Thứ bảy, 9/12/2017, 21h39

Giáo dục phát triển chưa bền vững

Bộ GD-ĐT đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, trong đó đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo.  Trao đổi với Giáo dục TP.HCM xung quanh vấn đề này, TS. Huỳnh Công Minh (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết:

Theo TS. Huỳnh Công Minh, quá trình thực hiện Luật Giáo dục trong thời gian qua có một số điều bất cập như việc thực hiện chương trình giáo dục, việc thực hiện chế độ chính sách giáo viên… Trong ảnh: Các thí sinh thi “văn hay chữ tốt” cấp thành phố năm 2017. Ảnh: N.Anh

- Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện nay là một vấn đề tôi thấy rất cần thiết. Luật Giáo dục đã ban hành và sửa đổi bổ sung cách đây hơn 10 năm, tình hình phát triển của đất nước đã có nhiều thay đổi so với trước. Đặc biệt với Nghị quyết 29 TW8 khóa XI thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà, những yêu cầu về mục tiêu đào tạo, về nội dung chương trình, phương pháp dạy học, phương thức thi cử đánh giá và tổ chức quản lý nhà trường đang trong quá trình đổi mới mạnh mẽ, đòi hỏi cơ sở pháp lý - Luật Giáo dục phải sửa đổi và bổ sung cho phù hợp nhằm tạo điều kiện và thúc đẩy công cuộc đổi mới tốt hơn.

Với nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, ông tâm đắc điều gì nhất?

- Điều tâm đắc nhất mà nhiều năm qua tôi đã thường xuyên kiến nghị là chính sách giáo viên. Giáo dục nước nhà nhìn chung đang có sự phát triển về quy mô lẫn chất lượng, nhưng đó là sự phát triển chưa vững bền vì đời sống giáo viên còn thiếu thốn, thu nhập của giáo viên chưa thật sự căn cơ, người giáo viên còn phải bươn chải rất nhiều cho cuộc sống mới, thầy cô giáo không được an cư nhàn hạ để truyền tải niềm tin và cảm hứng học tập cho học sinh, thể hiện đầy đủ thiên chức kỹ sư tâm hồn cho thế hệ trẻ!

Mặt khác, muốn chất lượng giáo dục ngang tầm hội nhập và phát triển của đất nước, người giáo viên phải được đào tạo và bồi dưỡng ngang tầm vì “Không có một nền giáo dục nào cao hơn trình độ giáo viên của nền giáo dục ấy”! Chế độ chính sách giáo viên tốt sẽ thu hút nhân tài vào ngành sư phạm, đồng thời tạo điều kiện và động viên mọi thầy cô giáo không ngừng học tập, rèn luyện để đáp ứng yêu cầu.

Có ý kiến cho rằng, đạo đức xã hội hiện nay có biểu hiện xuống cấp, vị trí người thầy trong xã hội không được tôn trọng như xưa! Nguyên nhân góp phần không nhỏ là vấn đề chế độ chính sách giáo viên, sự đãi ngộ chưa tương xứng, cuộc sống nghèo khó và sự bươn chải đã làm suy giảm phần nào vị trí người thầy trong xã hội và trước học sinh.

Về việc nâng chuẩn giáo viên tiểu học, ý kiến ông thế nào?

- Rất đồng ý! Tiểu học là một bậc học nền tảng, đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách con người một cách chắc chắn, vững bền. Sự coi thường tiểu học trong triết lý giáo dục khoa bảng của chúng ta trong thời gian dài vừa qua là một sai lầm cần phải khắc phục một cách căn cơ mà trước hết là vấn đề đào tạo sư phạm và chuẩn giáo viên.

Ở một nước có nền giáo dục tiên tiến như Phần Lan, giáo viên phổ thông của họ đều có trình độ thạc sĩ, không phân biệt là ở cấp học, bậc học nào. Ở nước ta hiện nay đã có những địa phương đang phổ cập hóa ĐH cho giáo viên tiểu học và THCS.

Còn vấn đề miễn học phí ở bậc THCS, thưa ông?

- Đây là một yếu tố quan trọng biểu thị sự phát triển của đất nước, giáo dục bắt buộc không dừng lại ở tiểu học mà phát triển đến THCS. Nếu được thực hiện thì đây là tin vui cho mọi người, nhất là những gia đình khó khăn.

Là cơ quan quản lý giáo dục của cả nước cần đặt ra vấn đề này để các cơ quan có thẩm quyền về kế hoạch, tài chính tính toán các yếu tố liên quan, cân đối ngân sách phù hợp, đảm bảo tính khả thi cho một văn bản Luật được ban hành.

Điều gì mà ông còn băn khoăn, thưa ông?

- Nhìn lại quá trình thực hiện Luật Giáo dục trong thời gian qua chúng ta thấy có một số điều bất cập như việc thực hiện chương trình giáo dục, việc thực hiện chế độ chính sách giáo viên… Luật Giáo dục quy định cả nước phải thống nhất một chương trình, một bộ sách giáo khoa ở giáo dục phổ thông… nhưng khi Luật vừa ban hành đã có ngay nhiều ý kiến đề xuất cả nước phải có nhiều bộ sách giáo khoa để học sinh chọn lựa, học tập!

Về chế độ chính sách giáo viên, lương giáo viên phải là lương cao nhất trong hệ thống lương sự nghiệp… nhưng thực tế cuộc sống, thầy cô giáo không sống đủ bằng lương, phải bươn chải kiếm sống bằng nhiều nguồn thu nhập khác nhau trong một thời gian dài!

Với thực tế ấy, nếu không được khắc phục triệt để thì khi xây dựng Luật mới sửa đổi, bổ sung, chúng ta không khỏi băn khoăn cho tính hiệu lực của một văn bản Luật.

Ông có kiến nghị gì về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung?

- Sự băn khoăn nói trên cũng chính là ý kiến kiến nghị. Quá trình lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung là quá trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tính toán mọi khía cạnh liên quan để Luật được khả thi khi ban hành. Nhất là vấn đề miễn học phí ở THCS, chúng ta không để cho tình trạng lạm thu xảy ra trong trường THCS như ở trường tiểu học trước đây khi ban hành Luật phổ cập giáo dục tiểu học vì không đủ chi phí cho các hoạt động thiết yếu của nhà trường!

Xin cảm ơn ông!

Phan Ngọc Quang (thực hiện)