Thứ bảy, 17/6/2017, 20h01

Giáo dục ngôn ngữ cho trẻ mầm non

Đây là tên một cuốn sách của TS. Trần Nguyễn Nguyên Hân (ảnh). Tốt nghiệp đại học chính quy Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, thạc sĩ chuyên ngành giáo dục mầm non Trường Đại học Keimyung, Hàn Quốc, tiến sĩ chuyên ngành giáo dục mầm non Khoa Giáo dục mầm non Trường Đại học Dong-Eui, Hàn Quốc, hiện nay, TS. Trần Nguyễn Nguyên Hân vẫn đang dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về vấn đề giáo dục ngôn ngữ cho trẻ mầm non. TS. Trần Nguyễn Nguyên Hân giảng dạy môn phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non, là tác giả của nhiều bài viết về lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ cho trẻ mầm non được đăng trên Tạp chí Giáo dục Mầm non, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm TP.HCM…

Để giáo dục ngôn ngữ cho trẻ mầm non, người lớn cần trang bị cho chính mình những kiến thức về quá trình phát triển và giáo dục ngôn ngữ của trẻ mầm non. Bên cạnh đó, người lớn cũng cần phải nắm vững các phương pháp, cách tiếp cận giáo dục ngôn ngữ phong phú. “Giáo dục ngôn ngữ cho trẻ mầm non” là nguồn tư liệu phong phú, bổ ích cho những ai quan tâm đến vấn đề này.

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: “Quyển sách có thể trở thành thách thức với những ai muốn đọc và dùng lập tức, nhưng sẽ trở nên lý thú với những ai muốn hiểu về ngôn ngữ, cơ chế phát triển ngôn ngữ và cách thức phát triển ngôn ngữ cho trẻ em trong một tiến trình khoa học nhưng đảm bảo tự nhiên… Chúng ta sẽ tìm thấy sự tương đồng trong suy nghĩ - tư duy và cả cảm xúc khi nhận ra những “sự tiếp nhận ngôn ngữ bằng xúc cảm” nếu biết đây là một trong những lĩnh vực cần lắm sự hiểu biết liên ngành: Ngôn ngữ học, tâm lý học, giáo dục học. Đặc biệt, tâm lý học ngôn ngữ và giáo dục ngôn ngữ sẽ cần lắm những quyển sách thế này như bước khởi đầu khám phá”.

Thục Quyên