Thứ năm, 26/11/2015, 21h49

Giáo dục trẻ lòng tự trọng

Cha mẹ trước hết phải là người biết làm gương tốt để con cái noi theo (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: I.T

Mặc dù ở trong giai đoạn chưa hoàn thiện nhưng lòng tự trọng của mỗi đứa trẻ sẽ góp phần gieo những hạt mầm tốt đẹp về phẩm chất đáng quý của con người và có đủ sức mạnh để sẵn sàng đối phó với những thói hư tật xấu. Vì thế các bậc làm cha làm mẹ phải biết cách và không thể thờ ơ trong việc giáo dục lòng tự trọng cho con mình.

Ươm mầm lòng tự trọng

Thạc sĩ tâm lý Phan Thị Mai Quyên - chuyên viên tâm lý trị liệu (Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM) cho biết, lòng tự trọng giúp con người hướng tới những suy nghĩ tốt lành, những cử chỉ đẹp. Người có lòng tự trọng sẽ tránh xa được những việc làm bất chính đi ngược với đạo đức xã hội. Theo thạc sĩ Mai Quyên, đối với trẻ con lòng tự trọng chưa phải là cái gì cao xa mà chỉ là những hành vi đơn giản và gần gũi nhất như nghe lời dạy của cha mẹ ông bà, không nghịch phá làm phiền đến người khác, không có thái độ chống đối bất cần. Lớn hơn một chút lòng tự trọng của trẻ thể hiện rõ hơn trong lời ăn tiếng nói, biết cách chào hỏi xưng hô lễ phép, biết tôn trọng mình và biết tôn trọng những người xung quanh. Nếu trẻ có đủ tự trọng thì các cháu tự ý thức được những việc làm của mình biết điều hay lẽ phải. Ưu việt hơn, lòng tự trọng vững bền còn giúp trẻ chiến thắng được những thói hư tật xấu đôi khi do trỗi dậy từ bản năng như nói dối, ăn cắp, tham lam, đua đòi...

Mặc dù khi đến tuổi đi học, trẻ được thầy cô giáo dục nhiều về lòng tự trọng nhưng cũng chỉ là trên sách vở, nặng lý thuyết. Trước đó hơn ai hết, cha mẹ và những người thân trong gia đình phải có trách nhiệm giáo dục lòng tự trọng cho trẻ ngay từ “thuở còn nằm trong nôi”. Trẻ con cảm thấy rất tự tin về chính bản thân mình khi có được những lời khen từ người lớn. Vì thế không lý do gì mà cha mẹ không “ban tặng” cho con những lời khen khi trẻ có những việc làm chuẩn đạo đức. Những lời khen đúng lúc giúp bé hiểu hơn giá trị tích cực của những việc mình đang làm và trẻ cảm thấy đó là hạnh phúc và là niềm tin. Lòng tự trọng từ đó cũng được vun bồi để trẻ có thể đứng vững hơn trong con mắt nhìn của nhiều người. Không chỉ lớn khôn thêm về thể chất, trẻ cũng thấy mình lớn khôn hơn về sự sĩ diện nhờ gom nhặt được nhiều lời nói tích cực nhất. Tuy nhiên điều cần nhớ là lời khen thường phải đi kèm với việc tốt vì thế phải tạo cơ hội cho trẻ có việc làm, yêu công việc dù chỉ là những chuyện vặt, chuyện nhỏ trong nhà. Lạm dụng lời khen chỉ làm cho trẻ có thêm độ dày về tính tự kiêu tự mãn, từ đó lòng tự trọng cũng bị đánh mất. Dạy cho thấy những điều sai trái không nên làm để trẻ biết mà tránh xa. Nếu trẻ không phân biệt được tốt - xấu, thật - giả thì lòng tự trọng cũng bị bào mòn. Nếu có những việc làm gặp trở ngại khó khăn thì cũng đừng để bé đầu hàng hay chùn bước. Những lời động viên lúc đó sẽ có sức mạnh ngàn cân khuyến khích dễ dàng vượt qua các “chướng ngại vật” đầu đời.  Giả sử trẻ gặp thất bại thì cũng đừng chê trách mỉa mai vì đây là điều cấm kỵ dễ làm cho trẻ tủi thân, thấy mình bị xúc phạm và dẫn đến tự ti mặc cảm.

Bắt đầu từ cha mẹ

Những lời châm chọc dễ làm tổn thương lòng tự trọng do trẻ bắt đầu ý thức được những lời chê bai vô lối của người lớn. Tức nước vỡ bờ, sẽ có ngày trẻ phản ứng ngược lại làm cho người lớn “đỡ đòn” không kịp mà hậu quả là thiếu đi lòng tự trọng.

Theo thạc sĩ Mai Quyên thì, không chỉ dạy biết tự tin, cha mẹ cần dạy trẻ biết khiêm nhường nhất là khi bị mắc lỗi. Khiêm tốn, nhường nhịn là liều thuốc giúp các cháu biết dừng tay trước những hành vi thô bạo và phản giáo dục. Khiêm nhường còn là mảnh đất màu mỡ cho lòng vị tha “đâm chồi nảy nụ” để biết hy sinh bản thân và dang rộng vòng tay cứu giúp người khác. Có như vậy trẻ mới biết nói lời cảm ơn, lời xin lỗi một cách thành thật mà không khách khí. Không thể để cho đứa trẻ lớn khôn cái gì cũng biết mà không biết... xấu hổ với những việc mình đã sai phạm. Giấy rách phải giữ lấy lề, lòng tự trọng giúp trẻ né tránh và miễn dịch được những tệ nạn bủa vây xung quanh. Đói cho sạch, rách cho thơm, bản lĩnh cuộc sống sẽ được lòng tự trọng nâng cánh vững vàng hơn khi tới tuổi trưởng thành.

Hương Thủy

“Người có lòng tự trọng luôn được thụ hưởng từ nền giáo dục chân chính của gia đình, vì thế cha mẹ trước hết phải là người biết làm gương để con cái noi theo. Rau nào sâu nấy, trẻ nói dối và tham lam thường là một “bản sao” mà có được từ những “bản gốc” trước đó trong gia đình. Vì thế ngay từ bây giờ cha mẹ phải đặt nền móng tương lai cho con cái bằng việc giáo dục những phẩm chất tốt đẹp trong đó không thể thiếu lòng tự trọng” - thạc sĩ Mai Quyên khuyên.