Thứ hai, 17/12/2012, 15h12

Giáo dục phải phù hợp với khí chất

Người giáo viên cần nắm rõ khí chất HS để tác động cho phù hợp, mang lại kết quả cao. Ảnh: N.Trinh

Chất lượng của hoạt động dạy học cao hay thấp phụ thuộc vào uy tín, năng lực và khả năng thấu hiểu con người của giáo viên. Một trong những đặc điểm tâm lý cá nhân ở học sinh (HS) mà giáo viên cần nắm rõ và ứng xử hợp lý, linh hoạt đó là đặc điểm khí chất.
Trong giáo dục, nếu giáo viên không nắm vững những đặc điểm tâm lý này thì hoạt động dạy sẽ kém hiệu quả, thậm chí dẫn đến phản ứng ngược, nảy sinh tâm lý tiêu cực trong HS và tập thể lớp học. 
1. Có thể nhận ra kiểu khí chất khác nhau ở HS qua quan sát các hành vi, cử chỉ, hoạt động hàng ngày: Có HS nhanh nhẹn, hoạt bát; HS khác chậm chạp, điềm tĩnh; có em thì cởi mở, lạc quan dễ tiếp xúc với người xung quanh; những em khác thì kín đáo, ít cởi mở... Những biểu hiện đó phản ánh sắc thái tâm lý của cá nhân về cường độ, vận tốc của động tác, cử chỉ. Những biểu hiện bên ngoài của mọi hoạt động tâm lý đều mang tính độc đáo của khí chất. Theo quan điểm của tâm lý học: Khí chất là thuộc tính tâm lý nhân cách gắn liền với đặc điểm của từng kiểu loại hoạt động thần kinh cấp cao, quy định tính năng động của tâm lý và hành vi của cá nhân.
Khí chất bao giờ cũng tương ứng với kiểu hoạt động thần kinh cấp cao và phản ánh các đặc điểm hoạt động sinh lý thần kinh của từng người. Biểu hiện cường độ, tốc độ, nhịp độ của hoạt động tâm lý in dấu ấn lên toàn bộ thái độ, hành vi, hoạt động của mỗi người. I.P.Páplốp - nhà sinh lý học thần kinh người Nga - đã chỉ ra sự phụ thuộc chủ yếu của khí chất con người vào đặc điểm hoạt động và mối quan hệ của hai quá trình thần kinh cơ bản là hưng phấn và ức chế với 3 thuộc tính cơ bản: Cường độ, tính cân bằng, tính linh hoạt. Sự kết hợp theo các cách khác nhau giữa 3 thuộc tính này tạo ra 4 kiểu khí chất: Nóng, hoạt, trầm và ưu tư.
2. Trên cơ sở hiểu biết đặc điểm tâm lý trong công tác giáo dục HS, người giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cần nắm rõ khí chất để tác động cho phù hợp mang lại hiệu quả cao. Trong đánh giá, nhận xét HS phải tính đến đặc điểm khí chất, tránh lẫn lộn khí chất với các phẩm chất tâm lý khác. Đồng thời, khi phê bình, nhắc nhở những nhược điểm của khí chất, tránh gán ghép thành những phẩm chất đạo đức của cá nhân. Mặt khác cũng không thể căn cứ đơn thuần vào kiểu khí chất mà đánh giá HS, vì loại khí chất nào cũng có ưu điểm và nhược điểm. Trong giáo dục, bồi dưỡng nhân cách phải tác động phù hợp với đặc điểm khí chất từng HS mới tạo điều kiện thuận lợi để HS phát huy mặt mạnh, kiềm chế khắc phục mặt yếu một cách có hiệu quả. Trong công tác chủ nhiệm hoặc giảng dạy nội dung có phân nhóm, khi phân công nhiệm vụ cho HS, nên kết hợp xem xét cả đặc điểm khí chất, khuyến khích, động viên HS thực hiện tốt nhiệm vụ, tận dụng được ưu điểm của HS này để bổ sung, hạn chế, khắc phục mặt yếu của HS khác trong nhóm nhằm phát huy được sức mạnh của tập thể lớp học. Trên cơ sở bồi dưỡng các phẩm chất tâm lý khác của nhân cách, kiên trì động viên các em phát huy ưu điểm, kiềm chế đi đến khắc phục nhược điểm của khí chất.
