầy đủ kiến thức, từ kiến thức giáo dục đến chuẩn mực hành vi và tác phong sư phạm nhẹ nhàng, hiệu quả. Tuy nhiên, cũng còn không ít GV do nôn nóng về chất lượng và hiệu quả cần đạt nên đã bộc lộ một số các biện pháp bất cập trong cách giáo dục dẫn đến hình ảnh của người thầy bị méo mó trong cái nhìn của xã hội. Bên cạnh đó, một số GV tận tụy với nghề nhưng vẫn cho rằng việc trừng phạt thân thể (TPTT) HS là cần thiết, một số khác ủng hộ không TPTT trẻ nhưng lại chưa biết cách sử dụng các phương pháp giáo dục khác tích cực hơn. Từ những trăn trở này, tôi bắt đầu tạo lập chuyên đề để cùng các đồng nghiệp ở Phòng GD-ĐT tập huấn cho GV từng đơn vị.
PV: Theo thầy, biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực khác với giáo dục trừng phạt như thế nào?
-Giáo dục kỷ luật bằng những biện pháp tích cực không phải là việc đơn giản, dễ thực hiện. Để có thể chấm dứt việc sử dụng TPTT trong các lớp học, GV không chỉ cần đến các quy định của pháp luật mà cần có lòng kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ và yêu thương thật lòng HS. TPTT có hai cách: Một là trừng phạt tinh thần như la mắng, nhiếc móc, hạ nhục, bỏ rơi, chửi rủa... làm cho các em HS xấu hổ. Hai là TPTT bao gồm tát, đánh, véo, giật tóc, nhốt, cách ly, quỳ úp mặt vào tường... Cả hai cách thức trừng phạt này đều ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của HS, làm trẻ cảm thấy mất danh dự, mất tự tin… và để lại những vết sẹo trong tâm hồn của HS. Từ đó, trẻ cảm thấy không thích đến lớp học và muốn chống đối lại bằng cách giảm ý thức kỷ luật. Còn giáo dục kỷ luật tích cực là động viên, khuyến khích, hỗ trợ, nuôi dưỡng lòng ham học dẫn đến ý thức kỷ luật một cách tự giác, nâng cao năng lực và lòng tin của HS vào GV. Giáo dục kỷ luật tích cực không hề mang tính bạo lực mà thể hiện sự tôn trọng trẻ nên trẻ sẽ tiếp thu hiệu quả hơn. Nói như vậy, giáo dục kỷ luật tích cực không phải là sự buông thả để HS muốn làm gì thì làm mà là việc dạy và rèn luyện cho các em tính tự giác tuân theo các quy định và quy tắc đạo đức ở thời điểm trước mắt cũng như lâu dài. Chính từ phân tích này, GV thấy được chỉ có giải thích, chỉ rõ những lỗi lầm mà trẻ mắc phải để trẻ biết cách sửa chữa thì mới giúp trẻ không phạm lỗi và giáo dục ổn định kỷ luật lớp học một cách lâu dài.
Thầy có thể giải thích rõ hơn về cách giáo dục này? Chẳng hạn, đối với bậc tiểu học, GV cần làm gì để tìm ra các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực trong giảng dạy?
- Trước hết GV cần nhận thức rằng, biện pháp TPTT trẻ em cần được chấm dứt và thay thế bằng các biện pháp khác có hiệu quả hơn bởi TPTT trẻ em là một sự xúc phạm tội lỗi, là vi phạm pháp luật, vi phạm Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em. Hơn thế nữa, TPTT trẻ em chỉ có tính nhất thời và tác dụng trước mắt nhưng sau đó trẻ lại tiếp tục vi phạm ngay. Tại sao vậy? Vì trẻ chưa biết được cái gì đúng, cái gì sai mà các em chỉ không mắc lỗi khi có những hình thức kỷ luật hay người lớn ở bên cạnh.
Chính vì những lý do này mà GV cần hướng đến việc giáo dục kỷ luật một cách tích cực. Để làm được điều này, GV cần thực hiện những điều sau: Suy nghĩ sâu sắc về nghề dạy học: Yêu nghề, mến trẻ, cái tâm phải bao trùm khắp tâm hồn. Hiểu và nắm bắt tâm lý của trẻ ở mọi lứa tuổi trong bậc tiểu học và bản thân phải tìm được niềm vui trong công việc. Đồng thời, GV phải tự đặt mình ngang hàng với trẻ để cùng chơi, cùng học, cùng hiểu để tìm cách giáo dục trẻ thấu tình đạt lý. Ngoài ra, việc trao đổi, chia sẻ, học tập cùng đồng nghiệp để tìm cách thay thế TPTT trẻ nhằm thực hiện giáo dục tích cực.
Xin cảm ơn thầy!
Bài, ảnh: Dương Bình
7 nguyên tắc cơ bản trong chuyên đề “Giáo dục kỷ luật tích cực”: Phát huy hết mức sự tham gia tích cực của trẻ; Tôn trọng những nhu cầu về sự phát triển và chất lượng cuộc sống của trẻ; Phát triển thái độ, cách xử sự hướng ngoại thân thiện, cởi mở, ý thức kỷ luật tự giác và nghị lực của trẻ; Tôn trọng động cơ và những quan điểm riêng về cuộc sống của trẻ; Đảm bảo sự công bằng, không thiên vị; Khuyến khích tình đoàn kết, thống nhất.