Thứ năm, 22/6/2017, 22h47

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Trong ba nhiệm vụ quan trọng của giáo dục học sinh, ngoài việc giáo dục kiến thức và đạo đức, thì nhiệm vụ giáo dục kỹ năng sống cũng hết sức cần thiết.

Học sinh tìm hiểu quy trình trồng rau sạch (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh

Học sinh chỉ thạo về “công nghệ số hóa”

Khảo sát thực tế với đối tượng học sinh THPT, chúng tôi nhận thấy hầu hết các em đều cho rằng mình hiểu biết và sử dụng thành thạo với những gì thuộc về “công nghệ số hóa”. Nhiều giáo viên đến lớp, lúng túng với các thiết bị dạy học điện tử hiện đại thì chỉ cần nhờ học sinh trong lớp là có thể được trợ giúp.

Thế nhưng, với yêu cầu về nhiệm vụ học tập để có sự hòa nhập cuộc sống hiện nay, như mục đích mà UNESCO đã đề xướng: “Học để chung sống”, thì bấy nhiêu kỹ năng là chưa đủ. Chúng ta còn nhớ đến câu chuyện về căn bệnh gọi là “đần số hóa” của một đất nước mà số người sử dụng phương tiện cầm tay dẫn đầu thế giới Hàn Quốc, vì lệ thuộc quá nhiều vào phương tiện này nên giới trẻ có xu hướng mất đi khả năng tư duy của bộ não, dẫn đến hệ lụy là không thể nhớ nổi một số điện thoại của người thân! Quan điểm của các nhà tuyển dụng nhân lực cũng cho rằng kiến thức ở trường ĐH chỉ chiếm 30%, phần còn lại là kỹ năng bản thân trong việc xử lý công việc. Xem ra kỹ năng sống (kỹ năng ứng xử mềm) là vô cùng quan trọng. Thảm cảnh của học sinh ngày nay, nói theo ngôn ngữ của chính các em, chỉ là “anh hùng trên bàn phím!”.

Cái gì cũng vụng về...

Một đồng nghiệp của chúng tôi tâm sự: “Học sinh ngày nay “non” quá. Cái gì cũng không biết, cái gì cũng ỷ lại. Hôm rồi đi đường thấy mà buồn cười, một nam sinh lớp 11, khi xe đạp bị trật dây xích mà không tự gắn vào được. Thời như tuổi các em, nếu xe bể vỏ tôi còn có thể tự vá. Đồng ý là xã hội thay đổi. Nhưng khi hỏi thử kể tên các bộ phận trong xe, nhiều em sẽ ngọng nghịu”. Câu chuyện đồng nghiệp kể làm tôi chột dạ: Nếu thế hệ trước mà cha ông ta cứ bàng quan như thế thì chỉ có... nhập xe đạp để mà đi. Thì làm sao có những “kỹ sư vườn” tự mày mò tạo ra máy móc phục vụ nông nghiệp. Và ngay cả ngày nay nữa, nếu học sinh nào cũng kiểu như chỉ biết xe đạp là để đi thôi thì rồi sẽ có bao nhiêu nhà khoa học trẻ cho tương lai đất nước, khi tố chất của nhà sáng tạo là phải cần mẫn, tò mò...

Chỉ biết kiến thức là hiểu biết đóng. Vận dụng kiến thức là hiểu biết mở. Và vận dụng linh hoạt nó cho cuộc sống là kỹ năng ứng xử mềm. Học sinh học hóa không phải chỉ để biết các công thức, các phản ứng trên sách vở lý thuyết mà phải biết ứng dụng nó cho cuộc sống. Học sinh của ta rất hạn chế phần này. Một giáo viên dạy hóa kể: “Hôm trước dạy đến phần phản ứng thủy phân tinh bột, khi đã cho phương trình phản ứng quá rõ ràng rằng tinh bột khi kết hợp với nước (trong điều kiện nhiệt độ, axít) sẽ cho ra glucozơ. Sau bài học đó tôi hỏi lớp: “Những người bị bệnh tiểu đường nên hạn chế ăn thức ăn gì gần gũi nhất hằng ngày?”. Thế mà chẳng em nào trả lời được. Các em không nghĩ ra rằng gạo đem nấu thành cơm sẽ cho ra một lượng glucozơ nhất định, mà chất này chính là đường”.

Chúng tôi có thể kể ra ở đây (không có ý mỉa mai) hàng vạn câu chuyện liên quan đến kỹ năng mềm trong ứng xử cuộc sống của học sinh: quét lớp thì như mèo mửa; giao tiếp với bạn bè và thầy cô thì chẳng có chút tâm lý, nghệ thuật gì; mỗi lần sinh hoạt cắm trại thì mọi cái đều vụng về, buộc dây cọc trại mà như trói gà không chặt; về nhà thì chẳng bao giờ biết đến cái chổi, không hề biết giặt quần áo là gì, rửa chén bát thì đến ba lần bảy lượt vẫn không sạch...

Trách nhiệm của nhà trường

Vai trò của gia đình thì đã quá rõ. Ở đây chúng ta cần thấy trách nhiệm của nhà trường. Hiện trạng trên chính là hệ quả của một quá trình giáo dục lý thuyết nhiều hơn thực hành, sách vở giáo khoa trường học nhiều hơn thực tế cuộc sống, áp lực từ việc học hành thi cử. Hệ lụy của nó là con em chúng ta suốt ngày vùi đầu vào sách vở, nghẹt thở với các kỳ thi. Giữa sách vở và cuộc đời cách nhau quá rộng. Những bài học nhà trường thiếu hơi thở của cuộc sống. Mới đây ngành giáo dục ở TP.HCM có dự án giáo dục tài chính cho học sinh THPT. Trong đó có giáo dục học sinh cách quản lý, chi tiêu, tiết kiệm tiền bạc hiệu quả. Chưa biết kết quả như thế nào. Nhưng dự án này làm tôi nhớ đến câu chuyện giáo dục mà một người chị ở Úc kể cách đây trên 10 năm. Ở đó, để giáo dục cho học sinh về giá trị đồng tiền, cách chi tiền hợp lý, giáo viên đã trực tiếp dẫn học sinh ra chợ để mua vật phẩm. Lượng tiền đã được định khoản trước như nhau cho các nhóm. Nhóm thắng là nhóm mua được nhiều thứ nhất, có giá trị nhiều nhất...

Vì thế, nhà trường phải chú trọng nhiều hơn đến giáo dục kỹ năng sống cho học sinh từ những bài học thực tế. Chúng ta cũng hãy làm một phép so sánh: để giáo dục lòng dũng cảm cho học sinh, nhà trường của ta cho học những bài học đạo đức. Trong lúc đó, các nước có nền giáo dục tiên tiến thì cho học sinh tham gia các trò chơi vận động, các môn thể thao mạo hiểm...

Trần Ngọc Tuấn
(Giáo viên Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)