Thứ hai, 18/4/2011, 10h04

Giáo dục phổ thông: Chú trọng dạy làm người

Cải thiện mức lương để thầy không phải "sống mòn"; Giáo viên sư phạm phải được tuyển chọn, đào tạo nghiêm túc; Giảm tải chương trình học, thay đổi mục tiêu giáo dục phổ thông là dạy làm người; Nhà giáo là nhà khoa học được giảng dạy theo phương cách riêng.
Những vấn đề về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông đã được các nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục trao đổi tại hội thảo do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức hôm 15/4.
“Chừng nào người thầy giáo còn dành thời gian dạy thêm để tăng thu nhập, chừng nào mà nhân cách của người thầy giáo còn bị tiền bạc, vật chất cám dỗ thì chừng đó đổi mới giáo dục phổ thông không thể thành công” - TS Đoàn Hữu Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, phát biểu.
Giáo viên “sống mòn”: Khó đổi mới giáo dục
GS-TSKH Lê Ngọc Trà phân tích: Vấn đề thiết yếu nhất, thậm chí có tính chất quyết định để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông là vấn đề lương giáo viên và người làm công tác giáo dục. Chúng ta muốn các thầy cô giáo hết lòng vì sự nghiệp giáo dục nhưng đồng lương trả cho họ lại không đủ sống. Không thay đổi tình trạng hiện nay, mọi ý định và kế hoạch dù tốt đẹp đến đâu cũng sẽ khó mang lại kết quả thực tế.
Cùng quan điểm, PGS-TS Trần Hữu Tá nêu: “Chất lượng đào tạo giáo viên chỉ có thể đáp ứng đúng mức yêu cầu khi mà đội ngũ giảng viên sư phạm được đãi ngộ, đầu tư xứng đáng. Họ phải được tạm yên tâm về vấn đề kinh tế, không đến nỗi lâm cảnh sống mòn (hiện tiến sĩ cũng chỉ nhận lương tháng non 3 triệu đồng), luôn bị nợ áo cơm ghì sát đất! Quan trọng hơn, họ không sợ bị bào mòn về chuyên môn, được tiếp tục học tập, bồi dưỡng cho những bậc cao hơn, ở những lớp tập huấn dài hạn có chất lượng cả trong và ngoài nước”.
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) trong một giờ học.
PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Ngữ văn, cho biết: “Chất lượng giáo viên phản ánh đầy đủ nhất tiềm lực của một nền giáo dục. Giả sử một thảm họa nào đó, trường học bị cuốn trôi, chương trình và sách giáo khoa bị cháy rụi, thầy và trò phải ra đồng dựng lều mà dạy học thì vẫn còn có hy vọng về một nền giáo dục tốt nếu có những người thầy thạo nghề và tâm huyết. Còn nếu một nền giáo dục mà mọi thứ đều “hoành tráng”, chỉ trừ ông thầy, vốn chỉ là những học sinh phổ thông trung bình, vào nghề với sự bất đắc dĩ, vừa dạy học, vừa bươn chải kiếm sống thì có thể nói một cách quả quyết là nền giáo dục đó không có tương lai”.
GS-TSKH Lê Ngọc Trà đề nghị: “Không có thầy giỏi sẽ không có trò giỏi. Những tư tưởng mới, những phương pháp mới phải bắt đầu ở các trường ĐH sư phạm, ở nơi đào tạo các thầy giáo tương lai”. PGS-TS Trần Hữu Tá đồng tình: “Những sản phẩm của các trường ĐH sư phạm chỉ thực sự ưu hạng khi ngay từ khâu tuyển sinh đã thu hút được học sinh giỏi. Đồng thời, sau khi tốt nghiệp ra trường nhất thiết phải có việc làm và phải sống được bằng lương như Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã từng đoan quyết thì mới níu chân được người giỏi”.
Đổi mục tiêu, giảm chương trình
Đóng góp về đổi mới giáo dục phổ thông, TS Huỳnh Thanh Triều, Phó Hiệu trưởng, nói: “Chương trình phổ thông của chúng ta quá nặng, đòi hỏi của chúng ta đối với học sinh quá cao. Tôi nghĩ giáo dục phổ thông nên thiên về hình thành con người hơn là vội vàng đào tạo nhân tài. Nhiều phát biểu của học sinh đã tốt nghiệp phổ thông du học ở nước ngoài khiến tôi phải suy nghĩ: Sang đây con mới thấy thế nào là đi học…”. GS Lê Ngọc Trà đồng tình: “Cần xác định lại mục tiêu đào tạo của chúng ta là đào tạo con người. Tôi đề nghị phải kiên quyết cắt giảm nội dung và liều lượng kiến thức được giảng dạy, khắc phục tình trạng quá tải ở trường phổ thông hiện nay. Đồng thời, phải biện luận lại sách giáo khoa theo hướng hiện đại, cho phép giáo viên được sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa để dạy”.
TS Triều đề xuất: “Không nên quản lý chương trình giáo dục phổ thông một cách quá chặt như hiện nay. Nên để cho trường có quyền quyết định nội dung, phương pháp giảng dạy và lịch trình cho hoạt động của mình. Giáo viên phổ thông cũng là những nhà khoa học nên dành cho họ quyền tư duy và hành động theo phương cách riêng của mình”.
PGS.TS Trần Hữu Tá: Phải đổi mới từ trường sư phạm
Tình trạng “cơm chấm cơm”, thậm chí “cơm nguội chấm cơm nát”, như cách nói phổ biến của 50 năm trước, không ngờ đến nay vẫn tồn tại dai dẳng ở nhiều cấp học, nhiều địa phương, thậm chí còn đáng lo ngại hơn. Các trường ĐH làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên hiện nay đội ngũ giáo viên vừa thiếu vừa yếu (cử nhân lên lớp đào tạo cử nhân), đặc biệt thiếu cán bộ khoa học đầu đàn để giúp đỡ giảng viên trẻ và để đáp ứng yêu cầu đào tạo ngày càng cao về chất lượng. Hậu quả của tình trạng này thật đáng sợ.
GS-TSKH Lê Ngọc Trà: Xây dựng ĐH sư phạm trọng điểm
Phải xây dựng hai hay ba ĐH sư phạm trọng điểm như là nơi đào tạo giáo viên có tính chất chuẩn mực, chất lượng cao. Tuyệt đối không nên biến các ĐH sư phạm trọng điểm hiện nay thành các ĐH đa ngành. Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Nga và nhiều nước tiên tiến trên thế giới hiện nay vẫn giữ những trường ĐH sư phạm chuyên ngành theo kiểu này.
Theo Quốc Dũng
Pháp luật TPHCM