Thứ hai, 26/10/2015, 14h34

Giáo dục trẻ khuyết tật: Đau đầu bài toán tìm nhân sự

Nhiều năm qua, chế độ chính sách, trợ cấp xã hội dành cho người khuyết tật và cán bộ, giáo viên làm công tác giáo dục khuyết tật ngày càng hoàn thiện, nhưng trường chuyên biệt vẫn không tuyển được giáo viên. Đội ngũ giáo viên, nhân viên đang tham gia giảng dạy phải làm nhiều việc kiêm nhiệm, chưa qua các khóa đào tạo chuyên sâu về giáo dục đặc biệt, khiến công tác giảng dạy gặp nhiều khó khăn.

Giáo viên trường chuyên biệt Niềm tin quận Phú Nhuận hướng dẫn các cháu chậm phát triển vui chơi lắp ráp. Ảnh: Mai Hải

Nhìn đâu cũng thiếu!

Theo báo cáo tổng kết năm học 2014-2015 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2015-2016 ngành giáo dục đặc biệt do Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM vừa công bố, đội ngũ giáo viên, nhân viên đang làm việc tại các trường chuyên biệt còn rất thiếu, chưa đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp theo quy định. Việc tuyển dụng nhân sự gặp nhiều khó khăn do thiếu ứng viên có hộ khẩu TPHCM. Trước tình trạng đó, nhiều quận, huyện đã linh động tuyển giáo viên có KT3, nhưng vẫn chưa đủ xoa dịu cơn khát giáo viên nhiều năm qua của các trường chuyên biệt. Đơn cử tại quận Bình Tân, năm học qua đã tuyển bổ sung 14 giáo viên có KT3 nhưng hiện vẫn cần tuyển thêm giáo viên.

Thống kê cho biết toàn TPHCM mới có hơn 61% giáo viên đang làm việc tại các trường chuyên biệt có trình độ đại học và cao đẳng, đội ngũ thường xuyên biến động do thu nhập thấp và áp lực công việc quá nặng. Ở bậc mầm non, trên tổng số 381 giáo viên dạy hòa nhập chỉ có 11 người tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục đặc biệt. Đối với tiểu học, tỷ lệ này còn ít ỏi hơn khi chỉ có 4 trên tổng số 3.521 giáo viên được đào tạo chuyên ngành giáo dục đặc biệt. Riêng ở khối THCS, hiện nay chưa có một cán bộ quản lý, giáo viên nào có chuyên môn sâu về giáo dục đặc biệt, việc giảng dạy chủ yếu dựa trên kinh nghiệm và kiến thức chăm sóc từ các lớp đào tạo ngắn ngày nên hiệu quả chưa như mong đợi.

Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên làm công tác gián tiếp như phục vụ, bảo vệ, thủ quỹ, y tế, văn phòng… càng thiếu trầm trọng hơn. Hiện nay, toàn TPHCM mới có 204 nhân viên phục vụ nhu cầu của hơn 2.780 trẻ khuyết tật. Đội ngũ này phần lớn chỉ tốt nghiệp cấp 2, 3; thu nhập không quá 2 triệu đồng/tháng nên thường xuyên biến động. Có trường hợp nhân viên xin nghỉ, hiệu trưởng phải kiêm luôn công tác y tế và văn phòng. Giải quyết bài toán khó khăn đó, bà Nguyễn Từ Dũ, Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, trong năm học 2015-2016, việc tăng cường nâng cao năng lực và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường chuyên biệt, trường dạy học sinh hòa nhập là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục. Theo đó, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập TPHCM có nhiệm vụ phối hợp với các phòng chuyên môn của ngành GD-ĐT tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ.   

Chuyển đổi mô hình hoạt động: Khó chồng khó!

* Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2014-2015 vẫn còn 7 quận, huyện chưa có trường chuyên biệt công lập, gồm các quận 4, 7, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức, hai huyện Nhà Bè và Hóc Môn. TPHCM hiện có 2.787 trẻ học tại các trường chuyên biệt, 4.447 em đang học hòa nhập tại 27 trường chuyên biệt và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trên địa bàn TPHCM.

Theo kế hoạch của UBND TPHCM, từ nay đến năm 2020 sẽ có 5 trường chuyên biệt trên địa bàn TP chuyển đổi thành trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Theo đó, trong năm học 2014-2015 đã có 2 đơn vị công lập là Trường Chuyên biệt Rạng Đông (huyện Bình Chánh) và Trường Chuyên biệt Hướng Dương (quận Tân Bình) hoàn tất hồ sơ trình UBND TPHCM phê duyệt. Dự kiến sau năm 2016 sẽ có thêm 3 trường chuyển đổi mô hình hoạt động, đồng thời kêu gọi tất cả trường chuyên biệt trên địa bàn TP chuyển đổi dần mô hình hoạt động. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TPHCM, đồng thời là Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Giáo dục khuyết tật - trẻ em có hoàn cảnh khó khăn TPHCM cho biết, khi chuyển đổi mô hình hoạt động từ trường chuyên biệt thành trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, đối tượng trẻ được tiếp nhận sẽ mở rộng hơn. Nếu như trước đây trường chuyên biệt chỉ dạy trẻ khuyết tật thì nay phải tổ chức thêm công tác chẩn đoán, phát hiện, tư vấn can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật, hỗ trợ chuyên môn cho các trường có học sinh hòa nhập, đồng thời tiếp nhận trẻ có hoàn cảnh khó khăn, lang thang, cơ nhỡ và trẻ có nguy cơ khuyết tật. “Mô hình hoạt động mới đòi hỏi các trường phải có nguồn nhân lực có chất lượng chuyên môn cao hơn, thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ hơn. Vì thế việc chuẩn bị cần có thời gian, không thể làm trong một sớm một chiều”, ông Tâm cho biết.

Không thể phủ nhận những cố gắng của TPHCM trong việc tạo ra môi trường chăm sóc tốt hơn cho trẻ khuyết tật, song với tình hình nhân lực tại các trường chuyên biệt còn đang thiếu thì việc chuyển đổi mô hình hoạt động càng khiến bài toán tìm nhân sự trở nên khó khăn hơn. Đã có nhiều kiến nghị tăng thêm trợ cấp, cải thiện chính sách lương bổng, đãi ngộ cho giáo viên, tuyển dụng cả nhân viên không có hộ khẩu TPHCM nhằm bổ sung thêm lực lượng cho lĩnh vực này, nhưng nếu thiếu quyết tâm thực hiện, việc chuyển đổi sẽ chỉ nằm trên giấy, khó đạt hiệu quả như mong đợi.

Minh Quân/ SGGP