Khí chất nóng: Ứng với kiểu thần kinh mạnh, không cân bằng và linh hoạt. HS thuộc kiểu khí chất này thường dễ xúc động, hành động nhanh nhưng không bền vững. Xúc cảm mạnh, dễ thay đổi, tính tình nóng nảy. Nếu giáo dục nhẹ nhàng, tế nhị, sẽ nhiệt tình, hăng say, có sáng kiến. Ngược lại, có thể nảy sinh tính thô lỗ, cục cằn, dễ bị kích động.Đối với những HS có kiểu khí chất nóng, giáo viên cần gần gũi, chỉ ra nhược điểm của tính nóng nảy, dần giúp các em khắc phục tính nóng nảy và phát huy tính thẳng thắn, quyết đoán, tích cực.
Khí chất hoạt: Ứng với kiểu thần kinh mạnh, cân bằng và linh hoạt. Những HS thuộc kiểu khí chất này thường năng động, linh hoạt, ham thích tìm tòi cái mới; nhạy cảm, vui vẻ, nhưng xúc cảm không bền vững, sâu sắc, dễ tiếp xúc, dễ hòa nhập, dễ tiếp thu cái mới nhưng cũng dễ di chuyển chú ý, chóng quên, không thích ngồi yên một chỗ. Nếu có phương pháp giáo dục thích hợp thì sẽ hăng say học tập rèn luyện, có lòng vị tha, quan tâm đến mọi người xung quanh… Ngược lại, nếu phương pháp giáo dục không tốt sẽ hình thành những đặc điểm tâm lý nhẹ dạ, nông nổi, vô tâm, không thực hiện công việc đến nơi đến chốn… Giáo viên cần chỉ ra và giúp HS khắc phục nhược điểm là thiếu tỉ mỉ, cẩn thận…, phát huy tính năng động, hoạt bát của khí chất.
Khí chất trầm (bình thản): Ứng với kiểu thần kinh mạnh, cân bằng, không linh hoạt. HS thuộc kiểu khí chất này thường điềm tĩnh, chậm chạp, khó quen với hoàn cảnh mới. Trong sinh hoạt thường kiên trì, cố gắng hoàn thành công việc. Nếu biết động viên, khích lệ tham gia vào hoạt động của tập thể thì sẽ dễ hình thành những nét tính cách tốt như chuyên cần, kiên trì, chắc chắn. Ngược lại sẽ dễ phát triển tính ỳ, thụ động, thờ ơ, bàng quan với hoạt động chung của lớp học. Giáo viên cần động viên, tạo điều kiện cho các em tích cực tham gia các hoạt động tập thể, để HS có cơ hội khẳng định bản thân.
Khí chất yếu (ưu tư): Ứng với kiểu thần kinh yếu, không cân bằng và ít linh hoạt.HS thuộc kiểu khí chất này các quá trình tâm lý diễn ra chậm chạp, khó đáp ứng với những kích thích mạnh, kéo dài, khó thích nghi với môi trường mới, dễ lo sợ, xúc cảm xuất hiện muộn nhưng sâu sắc, bền vững. Nếu được động viên, khuyến khích sẽ tạo tính kiên trì, tế nhị, nhạy cảm. Ngược lại nảy sinh tính nhút nhát, xa lánh tập thể. Giáo viên cần quan tâm, động viên khích lệ, để HS mạnh dạn, cởi mở hơn trong hoạt động tập thể, nếu HS có kiểu khí chất này bị vi phạm; đồng thời thận trọng trong phê bình, nhắc nhở, tìm biện pháp phù hợp để HS nhận ra lỗi lầm, tránh để các em rơi vào trạng thái bi quan, chán nản.
3. Việc rèn luyện khí chất không phải là chuyển từ một loại khí chất này sang một loại khí chất khác, vì loại khí chất nào cũng biểu hiện cả mặt ưu điểm và mặt nhược điểm. Điều quan trọng là chỉ rõ ưu điểm, nhược điểm của từng em, giúp HS phát huy ưu điểm, kiềm chế có kết quả, đi đến hạn chế, khắc phục dần những nhược điểm trong học tập và sinh hoạt. Động viên HS kiên trì, quyết tâm khắc phục nhược điểm, tránh nôn nóng, vì đặc điểm tâm lý của khí chất gắn liền với đặc điểm hoạt động sinh lý, với kiểu hoạt động thần kinh cấp cao của cá nhân. Giáo viên cần khuyến khích HS ý thức được ưu điểm và nhược điểm trong khí chất của bản thân và các em khác trong lớp, làm cơ sở cho xây dựng tình bạn chân thành, thân thiện, tránh hiểu lầm đáng tiếc trong ứng xử, xây dựng không khí tâm lý chan hòa trong học tập và sinh hoạt tập thể.
Phạm Thị Ngần (Giảng viên tâm lý học)