Thứ năm, 18/5/2017, 21h54

Giáo dục tác động lớn đến ý thức người tham gia giao thông

Xây dựng văn hóa giao thông và văn minh đô thị là nhiệm vụ lâu dài và khó khăn, đòi hỏi mỗi người phải hành động bằng ý thức tự giác cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó giáo dục đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Đó là một trong những nội dung được nhấn mạnh tại Hội thảo “Văn hóa giao thông với văn minh đô thị”, do Liên hiệp các Hội KHKT TP.Đà Nẵng phối hợp với Ban ATGT TP vừa tổ chức tại Đà Nẵng.

HS Đà Nẵng trong một buổi ngoại khóa về ATGT

1.Hội thảo thu hút sự quan tâm của các học giả, nhà nghiên cứu, các chuyên gia và nhà quản lý, với gần 17 tham luận được trình bày xoay quanh các vấn đề thực trạng, nguyên nhân và đưa ra các giải pháp thiết thực để xây dựng một môi trường văn hóa giao thông an toàn, thân thiện. Theo Thiếu tá Thái Anh Tuấn, Phó đội trưởng Đội Tuyên truyền - Xử lý, Phòng CSGT, Công an TP.Đà Nẵng cho biết, qua phân tích nguyên nhân cơ bản dẫn đến TNGT chủ yếu là do ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, trực tiếp là các hành vi chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, chuyển hướng không chú ý, tránh, vượt sai quy định, sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trước thực trạng vi phạm trật tự ATGT có giảm về cả 3 tiêu chí trong thời gian qua nhưng số người vi phạm vẫn còn nhiều, nhất là vi phạm do thiếu ý thức tự giác, không am tường Luật ATGT khi tham gia giao thông. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã nêu ra các giải pháp thiết thực. Ông Trần Đình Liễn, Chủ tịch Hội Khuyến học TP.Đà Nẵng nêu quan điểm, cùng với việc nâng cao năng lực quản lý đô thị, quản lý văn hóa đô thị; xây dựng nếp sống văn hóa thượng tôn pháp luật, ATGT… thì cần nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm xây dựng văn hóa đô thị, trong đó có văn hóa giao thông. Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc này. Vì vậy cần làm tốt việc giáo dục pháp luật ATGT qua môn GDCD trong trường học ở tất cả các bậc học. Nội dung giáo dục về ATGT cũng cần được biên soạn phù hợp và tổ chức bài dạy hấp dẫn với từng lứa tuổi. Kết hợp giữa hình thức nêu gương và xử phạt, tuyên dương những HSSV có hành vi ứng xử và chấp hành tốt Luật ATGT.

2.Đồng quan điểm, tác giả Quách Thị Xuân và Võ Lương Bình Nguyên đến từ Trung tâm Tư vấn và Phát triển Bền vững - Viện nghiên cứu phát triển KT-XH TP.Đà Nẵng đã phân tích về tính pháp lý và tính tự giác khi tham gia giao thông. Trong đó nhấn mạnh về ý thức tự giác được tác động từ môi trường giáo dục, tiếp xúc hàng ngày thông qua ảnh hưởng từ các hành vi ứng xử xung quanh. Từ đó đưa ra các giải pháp, đặc biệt là giáo dục ý thức chấp hành luật và quy định về ATGT bao gồm giáo dục trong nhà trường, đơn vị, trong gia đình, cộng đồng… “Cần đưa việc giảng dạy pháp luật trong đó có pháp luật về ATGT đường bộ vào hệ thống các trường học, từ các trường phổ thông đến ĐH, dạy nghề trở thành môn học có tính phổ cập. Cần có nội dung chương trình phù hợp từng cấp học, đối tượng”. Đặc biệt là quan tâm bồi dưỡng kiến thức pháp luật ATGT cho đội ngũ GV. Nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy học về ATGT, trang bị mô hình mô phỏng các tình huống giao thông cùng thiết bị trợ giúp cho học tập thực tế để HS dễ nhớ, dễ hiểu và có kỹ năng thực hiện. Đưa môn học này vào chương trình như môn học bắt buộc…

3.Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng cho biết, công tác giáo dục ATGT cho HS trên địa bàn là nhiệm vụ trọng tâm của “Năm Văn hóa văn minh đô thị” theo Chỉ thị số 43-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng. Các chương trình phối hợp về ATGT với các ngành và đoàn thể khác đã có nhiều tác động tích cực, hỗ trợ công tác giáo dục ATGT cho HS. Sở Giáo dục đã có nhiều chương trình giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành ATGT cho HS. Không chỉ dừng lại ở HS từ 6 tuổi trở lên, nhận thức được tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm đối với sức khỏe và tính mạng của trẻ em, cũng như rèn luyện thói quen đội mũ bảo hiểm từ tuổi mầm non, thời gian qua, ngành GD-ĐT TP đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hướng đến đối tượng phụ huynh và trẻ mầm non. Sở đã tổ chức lớp tập huấn về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em cho hiệu trưởng các trường mầm non trên địa bàn. Nhờ phối hợp thực hiện tốt, tỉ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm trên địa bàn đến thời điểm hiện tại trên 80%. “Một yếu tố đóng vai trò quyết định trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao tỉ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em là sự phối kết hợp chặt chẽ giữa ngành GD-ĐT với Ban ATGT, Phòng CSGT Công an TP, sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và công an địa phương. Nếu không có sự phối kết hợp này thì mọi công tác tuyên truyền, giáo dục đều khó mang lại kết quả mong muốn”, ông Vương nói.

Bài, ảnh: Hàn Giang