Thứ hai, 3/10/2011, 15h10

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh: Đang bị “thương mại hóa”

Hiện nay, Viện Khoa học giáo dục đã xuất bản được bộ tài liệu giáo dục kỹ năng sống cho giáo viên. Tuy nhiên, để đi vào thực hiện còn rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, tình trạng “thương mại hóa” trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đang phổ biến và có chiều hướng gia tăng. Điều này gây cản ngại và nhiều bất lợi cho ngành giáo dục…

Theo bà Lê Minh Châu, chuyên gia phát triển thanh thiếu niên UNICEF Việt Nam thì: Đưa giáo dục kỹ năng sống (GDKNS) vào chương trình học chính khóa là hết sức quan trọng. Bởi có rất nhiều lý do. Thứ nhất học sinh (HS) cần được rèn luyện song song kiến thức và kỹ năng. Nếu chỉ có kiến thức thì HS chỉ biết lý thuyết, không sâu về thực hành và khi tiếp xúc với tình huống thực tế thì HS khó có thể có được cách ứng xử phù hợp. Thứ hai, đưa vào chính khóa thì KNS đến được với tất cả HS, không phải học thêm. Theo tôi, KNS phải được học hòa quyện với tất cả các nội dung của các môn học khác, giống như trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày.
PV: Vậy theo bà, cái khó khăn trong việc đưa KNS vào chương trình chính khóa hiện nay là ở chỗ nào?
Hiện nay vẫn còn nhiều nhận định, cách hiểu về KNS. Có nhiều quan niệm cho rằng KNS là học ngoại khóa, chương trình không còn chỗ để đưa KNS vào. Nhưng thực ra, KNS lồng vào phương pháp giảng dạy của giáo viên. HS học được KNS thông qua phương pháp giáo viên giảng dạy bài.
Khó khăn nữa là một số giáo viên chưa được tập huấn, chưa quen lắm với việc vận dụng phương pháp dạy học tích cực để giúp cho học sinh rèn luyện kỹ năng sống qua quá trình dạy. Chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam đã ổn định, bài giảng KNS được biên soạn bổ sung, hướng dẫn cho địa phương thông qua tập huấn. Tuy nhiên, nhiều giáo viên chưa được tiếp cận và việc áp dụng chưa đồng bộ. Việc phối hợp giữa các đơn vị cũng chưa đồng bộ. Tình trạng “thương mại hóa” giáo dục KNS đang diễn ra ở một số nơi hiện nay. Đó là phát triển của các trung tâm, cơ sở tư nhân để đáp ứng nhu cầu của các trường, phụ huynh HS. Đây là điều mà ngành giáo dục phải can thiệp để có cách hiểu khác về KNS. KNS không phải là cái “nhập khẩu” từ bên ngoài, mà nó là cái từ bên trong. Nó không phải cái có được khi đọc một cuốn sách…
Theo bà, KNS khi được “thương mại hóa” thì hậu quả nó sẽ như thế nào?
Tôi cho là việc nhà trường tổ chức dạy KNS kết hợp với các trung tâm bên ngoài cũng là để giải quyết nhu cầu trước mắt. Tuy nhiên, nếu làm như thế có thể mọi người sẽ nghĩ rằng HS chỉ học KNS qua ngoại khóa mà thôi, còn trong chương trình không có. Thật ra, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo học KNS qua môn học. Việc này tôi biết là bộ cũng đang tiếp tục chỉ đạo thêm. Tôi được biết một số đơn vị làm nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ này cũng hết sức quan tâm nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, tôi nghĩ việc giáo dục KNS cần được kết hợp đồng bộ hơn.
Vì sao, bà lại có quan điểm giáo dục KNS bị “thương mại hóa” hiện nay là do giáo viên và nhà trường chưa tin tưởng vào chương trình học?
Theo tiếp cận trực tiếp của tôi với một số giáo viên và nhà trường thì mọi người cũng băn khoăn là chương trình hiện nay nặng về kiến thức. Giáo viên phải chạy đua với thời gian để có thể dạy hết khối lượng kiến thức được giao mỗi bài. Chính vì vậy, họ băn khoăn là HS chưa có đủ KNS. Rồi một số băn khoăn của phụ huynh cũng đề nghị nhà trường tổ chức dạy KNS cho HS. Họ cũng sẵn sàng nếu nhà trường tổ chức dạy ngoại khóa. Nhưng tôi cho rằng dạy ngoại khóa mới chỉ là một con đường. Bởi giáo dục KNS có thể đưa bằng nhiều con đường. Nhưng tôi nghĩ con đường quan trọng và khó hơn rất nhiều là đưa vào trong môn học. Như vậy đồng loạt và HS không phải học thêm buổi nào.
Bạo lực học đường xảy ra hiện nay có phải do cả giáo viên và HS đang thiếu KNS?
Tôi nghĩ đó là một phần. KNS cụ thể liên quan đến vấn đề này là kỹ năng biết kiềm chế cảm xúc, bày tỏ sự cảm thông, kỹ năng đoàn kết, giúp đỡ. Bạo lực xảy ra có thể các em không biết kiềm chế căng thẳng của chính bản thân mình, kiềm chế cơn giận... Tất cả điều này là KNS.
Theo bà, giai đoạn tới, Việt Nam cần giải pháp gì?
Theo tôi, giải pháp cần nhất Bộ GD-ĐT có thể xem xét đưa giáo dục KNS vào ngay trong giai đoạn xây dựng chương trình để KNS được lồng ghép, kết nối ngay từ đầu thì nó bài bản, hệ thống.
Xin cảm ơn bà!
Nghiêm Huê