Thứ sáu, 20/1/2012, 21h01

Giáo dục là niềm tự hào của nhân dân Củ Chi

Trẻ mầm non chăm sóc vườn hoa, cây cảnh tại vườn trường

Trong không khí hân hoan đón chào xuân Nhâm Thìn 2012, Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với bà Cao Thị Gái, Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi xoay quanh những thành quả đáng khích lệ mà huyện nhà đã đạt được về giáo dục - văn hóa - xã hội sau một năm lao động miệt mài.
PV: Bà có thể cho biết những mặt mà Đảng bộ và nhân dân huyện Củ Chi đã gặt hái được trong năm 2011?
Bà Cao Thị Gái: Trong năm qua, các mặt giáo dục - văn hóa - xã hội tiếp tục được huyện duy trì ổn định và phát triển. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư đúng mức. Nhiều trạm y tế, trường học khang trang, hiện đại ra đời. Huyện có 2 trường mầm non (MN), 1 trường tiểu học (TH), 3 trường trung học cơ sở (THCS) và 1 trường trung học phổ thông (THPT) xây mới hoàn toàn được đưa vào sử dụng đúng dịp khai giảng năm học 2011-2012, tạo điều kiện cho thầy dạy tốt, trò học tốt. Bộ mặt của huyện ngày càng có những thay đổi rõ rệt: nhà cửa, đường sá, trường trạm đẹp đẽ, khang trang hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Quy trình xây dựng hai xã nông thôn mới về cơ bản đạt được các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Chất lượng giáo dục không ngừng nâng cao, dần thu hẹp khoảng cách so với các quận nội thành.
Theo bà, vấn đề gì cần phải khắc phục để tạo động lực giúp Củ Chi phát triển hơn nữa trong năm 2012?
Số học sinh (HS) yếu kém, bỏ học có giảm nhưng vẫn còn cao làm ảnh hưởng đến hiệu suất đào tạo cũng như công tác phổ cập giáo dục.
Sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy, UBND và các ban ngành, đoàn thể sẽ là “hậu phương vững chắc” giúp ngành GD-ĐT Củ Chi vững bước. Vậy tính đến nay, công tác giáo dục của huyện đã phát triển đến đâu, thưa bà?
Công tác “trồng người” luôn nhận được sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện, các ban ngành, đoàn thể từ huyện đến xã và nhân dân địa phương. Song song với việc làm tốt công tác tham mưu đẩy nhanh tiến độ quá trình xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao mặt bằng dân trí, ngành GD-ĐT Củ Chi đã không ngừng nỗ lực, tích cực đổi mới công tác quản lý, phương pháp giảng dạy để chất lượng giáo dục ngày một đi lên. Số HS giỏi, đoạt giải cao trong các kỳ thi, trúng tuyển đại học của huyện năm sau luôn nhỉnh hơn năm trước. Nhờ sự hỗ trợ của ngành, các trường đã thực hiện rất tốt nhiều phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”. Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (ĐCQG) cũng được ngành tập trung thực hiện tốt trong thời gian qua. Cụ thể, trong năm 2011, Củ Chi có thêm 4 trường được thành phố công nhận ĐCQG.
Bà có thể nói đôi chút về kế hoạch đầu tư trường lớp của huyện trong giai đoạn 2010-2015?
Giai đoạn 2010-2015, huyện dành 1.864 tỷ đồng để hoàn thiện cơ sở vật chất, xây mới 51 trường học. Đến thời điểm hiện tại, huyện đã cho khởi công xây mới, nâng cấp và mở rộng 21 công trình trường học. Hoàn thành và đưa vào sử dụng 14 trường. Song song đó, mỗi bậc học được đầu tư xây dựng 1 trường tiên tiến hiện đại ngang tầm các nước phát triển trong khu vực (Trường MN Thị trấn Củ Chi 1, Trường TH An Phú 1, Trường THCS Thị trấn 2). Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X đã nhất trí thông qua Đề án xây dựng 45 trường ĐCQG giai đoạn 2010-2015. Trên cơ sở đó, hàng năm, UBND huyện đều có kế hoạch xây dựng trường ĐCQG cụ thể. Phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ có 53/91 trường ĐCQG.
Được biết, tỷ lệ dân nhập cư của huyện Củ Chi năm sau luôn cao hơn năm trước. Thực trạng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến công tác xây dựng hệ thống trường ĐCQG. Vậy, huyện sẽ làm gì để vừa đảm bảo chỗ học cho con em nhân dân, vừa đáp ứng được việc xây dựng trường chuẩn?
Tại 20 xã và thị trấn thuộc huyện Củ Chi đều có trường MN, TH, THCS; còn 7 trường THPT được xây dựng theo cụm dân cư. Đối với những khu vực đông dân cư như: Thị trấn, Tân Thạnh Đông, Tân Quy, An Nhơn Tây, Phước Thạnh, khi thiết kế xây dựng, huyện đều có dự kiến tỷ lệ dân số tăng cơ học. Do vậy, quy mô trường lớp lớn hơn những khu vực khác. Hiện nay, sĩ số trung bình mỗi lớp là 30-35 HS trong khi nhiều trường đang được nâng cấp mở rộng, số phòng học ngày một nhiều hơn nên không ảnh hưởng đến quá trình xây dựng hệ thống trường ĐCQG.
Còn việc chăm lo cho đội ngũ thầy cô giáo được thực hiện theo hướng nào, thưa bà?
Tuy còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng ưu tiên hàng đầu của huyện vẫn là đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục. Trong đó, việc chăm lo cho đội ngũ giáo viên (GV) luôn được quan tâm đúng mức, kịp thời. Trước mắt, huyện quyết tâm đảm bảo lương và những khoản phụ cấp cho thầy cô giáo, nhân viên phục vụ tại các trường. 13 xã vùng sâu được hưởng trợ cấp theo quy định. Song song đó, ngành GD-ĐT huyện cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để GV học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thông qua việc tổ chức khai giảng các lớp sơ cấp, trung cấp chính trị đều đặn mỗi năm. Hiện nay, trên 38% CB-GV-CNV trên địa bàn có bằng sơ cấp và trung cấp chính trị; 15 đồng chí có bằng cao cấp và 12 đồng chí có bằng cử nhân chính trị; 78,5% CB-GV-CNV đạt trình độ ĐH, CĐ. Bên cạnh việc thường xuyên liên kết với nhiều trường ĐH của thành phố mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho GV, ngành còn hỗ trợ toàn bộ học phí nhằm khuyến khích ngày càng nhiều thầy cô giáo học cao học.
Nhân dịp đầu năm mới, bà nhắn nhủ gì đến đội ngũ cán bộ quản lý, thầy cô giáo, phụ huynh và các em HS?
Nhân dịp năm mới, kính chúc quý thầy cô giáo, quý phụ huynh cùng các em HS thật nhiều sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc. CB-GV-CNV ngành GD-ĐT hãy tiếp tục phát huy những thành tích đạt được trong năm 2011, nỗ lực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mỗi thầy cô giáo cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp “trồng người”, hết lòng quan tâm chăm sóc, dạy dỗ các em HS. Về phần mình, các em HS hãy cố gắng, rèn luyện theo 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu học thật tốt để trở thành con ngoan trò giỏi.
Trân trọng cảm ơn bà!
Huy Cận (thực hiện)